Trong những bài viết trước, Infonet đã đề cập đến vấn đề khu vực chấm thi được công an bảo vệ 3 vòng nghiêm ngặt, trong đó vòng 1 có 4 công an bảo vệ khu vực chấm thi tự luận và khu vực chấm thi trắc nghiệm, phòng bảo quản bài thi.
Vòng 2 có 2 nhân viên an ninh trực 24/24h, vòng 3 có cảnh sát bảo vệ trong giờ làm việc. Các phòng bảo quản bài thi, chấm thi đều theo đúng quy định.
Các cán bộ lên khu vực chấm thi phải được cán bộ an ninh quét các thiết bị điện tử.
Ngay sau khi bức ảnh về khu vực chấm thi ở Sơn La được đăng tải đã gây nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều.
Thầy Nguyễn Quang Tùng – Hiệu trưởng trường THPT Lômônôxốp cho hay: “Cảm nhận đầu tiên của tôi với tư cách là người công tác trong lĩnh vực giáo dục khi xem bức ảnh trên mạng xã hội với bình luận giáo viên chấm thi phải kiểm tra như ở sân bay trước khi vào phòng chấm thi là sững sờ, không tin đó là sự thật.
Ngay lập tức tôi phải tìm các trang báo mạng uy tín để kiểm chứng, hi vọng bức ảnh đó không đúng sự thật nhưng thật bất ngờ khi nó được đăng tải trên một số tờ báo uy tín.
Tôi thực sự cảm thấy đáng xấu hổ cho ngành giáo dục, bởi lòng tin của xã hội vào các nhà giáo giờ đây đã là con số 0 tròn trĩnh.
Cùng với đó, tôi biết rằng lòng tự trọng của các nhà giáo cũng bị sụp đổ theo. Có giáo viên đã nói với tôi rằng "chua chát khi thấy bức ảnh và không dám đăng lên trên facebook cá nhân vì sợ học trò sẽ coi thường".
Quả thực, nếu tôi là giáo viên hoặc cán bộ kiểm tra thi mà bị kiểm tra như vậy tôi sẽ bỏ về và không tham gia làm nhiệm vụ tiếp. Nếu được thông báo trước khi làm nhiệm vụ chấm thi thì tôi cũng xin phép từ chối không tham dự. Đương nhiên tôi sẽ chấp nhận mọi hình thức kỷ luật của Lãnh đạo Sở.
Tôi cũng nghĩ rằng Bộ GD&ĐT nên có Quy định rõ ràng, công khai về cách thức đảm bảo An ninh của Hội đồng chấm trên toàn quốc. Tránh tình trạng mỗi tỉnh làm một cách khác nhau. Cách thức ngoài việc đảm bảo An toàn cho kỳ thi mà còn phải hợp tình, hợp lý; cách thức phải được các nhà giáo đồng tình và các nhà giáo có quyền được từ chối tham gia nếu cách thức chưa phù hợp làm ảnh hưởng đến danh dự, lòng tự trọng của nhà giáo".
Một giáo viên chấm thi THPT quốc gia 2019 từ "tâm bão" Sơn La tâm sự: "Phải trực tiếp đi chấm thi mới thấu hiết những tổn thương và áp lực mà giáo viên phải chịu sau những sai phạm của năm 2018.
Chúng tôi không khác gì những tội phạm buôn lậu ma túy, làm nhiệm vụ mà trải qua bao giám sát, thanh tra, camera, máy quét...Còn những người kiểm tra lại đánh đồng giáo viên với tội phạm chẳng có chút liêm sỉ nào.
Gian lận thi cử năm 2018 từ đâu? Sai sót từ giáo viên trực tiếp chấm thi ư? Chẳng phải gian lận từ những cán bộ thuộc Sở GD&ĐT Sơn La, thế tại sao lại đối xử với thầy cô chấm thi và làm công tác kiểm tra thi như vậy? Phải chăng đây là thất bại từ nền giáo dục để xảy ra gian lận? ".