Theo giáo sư thính học William Shapiro (Đại học New York Langone), 1/5 người trẻ hiện nay đang mắc các triệu chứng mất thính giác do tiếp xúc rất nhiều với tiếng ồn. Và việc sử dụng tai nghe khi đi trên đường tác động không nhỏ đến tình trạng này.
"Khi đi trên đường, có rất nhiều tiếng ồn như từ xe cộ, từ con người,... nên bạn nghĩ rằng việc đeo tai nghe nghe nhạc sẽ giúp cho bạn không phải nghe những thứ đó. Tuy nhiên, đây chỉ là hành động làm gia tăng tiếng ồn tác động đến màng tai. Cùng với đó, trên đường là nơi có quá nhiều âm thanh gây nhiễu, bạn lập tức tăng âm lượng, đồng nghĩa với việc bạn đang tự hủy hoại đi thính giác của mình" - GS cho biết.
Ông lý giải, bên trong tai có khoảng 15.000 tế bào lông, chúng có vai trò giúp con người cảm nhận, định vị được âm thanh nhưng chúng lại rất mong manh, dễ vỡ. Quan trọng hơn, các tế bào lông này lại không tự phục hồi được. Vậy nên, bất kỳ tổn thương nhỏ nào với tế bào lông cũng khiến cho thính giác của chúng ta hư hại, thậm chí là bị điếc.
Trên thực tế, việc sử dụng tai nghe khi đi trên đường với âm lượng cao, thời gian sử dụng kéo dài có thể khiến cho các tế bào thần kinh trong ốc tai làm việc quá sức, mệt mỏi, các tế bào lông bị tổn thương dẫn đến không phân biệt được âm thanh, nghe bị nhầm và có thể bị điếc vĩnh viễn. Tuy nhiên, người bệnh không thể cảm nhận ngay mà phải mất một khoảng thời gian rất dài mới phát hiện ra. Hiện nay, hầu hết các loại tai nghe đều có công suất cực đại đến 120db, nó gây ra nhiều áp lực âm thanh trực tiếp đến tế bào thần kinh, nếu sử dụng không đúng cách.
Sử dụng tai nghe như thế nào là đúng cách?
Không nên nghe nhạc với âm lượng quá to và quá lâu, điều chỉnh âm lượng vào khoảng 60% âm lượng của máy và không nghe nhạc bằng tai nghe vượt quá 60 phút mỗi ngày.
Dùng các loại tai nghe vừa khít với tai để không phải tăng volume do ảnh hưởng từ tiếng ồn bên ngoài.
Không nên nghe nhạc trong môi trường quá ồn ào vì lúc đó chúng ta phải điều chỉnh âm thanh lớn hơn tiếng ồn. Việc này sẽ ảnh hưởng đến thần kinh của thính giác.
Những người mắc các bệnh liên quan về tai ngoài, tai giữa càng không nên đeo tai nghe, bởi vì nó làm cho tai bị bí hơi, dẫn đến viêm tai nghiêm trọng.
Khi đi ngủ, không nên nghe nhạc nói chung và đeo tai nghe nói riêng, vì lúc này não bộ cần được nghỉ ngơi.
Tổng hợp