Không nhịn được...

(Ngày Nay) - Khi nhu cầu vệ sinh vẫy gọi, không ai có thể nhịn được. Vì thế, đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ cho người dân luôn là yêu cầu bức thiết nhằm gìn giữ môi trường. Tại Ấn Độ, “văn hóa” đi vệ sinh lộ thiên lan tràn đã khiến chính quyền “không nhịn được” hơn nữa và quyết tâm giải quyết vấn nạn này.
Không nhịn được...

Một bước sau quận công

Mùa hè năm nay, bộ phim hài lãng mạn “Nhà vệ sinh, một chuyện tình” (Toilet, a love story) bằng tiếng Hindi của đạo diễn Shree Narayan Singh gây “sốt” vì chạm tới một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất về sức khỏe cộng đồng ở Ấn Độ. Kể từ khi ra rạp ngày 11/8, phim xoay quanh chủ đề nhà vệ sinh này đã thu về hơn 19,8 triệu USD trên toàn thế giới.

Lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật, bộ phim nói kể về cuộc sống của một phụ nữ nghèo sống ở miền trung Ấn Độ. Sau khi về nhà chồng, cô kinh hãi phát hiện tại đây không có nhà vệ sinh cả riêng tư lẫn công cộng. Cách duy nhất để cô “giải quyết nỗi buồn” hàng ngày là cùng phụ nữ trong làng thức dậy từ 4 giờ sáng ra đồng đi vệ sinh và chờ đến tối mới làm việc này lần nữa. Cảm thấy xấu hổ, cô đòi xây nhà vệ sinh, song dân làng và gia đình chồng  không chấp thuận vì họ cho rằng việc để bồn cầu trong nhà, nơi có cả bếp ăn và phòng cầu nguyện, là không sạch sẽ. Sau khi tranh luận với chồng và tối hậu thư “không có nhà vệ sinh, không có hôn nhân” thất bại, cô quyết định rời xa người mình yêu thương. Cuối cùng, người chồng quyết tâm đưa vợ trở về khi đã nhận thức lại nhu cầu xây nhà vệ sinh cũng như tìm cách thay đổi quan điểm của cộng đồng về vấn đề này.

Bộ phim trên đã phản ánh chân thật, sinh động đời sống thường nhật của nhiều người dân Ấn Độ, nơi không đủ nhà vệ sinh cho 1,3 tỷ dân và có tới khoảng 500-600 triệu người vẫn đi vệ sinh ngoài trời, nhất là ở các vùng nông thôn.

Không nhịn được... ảnh 1

Trong truyện “Một bước sau quận công” của mình, nhà văn Hồ Anh Thái miêu tả về “văn hóa”  vệ sinh lộ thiên của người Ấn: “Tiếng Hindi không có từ nhà vệ sinh... Người Ấn bây giờ sáng sáng chiều chiều chỉ còn biết kéo nhau ra khỏi nhà. Nông thôn thì ra đồng. Thành thị thì kéo nhau ra bãi hoang hoặc vào những vườn cây um tùm… Người xách chai nước, người xách túi ni lông đựng nước, cứ thế mà viễn du. Ra đến hiện trường thì ngồi thụp xuống. Giải quyết xong thì nước đấy, tay trái đấy, cứ thế mà xử lý. Nói chuyện bàn tay trái là với người thuận tay phải, cái tay thuận chỉ để dùng vào việc nạp, tức là việc ăn. Người Ấn ăn bốc. Phân công tay trái tay phải rõ ràng, việc nào tay ấy”.

Hệ thống vệ sinh ở Ấn Độ thực sự là một cuộc khủng hoảng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 2,6 tỉ người trên toàn cầu đang thiếu nhà vệ sinh sạch, hơn một nửa trong số đó sống tại Ấn Độ và Trung Quốc. Một cuộc khảo sát năm 2011 cho thấy 53% hộ gia đình Ấn Độ không có nhà vệ sinh, kéo theo tình trạng phân người rải đầy các khu vực công cộng.

WHO khẳng định phóng uế ngoài trời dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và làm lây lan các căn bệnh nguy hiểm như tiêu chảy. Kể cả khi có nhà vệ sinh, hệ thống quản lý chất thải ở phần lớn các vùng của Ấn Độ vẫn trong tình trạng bẩn thỉu và bốc mùi. Ước tính khoảng 80% lượng nước thải tại Ấn Độ chảy ra sông, hồ và ao. Tuy nhiên lượng chất thải này không hề được xử lý và trở thành tác nhân gây ô nhiễm các nguồn nước, trong đó có các mạch nước ngầm là nguồn nước uống của người dân.

