Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đờn ca tài tử phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc ta, vừa mang những nét đặc trưng của cư dân vùng đất phương Nam vốn cần cù, bình dị, chân thật, phóng khoáng, nghĩa hiệp, can trường nhưng rất đỗi nhân văn.
Tính độc đáo của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ do cộng đồng 21 tỉnh, thành Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ của Việt Nam cùng nhau bảo tồn, trao truyền từ đời này qua đời khác, đảm bảo tính tiếp nối liên tục.
Còn theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo, được hình thành trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của dân ca miền Trung, dân ca Nam bộ, phát triển trong quá trình khai hoang, lập nghiệp của người dân vùng đất phương Nam.
Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Nam bộ, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa to lớn, góp phần phát triển phong phú, đa dạng kho tàng văn hóa nghệ thuật thế giới.
Trong khi đó, bánh dân gian Nam bộ là loại hình văn hóa ẩm thực đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam, được hình thành trong quá trình lao động, sản xuất, giao thoa giữa các cộng đồng người. Từ bao đời nay, người dân Nam bộ đã sáng tạo, kết hợp gạo, nếp cùng những sản vật thiên nhiên ban tặng, chế biến thành nhiều loại bánh dân gian hấp dẫn với hương vị thơm ngon, đậm đà.
Các hoạt động trong khuôn khổ liên hoan lần này gồm có: Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử; Không gian đờn ca tài tử với sự tham gia của 21 tỉnh, thành Nam bộ; Triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam.