Khánh Hòa hỗ trợ phát triển giáo dục Mầm non vùng khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục Mầm non vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, với tổng đầu tư trên 67 tỷ đồng.
Khánh Hòa hỗ trợ phát triển giáo dục Mầm non vùng khó khăn

Đối tượng được hưởng thụ trong chương trình gồm trẻ em, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cơ sở giáo dục Mầm non thuộc các huyện nghèo; thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; thôn, xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thôn, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc.

Kế hoạch này xác định các địa phương được áp dụng chương trình hỗ trợ gồm, hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cùng các huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.

Từ tác động của chương trình, mục tiêu đến năm 2030, bình quân toàn tỉnh có ít nhất 33,7% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 97,14% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục Mầm non.

Trong đó, duy trì 100% số trẻ em trong các cơ sở giáo dục Mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi. Hằng năm, có 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục Mầm non vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ.

Đến năm 2030, ít nhất 90% số giáo viên Mầm non biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ (tiếng dân tộc thiểu số). 100% phòng học tạm được xóa bỏ. Xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp Mầm non của các địa phương. Xây dựng thư viện trong trường Mầm non, bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới…

Đối với vốn thực hiện, UBND tỉnh Khánh Hòa xác định sẽ sử dụng chủ yếu nguồn ngân sách địa phương cấp huyện cùng ngân sách cấp tỉnh, Trung ương hỗ trợ, lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn xã hội hóa giáo dục.

Trước mắt, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng chính quyền các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với giáo viên Mầm non và trẻ em theo quy định hiện hành; bồi dưỡng tiếng các dân tộc cho giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người dân tộc thiểu số… tại vùng khó khăn.

Chính quyền các địa phương trong chương trình có kế hoạch bố trí kinh phí, trực tiếp triển khai và bảo đảm hiệu quả của kế hoạch tại địa phương; thực thi đầy đủ và hiệu quả cơ chế chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn vốn hợp pháp khác từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp.

Chính quyền các địa phương triển khai chương trình xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; đầu tư trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi, học liệu trong cơ sở giáo dục Mầm non, đặc biệt tại nhóm, lớp, điểm lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương; hỗ trợ giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc tại địa phương nơi giáo viên công tác.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.