Hãng tin IPS cho biết tại Ấn Độ, có tới 700 triệu người không được sử dụng nhà vệ sinh đúng chuẩn và 400.000 trẻ em chết mỗi năm vì dịch tả. Trẻ em, nhất là các bé gái, thậm chí phải bỏ học vì trường không có nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh bẩn cũng chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra các bệnh về da và nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ Ấn Độ. Một báo cáo ước tính, vấn đề vệ sinh gây thiệt hại kinh tế Ấn Độ khoảng 106,5 tỷ USD (tương đương 5,2% GDP) trong năm 2015.

Tình trạng thiếu các nhà vệ sinh cá nhân trong từng hộ gia đình lẫn nhà vệ sinh công cộng còn đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của phụ nữ Ấn Độ. Ở bên ngoài các nhà vệ sinh công cộng, đàn ông thường tụ tập và nếu phụ nữ lơ đễnh sẽ bị trêu ghẹo, quấy rối tình dục hoặc bị bắt cóc. Còn khi ra ngoài cánh đồng vắng vẻ đi vệ sinh vào ban đêm, phụ nữ có thể bị cưỡng hiếp. Để đối phó, phụ nữ Ấn Độ không ra ngoài một mình mà thường tập trung thành các nhóm để đi vệ sinh cùng nhau.

Ở Ấn Độ, vấn đề vệ sinh đã gây ra những trường hợp “tan cửa nát nhà”. Ngày 18/8/2017, một tòa án ở bang Rajasthan đã phán quyết cho phép Sangeeta Mali (23 tuổi) ly dị chồng Chotu Lai vì nuốt lời hứa xây phòng riêng và nhà vệ sinh trong nhà. Thẩm phán Rajendra Kumar Sharma khẳng định nhà vệ sinh trong gia đình là cần thiết và việc đi vệ sinh lộ thiên là điều xấu hổ của xã hội trong thế kỷ XXI và là sự tra tấn tinh thần đối với phụ nữ. Trước đó, năm 2016, một phụ nữ ở bang Uttar Pradesh từ chối kết hôn sau khi vị hôn phu của cô không chịu xây nhà vệ sinh cho cả hai. Hồi tháng 6/2017, một phụ nữ khác từ chối về nhà chồng cho đến khi xây xong nhà vệ sinh.

Cựu Thủ tướng nổi tiếng Ấn Độ Jawaharlal Nehru từng tuyên bố rằng: “Ấn Độ chỉ trở thành một quốc gia thịnh vượng khi mà khi mà mọi nhà ở Ấn Độ có hệ thống vệ sinh giật nước”.

Nỗ lực xóa “văn hóa ị đồng”

Vào mỗi bình minh ở vùng Beed thuộc tiểu bang Maharashtra, các  tình nguyện viên và nhân viên chính quyền thuộc “biệt đội chào buổi sáng”  lại tỏa đi “săn tìm” những dân làng ị đồng. Họ sẽ tịch thu ca đựng nước rửa…đít, trao cho dân ị đồng bông hoa hồng như một cử chỉ thân thiện, đồng thời tuyên truyền cách sử dụng nhà vệ sinh trong tương lai. “Biệt đội chào buổi sáng” là một phần trong “chương trình thay đổi hành vi có quy mô lớn nhất hành tinh” của chính quyền Thủ tướng Narenda Modi.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2014, ông Narendra Modi đã đưa ra sáng kiến “Ấn Độ Sạch đẹp” với mục tiêu đến tháng 10/2019, tất cả người dân Ấn Độ sử dụng nhà vệ sinh và quốc gia này sẽ xây 75 triệu nhà vệ sinh để chấm dứt nạn ị đồng. Đến nay, hơn 52 triệu nhà vệ sinh đã được xây dựng trên khắp Ấn Độ.

Không nhịn được... ảnh 2

Trong một dự án thử nghiệm, chính phủ Ấn đã lập bản đồ định vị trực tuyến hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở 11 thành phố, gồm Thủ đô New Delhi. Theo đó, người dân có thể dễ dàng tìm được vị trí, địa chỉ, thời gian mở cửa, kiểu cách (truyền thống hay hiện đại), mức phí (miễn phí hay không)  của hàng ngàn nhà vệ sinh công cộng.

