Khoảng trống miễn dịch của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Vào giữa tháng 11 năm 2021, khoảng thời gian biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố chiến thắng đại dịch COVID-19 và chuẩn bị bước sang giai đoạn mới.
Khoảng trống miễn dịch của Trung Quốc

Trong hơn 20 tháng, chính sách "zero-COVID" đã được chính quyền Bắc Kinh thực thi triệt để, với các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt và phong tỏa quyết liệt được áp dụng ngay khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát cục bộ.

Theo ông Wu Zunyou, trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết vào thời điểm đó, chính sách này đã ngăn chặn được tới 200 triệu ca mắc và 3 triệu ca tử vong. Đó là một kỷ lục ấn tượng để tạo tiền đề cho Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, mà chính phủ Trung Quốc đã quyết tâm tổ chức đúng lịch trình. Sự kiện này sẽ là một minh chứng hùng hồn cho sự thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát đại dịch.

Hai tháng sau, tình hình đã khác đi nhiều. Trong bối cảnh Thế vận hội chuẩn bị khởi tranh vào tuần sau, Trung Quốc vẫn chưa trải qua một đợt bùng phát trên diện rộng.

Dù vậy, kể từ ngày 9/12 năm ngoái, hơn 3.000 ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận tại 20 tỉnh, thành. Thành phố Tây An, với hơn 2.000 ca mắc, đã trở thành tâm dịch mới của Trung Quốc, chỉ sau Vũ Hán năm 2020. Và mặc dù Omicron vẫn chưa chiếm ưu thế ở Trung Quốc, các trường hợp nhiễm biến thể này đã được ghi nhận ở 14 tỉnh của Trung Quốc. Để triệt bỏ hoàn toàn mầm bệnh, Trung Quốc không ngần ngại áp dụng các quy định phong tỏa ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 20 triệu người.

Đáng chú ý, thành phố Thiên Tân đã báo cáo hơn 300 trường hợp nhiễm Omicron, làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát tiềm tàng ở Bắc Kinh.

Tới ngày 15/1, một ca nhiễm Omicron cuối cùng cũng đã được phát hiện ở Bắc Kinh. Mới đây, một đợt bùng phát Omicron khác đã xuất hiện ở Hồng Kông, với hơn 100 ca được phát hiện chỉ trong một ngày. Mặc dù các quan chức của ủy ban tổ chức Thế vận hội nhấn mạnh rằng dịch bệnh tại Bắc Kinh đang được kiểm soát và việc phong tỏa toàn thành phố là không cần thiết, nhưng việc phát hiện các ca nhiễm Omicron trong cộng đồng, ngay cả trước khi các đoàn thể thao nước ngoài đến, rõ ràng đã khiến chính phủ Trung Quốc không khỏi đau đầu.

Sau khi phát hiện các ca nhiễm Omicron ở Bắc Kinh, ban tổ chức đã ngừng bán vé tham dự Thế vận hội cho công chúng, khiến nhiều người nghi ngờ về độ an toàn của Thế vận hội cũng như khả năng tồn tại tiếp tục của chính sách "zero-COVID".

Giờ đây, chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với một tình thế khó xử ngày càng tăng. Các quốc gia khác, bao gồm Australia, New Zealand và Singapore, từ lâu đã từ bỏ chiến lược "zero-COVID", khiến Trung Quốc là nước duy nhất áp dụng chiến lược này.

Mặc dù sự lây lan nhanh chóng của Omicron có thể khiến "zero-COVID" trở nên không bền vững, nhưng Trung Quốc vẫn không có ý định quay đầu. Chính sách này nhiều khả năng đã gieo rắc nỗi sợ hãi về COVID-19 trong người dân Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc từ lâu đã tin rằng chỉ một ca mắc trong cộng đồng cũng có thể khiến hàng triệu người bị nhiễm bệnh và nhập viện.

Rủi ro thậm chí còn cao hơn khi Trung Quốc đã liên kết chiến lược "zero-COVID" với sự cạnh tranh về ý thức hệ với Mỹ và phương Tây. Việc chính quyền Bắc Kinh từ bỏ "zero-COVID" sẽ tương đương với việc họ thừa nhận rằng hệ thống chính trị của mình thua kém phương Tây trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, để giữ cho chiến lược của họ tồn tại, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt các biện pháp phong tỏa và xét nghiệm gắt gao tại Bắc Kinh trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

Không nghĩa là không

Ngay từ khi bắt đầu đại dịch, Trung Quốc đã đặt toàn bộ phương pháp tiếp cận của mình vào chiến lược "zero-COVID". Chiến lược này bắt đầu vào tháng 3 năm 2020 khi dịch bệnh thuyên giảm ở Trung Quốc trong khi bắt đầu gia tăng trên toàn cầu, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách duy trì những thành tựu chống dịch ban đầu cho tới nay.

