“Lạm phát” nữ hoàng, nam vương
Ngay khi “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” Phạm Nữ Hiền Ngân được bầu làm Phó Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam, danh xưng lấp lánh và đặc biệt ấy ngay lập tức được cả dân mạng dòm ngó. Người hỏi dò, người nói kháy. Người khen ngợi, người chê bôi… Không chỉ có nữ hoàng, trong ban chống hàng giả có cả “nam vương Thái Bình Dương” càng khiến công chúng chú ý.
Sự chú ý của dư luận còn ồn ào hơn khi mạng xã hội xuất hiện tấm thiệp mời của chương trình “Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” gửi tới những người đẹp có danh xưng không thể diễm lệ hơn: Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam, Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam, Á hoàng 2 Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam… Nhiều người đặt câu hỏi: Nữ hoàng thực phẩm là người am hiểu tường tận về thực phẩm, là hoa khôi trong ngành thực phẩm hay là người đứng đầu ngành thực phẩm? - Đã gọi là nữ hoàng phải vô cùng cao quý.
Khi dân mạng có thời gian tìm hiểu kỹ hơn thì tất cả mới ngỡ ngàng phát hiện, có rất nhiều danh xưng nữ hoàng khác đã được tôn vinh cả chục năm nay, đó là Nữ hoàng ngành tài nguyên môi trường, Nữ hoàng thương hiệu ngành than, Nữ hoàng xây dựng Việt Nam, Nữ hoàng sản xuất nội thất Việt Nam, Nữ hoàng người mẫu doanh nhân Đất Việt...
Đại diện Bộ VHTT&DL khẳng định không ủng hộ, không cấp phép và đề nghị các địa phương, các cơ quan quản lý rà soát chặt chẽ, kịp thời xử lý các sai phạm, không để tiếp tục xảy ra những vụ việc và danh xưng tự phong tùy tiện như thế. Còn về phía người trong cuộc, theo giải thích của bà Nguyễn Thụy Oanh, Trưởng BTC cuộc thi “Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019”, bản thân bà là người nhận được danh hiệu Á hoàng 1 Nữ hoàng doanh nhân Việt Nam 2017 được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép. Sau khi nhận danh hiệu bà đã có rất nhiều lợi thế trong lĩnh vực mình tham gia. Với suy nghĩ của bà, danh hiệu “Nữ hoàng” gắn với từng ngành nghề là niềm tự hào của người được nhận.“Tôi ủng hộ việc nhận danh hiệu để phụ nữ tự tin hơn. Nữ hoàng là một danh xưng cao quý ở châu Á và đặc biệt ở Việt Nam. Một người nào đó xuất chúng trong lĩnh vực họ làm thì được gọi là Nữ hoàng ngành nghề đó”. Cũng theo bà Oanh, những danh hiệu này mang tính nội bộ, không ảnh hưởng gì đến cộng đồng.
Không phủ nhận, người được tôn vinh như được tiếp thêm 20 lần sự tự tin và nâng cao vị thế trong giới của mình. Nhưng tôn vinh bằng danh hiệu nào cho hiệu quả lại là một vấn đề khác. Nữ hoàng, nam vương được sử dụng bạt ngàn, bị lạm dụng quá nhiều liệu có còn ý nghĩa?
Ca sĩ Ngọc Sơn |
Trào lưu…bất bình thường
Không chỉ có danh xưng trong giới doanh nhân, ở nhiều diễn đàn mạng, có nhiều hot girl, hot boy cũng bỗng dưng nổi tiếng trong giới cộng đồng game thủ nhờ danh xưng mỹ miều “nữ hoàng cosplay”, nam vương cosplay. Nhiều sinh viên ảo tưởng bước vào hàng ngũ người mẫu, diễn viên sau khi tốt nghiệp ra trường với cái mác: “Nam vương sinh viên trường A”, Nam vương sinh viên trường B”…
Ngay trong showbiz, việc lạm dụng danh hiệu hoa hậu, hoa khôi để nổi tiếng cũng đã trở thành trào lưu khó bỏ.
Những năm gần đây, mặc dù Bộ VHTT&DL đã siết chặt việc cấp giấy phép các cuộc thi sắc đẹp trong nước, nhưng không ít người đẹp bất chấp bị phạt, lén lút ra nước ngoài thi hoa hậu, thi người mẫu để có danh hiệu đánh bóng tên tuổi.
Cách đây 2 năm, mạng xã hội đã từng xôn xao lan truyền thông tin Ngọc Sơn - nam ca sĩ chuyên dòng nhạc sến được gọi với danh xưng “Giáo sư âm nhạc” trên tấm bằng khen của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trao tặng.
Giá trị của những danh xưng ấy như thế nào, không ai quan tâm, người trong cuộc chỉ cần thấy mỹ từ đi kèm tên tuổi khi được xướng tên ở các hoạt động cộng đồng là đủ. Nhiều người bình luận, Giáo sư hay Tiến sĩ âm nhạc vốn là học hàm, học vị được Bộ GD&ĐT chỉ định để xét tặng chứ tự phong thì… quá lố.
Đáng tiếc, thay vì đi xây dựng các giá trị cốt lõi, nhiều cá nhân, doanh nghiệp lại cố gắng đầu tư cho cái vỏ, mua giải này giải nọ, tìm kiếm bằng được danh hiệu nữ hoàng, nam vương để làm trang sức cho bản thân. Trào tự tôn vinh, tự phong danh hiệu cho nhau, dù chỉ là danh xưng rất ỡm ờ đủ thấy một xã hội bất bình thường, háo danh và chuộng hình thức.