Tại một số cộng đồng, các nhóm trẻ em cùng nhau kêu gọi dân chúng sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Trên các đường phố, khẩu hiệu tuyên truyền được treo lên. Trên các kênh truyền hình, phát thanh, nhiều “ngôi sao” Bollywood và cầu thủ cricket kêu gọi sử dụng nhà vệ sinh để bảo vệ môi trường. Để hưởng ứng sáng kiến của Chính phủ, kênh truyền hình CNN-News 18 ở Ấn Độ thậm chí phát động chiến dịch “Bêu tên và Xấu hổ”, theo đó khuyến khích người xem gửi hình ảnh và tên tuổi của những người đi vệ sinh lộ thiên để công bố trên sóng quốc gia.

Sáng kiến “Ấn Độ Sạch đẹp” cũng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Sau khi thăm Ấn Độ gần đây, tỷ phú Bill Gates đã rất ấn tượng với những nỗ lực xóa “văn hóa ị đồng” của New Delhi, trong đó có việc nâng tỷ lệ người dân sử dụng nhà vệ sinh từ 42% (trước năm 2014) lên 63%; hơn 30% dân làng Ấn Độ hiện tuyên bố chấm dứt “văn hóa ị đồng” (tăng 8% so với năm 2015). Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cam kết viện trợ thường niên 2 triệu USD để Ấn Độ cải thiện các hệ thống vệ sinh. Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp 1,5 tỷ USD vốn vay để giúp Ấn Độ thúc đẩy các chương trình tăng cường điều kiện vệ sinh. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cung cấp các chương trình đào tạo và giáo dục về vệ sinh công cộng ở Ấn Độ.

Ngoài nỗ lực của chính phủ Thủ tướng Modi, nhiều tổ chức phi chính phủ ở Ấn Độ cũng đang thực hiện một “cuộc cách mạng nhà vệ sinh”. Điển hình phải kể đến tổ chức Gram Vikas và Sulabh International. Thành lập năm 1970 bởi nhà sáng lập Bindeshwar Pathak, Sulabh International muốn xóa đi những ký ức kinh hoàng của cộng đồng “phóng uế về đêm”. Đến nay, tổ chức này đã xây dựng được 1,2 triệu nhà vệ sinh cho 10,5 triệu người trên toàn Ấn Độ.

Tổ chức của ông Pathak hiện đang xúc tiến xây dựng các nhà vệ sinh “thân thiện môi trường” với công năng biến đổi chất thải thành khí gas sinh học có thể sử dụng để thắp điện hoặc nấu nướng. Ở cấp độ địa phương hơn, từ năm 1992, tổ chức Gram Vikas bắt đầu hỗ trợ xây nhà vệ sinh cho cộng đồng dân cư vùng nông thôn Orissa, bang miền đông Ấn Độ, sau khi phát hiện 80% trường hợp tử vong tại đây xuất phát từ ô nhiễm nguồn nước do chất thải của con người. Việc xây nhà vệ sinh của Gram Vikas được thực hiện theo nguyên tắc “mọi người cùng chung sức”.

Khi cộng đồng đạt sự đồng thuận, mỗi gia đình đóng góp khoảng 1.000 rupee (25 USD) vào quĩ chung. Những hộ quá nghèo thì đóng ít hơn. Họ tự nung gạch, đất sét và khai thác cát cùng các nguyên liệu khác, trong khi Gram Vikas cung cấp ximăng, cửa và bồn cầu. Do Gram Vikas cũng đào tạo người dân ngành thợ nề nên cộng đồng bản địa tại đây không gặp khó khăn gì trong việc xây dựng nhà vệ sinh dưới sự giám sát kỹ thuật của tổ chức. Mỗi nhà vệ sinh được xây dựng đều có phòng tắm và nước máy.

Cho đến nay, Gram Vikas đã xây dựng 2.700 nhà vệ sinh ở 361 làng tại Orissa. Giám đốc Gram Vikas Joe Madiath đặt kế hoạch  xây đủ 10.000 nhà vệ sinh cho đến cuối năm 2017. Cụ Thunni, một trưởng lão ở làng Kanheiput, phấn khởi tâm sự: “Sáng sớm khi thức dậy chúng tôi không còn phải cuốc bộ vào rừng để kiếm chỗ phóng uế. Cuộc sống trở nên dễ dàng hơn rất nhiều”.

***

Điều đáng học tập từ “bài học” vệ sinh của Ấn Độ là việc chính quyền đã nhận ra đây là vấn đề lớn cần cấp bách giải quyết, từ đó đặt ra mục tiêu cụ thể và huy động nỗ lực của nhiều địa phương, tổ chức và tất cả người dân. Tất nhiên, con đường xây dựng cuộc sống “ văn minh, sạch đẹp, khỏe mạnh” không hề dễ dàng bởi thay đổi thói quen của con người không phải chuyện “ngày một ngày hai”.  

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.