Trong những tuần đầu của đại dịch, việc phong tỏa Vũ Hán đã chứng minh hiệu quả. Trong khi đó, sự phát triển của các công nghệ xét nghiệm nhanh hàng loạt cho phép Trung Quốc nhanh chóng tìm ra các ca mắc mới, ngay cả trong các siêu đô thị. Với hai công cụ này, xét nghiệm nhanh và phong tỏa tuyệt đối, chính phủ đặt ra nhiệm vụ dập tắt mọi đợt bùng phát nhỏ lẻ cục bộ, kể cả khi không có bằng chứng về sự lây lan trong cộng đồng.

Hệ quả của cách tiếp cận không khoan nhượng là vô cùng sâu rộng. Vào tháng 6 năm 2020, khi một ca mắc mới được xác nhận ở Bắc Kinh, chính quyền thành phố đã nhanh chóng xác định nguồn gốc của ổ dịch, phong tỏa các khu vực có nguy cơ cao và tiến hành xét nghiệm hàng loạt trên 10 triệu người.

Trong vòng một tháng, số lượng trường hợp mới hàng ngày trở về mức 0. Những gì đã xảy ra ở Bắc Kinh nhanh chóng trở thành "sách giáo khoa" chống dịch cho các địa phương trên cả nước. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết tâm đảm bảo rằng số không có nghĩa là số không.

Suốt giai đoạn sau đó, chiến lược này dường như mang lại lợi ích bất ngờ cho chính phủ Trung Quốc. Từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 12 năm 2021, số ca mắc trên cả nước hiếm khi vượt quá 100 ca mỗi ngày, ngay cả hiện tại, con liệu chính thức về tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở Trung Quốc là dưới 5.000.

Mức độ lây nhiễm cực thấp cho phép Trung Quốc bắt đầu phục hồi kinh tế trong khi phần còn lại của thế giới vẫn mắc kẹt trong những đợt phong tỏa. Ví dụ, lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc vẫn phục hồi bất chấp tình trạng thiếu năng lượng và tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

Với tư cách là nhà xuất khẩu thiết bị bảo vệ cá nhân và vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng đã sử dụng chuyên môn chống đại dịch của mình để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu và gặt hái lợi nhuận thương mại. Không ngừng nói về sự thất bại của Mỹ và nhiều nước phương Tây khác trong việc kiểm soát đại dịch, các quan chức Trung Quốc coi thành công của họ là niềm tự hào dân tộc, tạo ra sự ủng hộ đông đảo của công chúng đối với chính phủ, nhất là trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, ít được chú ý hơn là thiệt hại lớn về tài chính và xã hội mà chiến lược "zero-COVID" gây ra. Trung Quốc chưa từng công bố rõ thiệt hại kinh tế cho chính sách chống dịch của mình, nhưng các ví dụ từ địa phương cũng đã cho thấy thiệt hại đáng kinh ngạc: để dập tắt một đợt bùng phát với chỉ vài trăm ca mắc tại Quảng Châu vào tháng 5 và tháng 6 năm 2021, chính quyền địa phương đã chi khoảng 1 tỷ USD để xét nghiệm cho 32 triệu người.

Các đợt phong tỏa cũng khiến mọi doanh nghiệp tư nhân buộc phải đóng cửa đột ngột trong thời gian dài, khiến nhiều người mất thu nhập. Tại thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, hơn 40% cửa hàng địa phương có mặt tiền trên phố đã đóng cửa trong đợt bùng phát kéo dài 26 ngày vào tháng 8 năm ngoái. Theo Tianyancha, một nền tảng điều tra và dữ liệu kinh doanh, trong 11 tháng đầu năm 2021, 4,37 triệu doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc đóng cửa trong khi chỉ có 1,32 triệu doanh nghiệp đăng ký mới, so với 6,13 triệu doanh nghiệp nhỏ mới mở vào năm 2020.

Tuy nhiên, các thiệt hại kinh tế do "zero-COVID" gây ra chưa là gì so với các tác động tiêu cực đến tinh thần của người dân. Các lệnh phong tỏa dài ngày gây chia cắt nhiều gia đình, người dân không được tiếp cận hệ thống y tế, chuỗi cung ứng địa phương bị "đóng băng".

