Từ khi nào chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu gián đoạn?
Một số người có thể trả lời đó là từ khi Mỹ áp đặt các hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc, với lý do cán cân thương mại thiếu công bằng và lo ngại sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Nhiều người ở Trung Quốc tin rằng nguyên nhân sâu xa của sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc nằm ở lập trường của cựu Tổng thống Donald Trump.
Nhưng các chính sách chống Trung Quốc của Trump chỉ là một khía cạnh trong chuỗi diễn biến được lên ý tưởng lâu dài. Từ 11 năm trước, phong trào tách khỏi Mỹ đã diễn ra ở Trung Quốc.
“Chính Tập Cận Bình là người đưa ra tuyên bố quan trọng đầu tiên dẫn đến sự chia rẽ của nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc”, một cựu quan chức Trung Quốc chỉ ra, thậm chí cho rằng ý tưởng này đã được nung nấu ngay trước khi ông Tập lên làm lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Việc kiên định với kế hoạch ban đầu của mình cho thấy ông Tập là một chính trị gia có ý chí mạnh mẽ.
Mọi chuyện bắt đầu xung quanh Đại hội thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được tổ chức vào tháng 11 năm 2012. Trong bối cảnh, đại hội toàn quốc đã bị trì hoãn đáng kể do bất ổn chính trị liên quan đến vụ bê bối của Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
Tại kỳ đại hội này, ông Tập đã nêu lên mối lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc đang bị Mỹ "cướp đoạt". Với tư cách là nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, ông quyết tâm đảo ngược tình thế.
Các tuyên bố của ông Tập được đưa ra sau những cánh cửa đóng kín và không được công khai. Nhưng với 3.000 đại biểu tham dự đại hội toàn quốc, đã có nhiều người bàn tán về việc này.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, người dân Trung Quốc không nhận ra rằng ý định của ông Tập sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và xã hội Trung Quốc sau này.
Trọng tâm mà ông Tập Cận Bình muốn cải cách đó là thay đổi bộ máy vốn đã được định hình từ thời Đặng Tiểu Bình.
Khi còn sống, Đặng Tiểu Bình là người chủ trương áp dụng chính sách "cải cách và mở cửa" vào năm 1978, từ đó đặt nền móng cho việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bất chấp sự ca ngợi của quốc tế dành cho vị nguyên lão này, ông Tập tin rằng cấu trúc kinh tế hướng về phương Tây mà Đặng cùng những người kế nhiệm thiết lập đã dẫn đến tệ nạn tham nhũng, tôn sùng vật chất và ngưỡng mộ mù quáng các hệ thống phương Tây trong đảng và quân đội.
Có thể hiểu rằng, các chính sách của Đặng Tiểu Bình là nguyên nhân khiến nền kinh tế Trung Quốc bị "cướp đoạt" hoặc thống trị bởi Mỹ.
Đối với ông Tập, các công ty Mỹ hoạt động tự do tại thị trường Trung Quốc và kiếm được lợi nhuận khổng lồ không phải là khía cạnh tiêu cực duy nhất trong các chính sách của Đặng Tiểu Bình.
Kết luận được rút ra đó là trừ khi tiến hành cải cách, nếu không sự tồn vong của thể chế có thể bị đe dọa.
Nỗ lực chấm dứt hợp tác và quan hệ kinh tế chặt chẽ với Mỹ của ông Tập chắc chắn sẽ đảo ngược các chính sách đã "bén rễ" tại Trung Quốc nhiều thập kỷ.
Mặc dù con đường dẫn đến sự tách rời của hai siêu cường chưa thực sự rõ ràng vào 2012, nhưng khi nhìn lại, chính quyền dưới thời ông Tập đã bắt đầu xem xét việc giảm sự phụ thuộc kinh tế của Trung Quốc vào Mỹ.
Năm năm sau, khi Trung Quốc tổ chức đại hội toàn quốc tiếp theo vào năm 2017, chính quyền trung ương bắt đầu thúc đẩy "sự kết hợp giữa quân sự và dân sự". Khai thác thế mạnh công nghệ của các doanh nghiệp tư nhân là một cách để quân đội Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Cảm nhận được động thái không thân thiện từ phía Bắc Kinh, chính quyền Washington bắt đầu cắt đứt chuỗi cung ứng công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến khu vực kinh tế tư nhân.
Ông Trump, người lên nắm quyền vào năm đó, tiếp tục xu hướng này bằng cách khởi xướng một cuộc chiến tranh thương mại.
