Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội trước kỳ họp thứ 10 sắp tới cho biết tổng số tiền tiền thuế nợ thời điểm cuối tháng 9/2020 là 106.548 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cuối năm 2019.
Trong đó, tiền nợ thuế có khả năng thu là 60.071 tỷ đồng. Còn lại tiền nợ không còn khả năng thu hồi là 46.477 tỷ đồng. Đây là tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Cũng trong 9 tháng đầu năm 2020, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ với tổng số tiền nợ thuế thu được là 20.292 tỷ đồng. Con số này tương đương 48% tiền thuế nợ có khả năng thu tại thời điểm cuối năm 2019.
Số nợ thuế 9 tháng đầu năm tăng so với thời điểm cuối năm 2019 chủ yếu do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Chính phủ đã ban hành nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Đến nay, một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế nhưng người nộp thuế vẫn còn khó khăn, chưa nộp được tiền thuế đã được gia hạn vào ngân sách nhà nước.
Số nợ thuế tăng lên là một trong những thực trạng thể hiện sư khó khăn chung của hotaj động thu ngân sách Nhà nước năm 2020 khi dịch Covid-19 lên đời sống hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến hết tháng 9, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 975.355 tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán và giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa đạt giảm 8,3%; thu dầu thô giảm 26,9; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 13,15% so với cùng kỳ năm 2019.
Dữ liệu hồ sơ khai thuế những tháng đầu năm 2020 cho thấy, do dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp không phát sinh thuế giá trị gia tăng. Theo thống kê sơ bộ từ tờ khai thuế giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm, chỉ có khoảng 29,6% doanh nghiệp phát sinh thuế giá trị gia tăng phải nộp trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đã khai thuế. Tổng doanh thu của người nộp thuế có phát sinh thuế giá trị gia tăng giảm 2,7% so với cùng kỳ.
Ngoài tình hình khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân của Chính phủ như gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất, cắt giảm các loại phí, lệ phí đối với một số lĩnh vực cũng ảnh hưởng lên nguồn thu ngân sách.
Ngoài ra, sản lượng bia rượu sản xuất, tiêu thụ trong 5 tháng đầu năm tại nhiều địa phương giảm lớn làm giảm thu đáng kể đối với mặt hàng này. Các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước, các khối, đặc biệt là EVFTA tiếp tục cát giảm mạnh thuế suất nhập khẩu cũng làm số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm sâu.