Ở Thụy Lệ, một thành phố biên giới thuộc tỉnh Vân Nam, các vụ phong tỏa lặp đi lặp lại đã gây ra nhiều gián đoạn đến mức cựu phó thị trưởng thành phố mô tả "những tổn thất nghiêm trọng về tinh thần và vật chất" và "sự phẫn uất chồng chất" trong người dân địa phương. Trong một lần bùng phát dịch bệnh tại Thụy Lệ vào tháng 8 năm 2021, khi các quan chức không thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau hai tuần như kế hoạch ban đầu, một số người dân tuyệt vọng đã thành lập một nhóm WeChat kêu gọi biểu tình chống lại chính quyền.

Cho đến gần đây, sự bất mãn đó có thể được coi là thiệt hại trong tầm tính toán cho chiến thắng trước COVID-19. Và miễn là các vụ bùng phát duy trì ở nhỏ và lẻ tẻ, thiệt hại tại một số ít địa phương sẽ không ảnh hưởng đến tâm lý toàn quốc.

Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, sự gia tăng của biến thể Delta đã tạo ra những vết nứt mới trong hệ thống phòng thủ COVID-19 của Trung Quốc. Khi các đợt bùng phát ngày càng xảy ra đồng thời và liên tiếp, chính phủ vẫn phải tuân thủ các chính sách của mình ngay cả trong bối cảnh công chúng có dấu hiệu phản đối ngày càng tăng.

Hơn nữa, với việc chính quyền Bắc Kinh đặt niềm tin vào "zero-COVID", chính sách này có thể gây ra tác dụng ngược: chỉ cần phát hiện một ca mắc trong cộng đồng, các quan chức địa phương, vốn không thích rủi ro chính trị, sẽ áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt. Giờ đây, các chính quyền sẽ thường xuyên tổ chức các đợt xét nghiệm trên diện rộng và các đợt phong tỏa dài ngày.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã đầu tư các nguồn lực khổng lồ vào "zero-COVID", nhưng họ vẫn làm tương đối ít để đảm bảo rằng người dân đã xây dựng được khả năng miễn dịch cần thiết để ngăn chặn sự bùng phát trên diện rộng, nếu chiến lược ban đầu không còn khả thi.

Một Trung Quốc dễ tổn thương

Đối với các nhà hoạch định Trung Quốc, một trong những mục tiêu ban đầu của chiến lược "zero-COVID" được cho là để câu giờ cho việc triển khai tiêm chủng hàng loạt. Theo kế hoạch này, toàn bộ dân số sẽ được tiêm chủng trong khi mức độ dịch bệnh thấp hoặc về không, do đó cho phép quốc gia đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng mà không gây ra những hậu quả tàn phá về sức khỏe cộng đồng.

Ban đầu, kế hoạch này có vẻ hiệu quả: Chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc được tiến hành nhanh chóng trong khi chính phủ tìm cách dập tắt mọi ổ dịch địa phương. Vào tháng 11 năm 2020, ông Zhong Nanshan, cựu chủ tịch Hiệp hội Y khoa Trung Quốc, tuyên bố rằng vaccine của Trung Quốc có chất lượng ngang ngửa vaccine Pfizer.

Mùa xuân năm sau, chủ tịch bộ phận kinh doanh vaccine của Sinopharm đã quảng cáo rằng Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về phát triển vaccine ngừa COVID-19. Và vào đầu tháng 1 năm nay, ông Zhong Nanshan thông báo rằng 83% dân số đã được tiêm hai liều vaccine. “Về mặt lý thuyết, Trung Quốc đã đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng."

Nhưng không thể đạt được miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 nếu không có vaccine hiệu quả và vaccine bất hoạt của Trung Quốc tỏ ra kém hiệu quả hơn nhiều so với vaccine sử dụng công nghệ mRNA được sử dụng ở phương Tây.

Do tỷ lệ hiệu quả thấp của vaccine Trung Quốc - đặc biệt là chống lại biến thể Omicron - nên hầu hết mọi người ở Trung Quốc chưa có các kháng thể trung hòa cần thiết để ngăn ngừa biến thể mới. Việc chính phủ Trung Quốc thiếu tự tin vào vaccine nội địa có thể giải thích tại sao họ không tích cực thúc đẩy việc sử dụng vaccine trong nhóm người cao tuổi và tại sao chính phủ tiếp tục tập trung chiến lược của mình vào các biện pháp "zero-COVID" thay vì tiêm chủng.