Công thức của Tập Cận Bình để giải quyết sự phụ thuộc của Trung Quốc và Mỹ luôn là tự lực cánh sinh. Ông cũng đã thử "lưu thông kép" - một chính sách kinh tế tìm cách giảm bớt vai trò của ngoại thương trong việc thúc đẩy nền kinh tế trong nước.
Do hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại, các công ty công nghệ cao đa quốc gia đã gặp khó khăn trong việc cung cấp chất bán dẫn hiệu suất cao cho Trung Quốc.
Kết quả là các nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc đã mất thị phần đáng kể trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Một "bộ tứ" bao gồm Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản đã được hình thành nhằm ngăn chặn nguồn cung cấp chất bán dẫn cho Trung Quốc.
Ở một mức độ nào đó, Tập Cận Bình đã có được những gì mình muốn. Mỹ có lẽ không chiếm còn quyền điều khiển nền kinh tế Trung Quốc.
Nhưng ý chí kháng Mỹ của nhà lãnh đạo cũng gây trở ngại đối với các công ty Trung Quốc - cả thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân - để mở rộng hoạt động trên khắp thế giới mà không bị hạn chế. Điều này đã trở thành lực cản đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Trong 11 năm dưới thời Tập Cận Bình, nguyên tắc cơ bản thúc đẩy Trung Quốc đã thay đổi. Ưu tiên bảo vệ thể chế được ưu tiên hơn lợi ích kinh tế. Nền kinh tế chỉ là một công cụ để bổ sung cho nền chính trị.
Một câu hỏi đặt ra là: Điều gì sẽ xảy ra nếu chính sách này không đúng với nguyên tắc cải thiện sinh kế của người dân?
Ông Tập đã có được quyền lực tối thượng, và những người xung quanh ông đều là các phụ tá tin cậy. Không ai có thể sửa đổi căn bản chính sách cơ bản mà nhà lãnh đạo này thúc đẩy vì lý do chính trị.
Ngay cả Thủ tướng Lý Cường, quan chức quyền lực chỉ sau ông Tập và phụ trách kinh tế, cũng không phải là ngoại lệ. Ông Lý từng là thư ký riêng của ông Tập và có vai trò giống như một viên chức điều hành hơn là một thành viên chính thức của hội đồng quản trị trong một công ty.
Số liệu chính thức do Trung Quốc công bố hôm thứ Ba cho thấy nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 4,5% theo giá trị thực trong quý đầu năm nay.
Tốc độ tăng trưởng cao hơn dự kiến ban đầu do chính quyền trung ương bãi bỏ chính sách chống dịch nghiêm ngặt.
Nhưng ngành bất động sản vẫn sa lầy trong tình trạng ảm đạm và đầu tư của khu vực tư nhân không tăng.
Các công ty sản xuất vừa và nhỏ vốn từng là động lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng sa sút nghiêm trọng. Nếu họ không đứng vững trở lại, sẽ không thể đảm bảo việc làm cho số lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp đại học và những người khác.
Các công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty Nhật Bản, đang dần chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và Ấn Độ.
Vào tháng 3, có thông tin cho rằng một nam nhân viên kỳ cựu của Astellas Pharma, một nhà sản xuất dược phẩm lớn của Nhật Bản, đã bị bắt giữ tại Trung Quốc ngay trước khi người này chuẩn bị trở về Nhật Bản.
Vụ bắt giữ nhân viên của Astellas đang bắt đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc.
Chủ sở hữu của một công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc, cho biết họ đang chuyển dây chuyền sản xuất từ tỉnh Chiết Giang sang Việt Nam. "Chúng tôi đã và đang rời xa Trung Quốc. Mọi thứ đều đắt đỏ hơn và có những rủi ro chính trị. Vụ bắt giữ sẽ chỉ đẩy nhanh xu hướng này".
Kể từ khi cam kết thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ 11 năm trước, ông Tập vẫn theo đuổi kế hoạch này. Sự tách rời giữa hai siêu cường đã tiến triển từng bước. Các công ty không phải của Mỹ cũng bị cuốn vào "cơn bão".
Mặc dù dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng đang tăng lên, nhưng triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc chưa có nhiều hứa hẹn. Điều gì sẽ xảy ra trong 4-5 năm tới? Điều đó phụ thuộc vào việc ông Tập sẽ đi theo con đường chính trị nào.
Bài viết thể hiện quan điểm của Nakazawa Katsuji - biên tập viên cấp cao của Nikkei. Ông từng làm phóng viên thường trú tại Trung Quốc trong 7 năm.