Trước thực trạng nhiều địa phương không thể thu gom xuể mà phải gộp chung rác y tế với rác thải sinh hoạt, dẫn đến nguy cơ lây lan mầm bệnh ra cộng đồng nếu không thu dọn kịp rác thải sinh hoạt và y tế.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã có hướng dẫn quy định việc thu gom rác y tế từ các hộ dân do địa phương chịu trách nhiệm.
Thông thường, do lực lượng công nhân môi trường không đủ để thu gom, nên việc thu gom rác thải y tế của các hộ gia đình do các tổ COVID-19 của các phường đảm nhiệm, sau đó, rác y tế được vận chuyển đến các khu y tế, khu thu dung tập trung... Từ đây, công ty môi trường sẽ có trách nhiệm thu gom rồi vận chuyển xử lý theo đúng quy định.
Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trước sự gia tăng F0 như hiện nay, các địa phương cần tiếp tục bố trí ngân sách cho hoạt động phòng, chống COVID- 19; đặc biệt là việc thu gom chất thải y tế; đồng thời phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp vệ sinh môi trường để cập nhật phương án thu gom chất thải phát sinh từ các trường hợp F0 điều trị tại nhà.
Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo quản lý chất thải với các hộ gia đình có trường hợp F0 tại nhà.
Để tăng cường quản lý chất thải phát sinh từ các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà, theo đề nghị của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo kịp thời và an toàn.
Phía Bộ Y tế cũng cho rằng các chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 quản lý tại nhà, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ, phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi; bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2.”