Hơn nữa, việc không sử dụng vaccine mRNA nước ngoài có thể bắt nguồn từ nguyên nhân chính trị: chính quyền Bắc Kinh ưu tiên phát triển vaccine mRNA trong nước trước khi cho phép sử dụng chúng. Hiện vaccine mRNA của Trung Quốc đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vào tháng 11.

Kết hợp với chiến lược "zero-COVID", kết quả của nỗ lực tiêm chủng không hiệu quả này có thể khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương bởi COVID-19 hơn hầu hết các quốc gia khác. Ví dụ, một ước tính sơ bộ về dữ liệu lâm sàng cho thấy rằng không quá 1% dân số Trung Quốc có được khả năng miễn dịch tự nhiên thông qua một lần nhiễm bệnh trước đó.

Ngược lại, ở Ấn Độ, vào tháng 7 năm 2021, trước khi bắt đầu Omicron xuất hiện, ước tính khoảng 67% dân số đã tiếp xúc với mầm bệnh và đang mang kháng thể. Một quần thể lớn người dân chưa có khả năng miễn dịch lớn như vậy ở Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho Omicron sinh sôi.

Trừ khi Trung Quốc từ bỏ tâm lý "zero-COVID", nước này có thể phải áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khắc nghiệt hơn bao giờ hết cho đến khi virus biến mất hoàn toàn hoặc đối mặt với một trận sóng thần Omicron với hậu quả gần như không thể tưởng tượng được.

Ở đây, sự khác biệt rõ ràng trong các chính sách của Trung Quốc với các chính sách của phần còn lại trên thế giới trở nên rõ ràng. Ở hầu hết các khu vực khác trên thế giới, nơi COVID-19 đã lây lan rộng rãi, nó sẽ trở thành một căn bệnh đặc hữu: với hầu hết mọi người có được miễn dịch thông qua mắc bệnh hoặc tiêm chủng, COVID-19 sẽ tương tự như cúm mùa. Nhưng ở Trung Quốc, chừng nào các chính sách hiện hành còn phổ biến và dân số có rất ít khả năng miễn dịch, thì các biến thể mới sẽ gây ra mối đe dọa tàn khốc hơn nhiều.

Khoảng trống chết người

Liệu có cách nào giải được câu hỏi hóc búa về COVID-19 của Trung Quốc không? Vào cuối tháng 8, ông Zeng Guang, một cố vấn y tế hàng đầu của chính phủ, cho rằng Trung Quốc cần thay đổi quan điểm về kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, điều này sẽ khó xảy ra. Thay vào đó, có vẻ như sẽ phải đợi cho đến khi Omicron phát tán rộng rãi khắp đất nước, buộc các nhà lãnh đạo chấp nhận từ bỏ "zero-COVID".

Một cách tiếp cận tốt hơn nhiều là chính phủ Trung Quốc nên ngừng coi COVID-19 như một mối đe dọa hiện hữu mà chỉ có thể đối phó với các biện pháp quyết liệt.

Thay vào đó, nước này có thể đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng khả năng đáp ứng nhu cầu chăm sóc bệnh nhân tăng đột biến. Trung Quốc có thể phổ biến rộng rãi thuốc kháng virus và chấp thuận việc sử dụng vaccine mRNA làm mũi tiêm nhắc lại cho những người có nguy cơ cao.

Quan trọng không kém, chính phủ nên tìm cách tuyên truyền cho người dân Trung Quốc về nguy cơ thực tế mà COVID-19 gây ra cho các cá nhân và xã hội. Trên hết, chính quyền trung ương Bắc Kinh nên ngừng coi việc tuân thủ "zero-COVID" trở thành tiêu chuẩn quan trọng đối với các chính quyền địa phương.

Dù việc thay đổi chính sách chống dịch sẽ không cho phép Trung Quốc chống lại các đợt bùng phát trong tương lai, nhưng nó sẽ giúp bắt đầu thu hẹp khoảng trống miễn dịch khổng lồ của nước này.

Trung Quốc sẽ cần phải làm nhiều việc để thiết lập lại sự cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe người dân và cho phép đời sống kinh tế và xã hội trở lại quỹ đạo bình thường. Để điều đó xảy ra, những người ra quyết định hàng đầu phải thay đổi tâm lý "zero-COVID".

Bài viết của ông Yanzhong Huang - Nghiên cứu viên cao cấp về Y tế Toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Giáo sư tại Trường Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế của Đại học Seton Hall.

Theo Foreign Affairs
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
(Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.