Khai mạc Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tối 1/11, tại rạp Công nhân (Hà Nội), Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 đã khai mạc. Vở diễn “Khoảng trống” của Nhà hát Kịch Hà Nội được chọn biểu diễn mở màn tại Liên hoan.
Khai mạc Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024

Phát biểu khai mạc Liên hoan, Nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam khẳng định: Hà Nội nghìn năm văn hiến luôn là niềm tự hào của người Hà Nội nói riêng và của người dân cả nước nói chung, được gìn giữ, khơi nguồn trong dòng chảy lịch sử, tạo sức sống trường tồn đặc biệt là tạo niềm cảm hứng mạnh mẽ cho văn học nghệ thuật. Các hoạt động văn học nghệ thuật đã góp phần tỏa sáng giá trị tinh hoa văn hóa Hà Nội trên con đường phát triển, sánh bước cùng các quốc gia trên thế giới.

Theo Nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Liên hoan hội tụ các vở diễn với các loại hình sân khấu nghệ thuật, của các đơn vị nghệ thuật thuộc Trung ương, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Quân đội…, nhằm góp phần nâng cao giá trị văn hóa nghệ thuật Thủ đô; giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội, trong suốt chặng đường đấu tranh, xây dựng và phát triển Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

“Đây cũng là cơ hội mà Hà Nội tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu cùng đông đảo nghệ sỹ cả nước được giao lưu, học hỏi về học thuật, kỹ năng sáng tạo nghệ thuật, để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng sự mong mỏi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển”, Nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thúy Mùi khẳng định.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết, Thủ đô Hà Nội trong nhiều năm qua đã quan tâm đầu tư và tạo cơ chế cho các nghệ sỹ được thỏa sức sáng tạo. Hà Nội đã và đang là điểm sáng tiêu biểu trong lĩnh vực sân khấu cả nước. Thành phố có nhiều tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc phục vụ cho các tầng lớp nhân dân.

Việc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan sân khấu mở rộng, định kỳ 2 năm 1 lần tiếp tục khẳng định mục tiêu, quan điểm phát triển của thành phố. Đó là, văn hóa là nền tảng, là động lực cho sự phát triển; coi trọng giá trị văn hóa và chăm lo đời sống tinh thần của người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Theo ông Phạm Xuân Tài, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hệ thống thiết chế văn hóa lớn nhất và đồng bộ nhất cả nước. Các thiết chế này có quy mô lớn, là sân khấu quen thuộc của các nghệ sỹ hàng đầu quốc gia và quốc tế. Do đó, các nghệ sỹ của Thủ đô có không gian, môi trường để sống với nghệ thuật và sáng tạo ra những tác phẩm để đời. Cũng nhờ đó, đời sống tinh thần của người dân Thủ đô được quan tâm, chăm lo phong phú.

“Với Liên hoan Sân khấu Thủ đô, sau 6 lần tổ chức đã dần định hình thành thương hiệu của Thủ đô Hà Nội. Liên hoan không chỉ là sàn diễn thi tài của các nghệ sỹ, mà còn là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương, lực lượng vũ trang trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương trong cả nước giới thiệu đến người dân Thủ đô những thành tựu nghệ thuật biểu diễn sân khấu của mình. Liên hoan cũng chính là món quà mà Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng Hội Nghệ sân khấu Việt Nam dành tặng cho khán giả Thủ đô”, ông Phạm Xuân Tài nhấn mạnh.

Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, diễn ra từ ngày 1-9/11. Liên hoan có sự tham gia của 12 nhà hát, đơn vị nghệ thuật, với 12 vở diễn gồm: Nhà hát Kịch Hà Nội (vở "Khoảng trống"), Nhà hát Cải lương Việt Nam (vở "Cánh cửa khép hờ"), Nhà hát Chèo Hải phòng (vở "Hồ Xuân Hương"), Nhà hát Chèo Bắc Giang (vở "Sóng ven đô"), Nhà hát Chèo Quân đội (vở "Đại tướng Võ Nguyên Giáp"), Nhà hát Múa rối Thăng Long (vở "Hoàng đế cờ lau"), Nhà hát Tuổi trẻ (vở "Ông không phải là bố tôi"), Nhà hát Múa rối Việt Nam (vở "Hoàng thành Thăng Long"), Nhà hát Cải lương Hà Nội (vở "L‎‎ý Thường Kiệt"), Nhà hát Chèo Hà Nội (vở "Người hát ả đào"), Sân khấu Lucteam (vở "Lộ hàng"), Nhà hát Tuồng Việt Nam (vở "Thiếu phụ Nam Xương").

Ban tổ chức sẽ trao bằng chứng nhận kèm tiền thưởng cho các vở diễn, diễn viên đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc và Giải Xuất sắc (nếu có) cho các thành phần sáng tạo (tác giả, đạo diễn, họa sỹ, nhạc sỹ, biên đạo múa).

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).