Ký sự tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn

Những chiếc cầu treo lắt lẻo qua dòng sông A Vương, ngôi nhà Gươi truyền thống, chén rượu vương vấn men rừng ... Tất cả hòa quyện và sống động hơn bởi những ngôn ngữ tộc Môn-Khmer. Một cung đường thú vị trong tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn.
Ký sự tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn

Cách thành phố Đà Nẵng khoảng chừng 50 km, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam như tách biệt hẳn sự ồn ào phố thị. Cả một khoảng rừng núi tĩnh lặng, nơi cư trú của đồng bào dân tộc Cơ Tu là điểm đến trải nghiệm khác biệt và mới lạ.

Ký sự tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn - anh 1

Hành trình xuất phát từ Đà Nẵng đi Đông Giang.

Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, đoàn chúng tôi xuất phát đi Đông Giang vào đầu giờ chiều. Tôi đã có một dịp trải nghiệm đáng nhớ cùng các thành viên trong CLB xe Minsk Đà Nẵng. "Từ đây lên Sông Kôn khoảng hai tiếng, chúng ta tới vừa kịp cuối chiều, anh bạn phó thôn Bút Nga lúc đó mới đi rẫy về" - Anh Hòa (Hội xe Minsk Đà Nẵng) hướng dẫn.
Con đường lên nơi cư trú của những người Cơ Tu khá khúc khuỷu, đèo dốc. Chỉ chừng hơn chục kilomet đã thấy sự khác biệt hẳn. Những căn nhà thưa thớt xen lẫn trong tán lá rừng, con đường nhỏ nối tiếp màu xanh. Nếu như ai đã từng đi Đông Bắc ắt hẳn sẽ được mát mắt với những cánh đồng chè xanh mướt mát. Và điều đó lại được bắt gặp tại đây. Những khoảng rừng chè mênh mông phủ kín núi đồi Đông Giang khiến người ta tạm quên sắc biển thăm thẳm dọc "thành phố đáng sống" Đà Nẵng. Được biết những dịp cuối tuần có khá nhiều bạn trẻ theo con đường quốc lộ 14B lên ngắm nhìn, chụp ảnh cùng những rừng chè nơi đây.
Ký sự tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn - anh 2

"Check in" những cánh đồng chè Đông Giang.

Chúng tôi tạm dừng nghỉ một ngôi nhà nhỏ ven đường vì trông thấy bày bán những trái mít hấp dẫn. Trái mít không lớn lắm nhưng múi thì to, vàng đều. Thử một miếng không có vị ngọt sắc như thứ mít dai thông thường, không thơm như mít Tố Nữ. Mít ở đây ngọt thanh và hương thơm thoảng không nồng. Lấy hai trái và nhờ chị bán hàng lọc giúp, chúng tôi mang theo để có thứ nhâm nhi sau bữa tối.
Ký sự tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn - anh 3

Trái cây ở đây vị ngọt thanh và hương thơm thoảng không nồng.

Những đoạn đường đèo cua gấp, lên cao có khá nhiều ổ gà như một nét bút đứt quãng, nguệch ngoạc giữa màu xanh ngút ngàn của dãy Trường Sơn. Tôi có cảm giác như một phần của núi rừng Tây Bắc đâu đây. Dọc theo dòng sông sát quốc lộ 14B chúng tôi bị ấn tượng mạnh bởi những cây cầu treo lắt lẻo. Mặc dù được níu giữ bằng sợi dây cáp lớn chắc chắn nhưng vẫn có vẻ chòng chành hơn chúng tôi tưởng. Nó trơn trượt hơn sau cơn mưa. Tay lái phải thẳng và hạn chế phanh tối đa để có thể vượt qua cây cầu với bề rộng chỉ chừng 1 mét. Một trong số những cây cầu ấy đưa chúng tôi tới ngôi nhà Gươi thôn Bút Nga, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang.
Ký sự tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn - anh 4

Cảm giác như một phần Tây Bắc đâu đây.

Ký sự tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn - anh 5

Những cây cầu treo lắt lẻo nối những thôn làng của Sông Kôn.

Ngôi nhà Gươi này là trụ sở nhà văn hóa của thôn Bút Nga. Nó được xây dựng theo đúng kiểu dáng, mô hình nhà Gươi của dân tộc Cơ Tu. Là một dạng nhà sàn được chống bởi cây cột cái ở giữa và 8 cây cột con xung quanh. Mái nhà lợp bằng lá nón hoặc lá mây. Có ba cửa gồm hai cửa chính phía trước và một cửa phụ đằng sau. Sáu bậc thang khá cao là lối lên xuống chính. Nhìn từ xa ngôi nhà có hình một trái xoài khổng lồ. Đây là nơi hội họp của thôn để bàn công việc, lễ hội. Nhưng cũng chính ngôi nhà này là một biểu trưng đặc sắc cho sinh hoạt cộng đồng và chốn linh thiêng của người Cơ Tu. Một đôi chim ở hai đầu mái nhà như đang vươn cao cổ cất tiếng - đó hẳn là tiếng người Cơ Tu.

