Đại diện của TTTM Vincom Plaza Long Biên (Hà Nội) xác nhận với phóng viên "Hoàn toàn không có một cửa hàng nào mang tên Dino Santoni đặt tại Vincom Plaza Long Biên như đăng tải trên trang này". Đồng thời, vị đại diện này cũng cho biết đã gửi thông tin để phòng Marketing của TTTM xử lý, tránh việc thương hiệu bị lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo khách hàng.
Tất cả thông tin chi nhánh tại Việt Nam và trên thế giới đăng tải tại đây là bịa đặt, phía TTTM Vincom Plaza Long Biên đã có cảnh báo đến khách hàng. |
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, không có một thương hiệu giày Ý nào ở Việt Nam có tên là Dino Santoni, chỉ có thương hiệu giày Santoni chính hãng có cửa hàng tại Saigon Centre, Lê Lợi, Quận 1, TP.HCM nhưng cửa hàng này cũng đã có thông báo ngưng hoạt động.
Cẩn trọng với cách thức lừa đảo của trang bán giày dinosantoni.com
Cách thức lừa đảo người mua hàng online kiểu của website dinosantoni.com này không mới, tuy nhiên, đối với một số người không rành về công nghệ, cả tin thường dễ sa vào bẫy của kẻ gian.
Theo đó, những người thực hiện website giả mạo, “nhái” thương hiệu giày này thường lên các trang mạng nước ngoài tải hình ảnh loại giày họ cần tìm về, sau đó dùng chỉnh sửa, cắt ghép biến thành thương hiệu riêng.
Tải hình ảnh trên trang Amazon (ảnh trái) và chỉnh sửa thành giày dino santoni và lừa khách chuyển tiền mua. |
Chuyên nghiệp hơn, họ còn gia mạo các trang báo lớn như Vnexpress, Dân Trí, Báo mới… photoshop tự tạo ra một bài báo trên các trang này rồi chụp lại đăng tải trên website của mình khiến rất nhiều người không trong nghề không thể phân biệt được thực hư.
Một hình ảnh đăng tải đã qua photoshop cho giống với báo Vnexprees để lừa khách hàng. Theo luật sư Phan Vĩnh, những cách thức giả mạo thương hiệu khác, chỉnh sửa thông tin sai sự thật nhằm lừa tiền có thể liệt kê vào nhóm Tội phạm công nghệ cao. |
Đa phần, đánh vào tâm lý thích mua hàng trực tuyến hơn phải bỏ công đến cửa hàng, những người này tự nhận có “dịch vụ” thử giày tại nhà nếu khách hỏi về cửa hàng, những người tự xưng là nhân viên bán hàng trả lời sẽ có nhân viên mang giày đến tận nhà cho khách thử và lấp liếm không nhắc đến cửa hàng như trong địa chỉ để lừa khách.
Sau khi đưa ra rất nhiều lời giới thiệu, dịch vụ, quảng cáo, khuyến mãi để dẫn dụ khách vào bẫy, những người này cung cấp số tài khoản để khách chuyển tiền cọc hoặc chuyển đủ tiền, nhận được tiền, họ chặn số khách hàng nạn nhân và tìm con mồi mới bằng cách thức tương tự.
Người mua hàng hãy luôn tỉnh táo trước mọi đề nghị chuyển khoản trước. |
Theo tìm hiểu, đã có rất nhiều khách hàng như khách hàng V.Đ.P vì cả tin mà bị lừa mua giày. Số tiền bị lừa với vị khách này không quá lớn, nhưng theo luật sư Phan Vĩnh (Đoàn luật sư Tây Ninh) trường hợp này có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản – Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 tại Điều 174 "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Cũng theo luật sư Vĩnh, bởi vì đa số người mua hàng khi bị lừa thấy số tiền không nhiều là thứ nhất, thứ hai là ngại thủ tục trình báo, kiện cáo rườm rà nên họ im lặng chịu mất tiền. Điều này cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng xã hội, lừa đảo ngày nhiều vì cho rằng ít khách nào đi trình báo công an vì vài triệu đồng. Nhưng sẽ có rất nhiều người bị lừa, và số tiền sẽ lên đến vài chục triệu hay vài trăm triệu... với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Đã có rất nhiều khách hàng nhẹ dạ cả tin bị lừa chuyển tiền từ trang web lừa đảo bán giày này. |
Trước đó, cũng có nhiều khách hàng bị lừa bởi nhiều trang web tương tự như trang web giả mạo bán vé máy bay của Vietnamairline, trang web bán sữa tăng chiều cao…
Khách hàng cần thật tỉnh táo khi quyết định mua hàng online, cảnh giác trước chiêu trò đề nghị chuyển khoản trước, tránh tiền mất tật mang.