Phóng viên: Hiện tại KhaiSilk đã thừa nhận là bán hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, vậy căn cứ theo các quy định của pháp luật thì có thể khởi tố hình sự vụ án giả mạo nguồn gốc hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng?
Luật sư Trương Anh Tú: Vừa qua, ông chủ tập đoàn Khaisilk đã lên tiếng thừa nhận hành vi nhập khăn sản xuất tại Trung Quốc và bán lẫn với khăn sản xuất tại Việt Nam. Hành vi này đã có dấu hiệu của Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 156, Bộ luật hình sự “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 1545, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
Tuy nhiên, việc truy tố hình sự vụ việc này cần phải đặt vào hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay. Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc là công xưởng sản xuất của thế giới. Hàng hoá mang xuất xứ Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nước đang phát triển như Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam mặc dù có truyền thống sản xuất tơ lụa nhưng chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu, lao động và kỹ thuật sản xuất để có thể tạo ra được số lượng hàng hoá lớn. Đặc biệt từ những thập niên 90, do đó, rất khó để có thể cung cấp ra thị trường hàng hoá mang thương hiệu Made in Việt Nam với số lượng lớn. Chính vì vậy, Khaisilk chỉ là một vụ việc điển hình trong thực trạng sản xuất, kinh doanh chung của nước ta hiện nay.
Luật sư Trương Anh Tú |
Phóng viên: Việc bán hàng giả của Khải Silk như vậy chắc chắn sẽ gây ra những tổn thất lớn, vậy Khải Silk phải có trachd nhiệm như thế nào với khách hàng?
Luật sư Trương Anh Tú: Việc bán hàng có nguồn gốc xuất xứ không đúng gây ra những tổn thất cho khách hàng. Điều này đặt ra trách nhiệm đối với việc giao không đúng vật. Việc mua bán giữa khách hàng với Khaisilk thực chất là một hợp đồng mua bán tài sản. Mặc dù không có văn bản nhưng việc mua bán này vẫn phải tuân thủ các quy định về mua bán tài sản theo quy định tại Mục 1, Chương XVI.
Khách hàng mua khăn tại Khaisilk là mua sản phẩm khăn tay xuất xứ Việt Nam mang thương hiệu Khaisilk. Trong trường hợp Khaisilk giao khăn tay không đúng chủng loại, theo quy định tại Điều 439, Bộ luật dân sự thì:“Trường hợp tài sản được giao không đúng chủng loại thì bên mua có một trong các quyền sau đây:
1. Nhận và thanh toán theo giá do các bên thỏa thuận.
2. Yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại.
3. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc giao không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng”.
Như vậy, những khách hàng mua sản phẩm khăn tay tơ lụa nguồn gốc Việt Nam, mang thương hiệu Khaisilk nhưng được nhận sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc thì họ hoàn toàn có quyền yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại. Bên Khaisilk có nghĩa vụ giao tài sản đúng loại và bồi thường cho các khách hàng này.
Phóng viên: Ngay lúc này cơ quan chức năng cần làm gì để ngăn chặn KhaiSilk bán hàng giả
Luật sư Trương Anh Tú: Khaisilk là thương hiệu lớn tại Việt Nam. Những thông tin liên quan đến việc sử dụng hàng sai nguồn gốc đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là một bài học lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và có dự định xây dựng mặt hàng mang thương hiệu Việt Nam.
Hiện tại, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của Khaisilk, tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để việc Khaisilk bán mặt hàng không đúng với nhãn hiệu, nguồn gốc đã đăng ký thì các cơ quan chức năng cần phải tiến hành chức năng kiểm tra, giám sát triệt để, hơn nữa bên cạnh đó cần phải có thêm sự “khó tính” của người tiêu dùng. Việc “tẩy chay” hoặc thiếu tín nhiệm của người tiêu dùng đối với các mặt hàng sẽ là động lực để cho các doanh nghiệp nói không với việc sản xuất, kinh doanh hàng giả.