Ký sự tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn - anh 6

Ngôi nhà Gươi truyền thống của người Cơ Tu.

Đón đoàn xe "hầm hố" chúng tôi là những cái nhìn vừa lạ, vừa tò mò xen lẫn sự thích thú từ những em nhỏ người Cơ Tu. Đã có sự chuẩn bị trước từ đôi bạn Lâm Tình Thơ và Minh Thu, chúng tôi mang chia những phần kẹo cho các em nhỏ. Chúng đón nhận với sự rụt rè nhưng ánh mắt có vẻ rất hồ hởi.
Ký sự tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn - anh 7

Những đứa trẻ người dân tộc Cơ Tu ...

Ký sự tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn - anh 8

... chúng rụt rè nhưng có vẻ thích thú khi nhận quà.

Anh Chrich và Aladenh là trưởng thôn, phó thôn tiếp đón chúng tôi với nụ cười thân thiện. Bởi nhóm bạn Minsk Đà Nẵng cũng đã từng lên đây và liên hệ trước cùng các anh. Tranh thủ trời chưa tối, chúng tôi đi một vòng quanh thôn để thăm thú. Anh Aladenh trở thành một hướng dẫn viên bất đắc dĩ. Bởi anh nói tiếng Kinh khá sõi. Thỉnh thoảng thuận miệng lại chêm vào vài câu tiếng người Cơ Tu khiến chúng tôi bật cười mà ... không hiểu gì.
Bữa cơm tối tại nhà riêng của Aladenh diễn ra trong không khí ấm cúng. Chúng tôi được thưởng thức món cầy hoa - "chiến lợi phẩm" mà một người bạn Cơ Tu đi rừng đặt bẫy được. "Ở đây vẫn thỉnh thoảng bẫy được thú rừng. Đây là một người cùng làm với mình bẫy được chiều nay. Mang từ tận cuối thôn lên để uống rượu đấy", Aladenh nói với giọng phấn khởi. Quả thực món cầy hoa - thú rừng chính hiệu được chế biến đơn giản nhưng vô cùng hấp dẫn. Vị thịt ngọt mềm mà thơm. Hưng phấn thêm bằng chén rượu men lá do chính tay những người Cơ Tu nấu. Giữa không gian núi rừng lành lạnh hơi sương cho chúng tôi một cảm giác đê mê, thú vị.
Ký sự tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn - anh 9

Thành tích được trưng bày tại nhà văn hóa thôn Bút Nga, xã Sông Kôn.

Theo anh Aladenh, cả thôn có 46 nóc nhà, nằm rải rác cách nhau khá xa. Chỉ khi nào cả thôn có việc mới họp bàn tại chính ngôi nhà Gươi. Ở đó cũng trưng bày các vật dụng linh thiêng đặc trưng của người dân tộc Cơ Tu. Những cây cầu sắt nằm trong một dự án nối liền giữa các xã, thôn qua con sông A Vương. Ở đây ngoài việc làm nương rẫy, có thêm một nghề phụ là trồng keo. Và cũng kéo thêm một nghề phụ là thu hoạch keo. Một nghề lâm sản góp phần cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây.
Buổi tối hôm đó, tại chính ngôi nhà truyền thống chúng tôi được nghe những người Cơ Tu trải lòng mình về cuộc sống núi rừng. Bên chén rượu men lá rừng, chúng tôi say sưa trò chuyện, đàn hát trong không khí vui vẻ. Những người Cơ Tu tiếp chuyện chúng tôi bằng tiếng Kinh. Nhưng cũng như Aladenh thỉnh thoảng họ lại nói với nhau bằng ngôn ngữ tộc Môn-Khmer. Nghe dù không hiểu nhưng tôi cảm được sự gần gũi và trân trọng tiếng nói biểu trưng người Cơ Tu, của riêng họ.
Ký sự tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn - anh 10

Họ trải lòng mình với chúng tôi ...

Ký sự tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn - anh 11

... về tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn.

Được biết, hiện nay những ngôi nhà Gươi không còn là nơi trú ngụ thường thấy của người Cơ Tu nữa. Thay vào đó là những ngôi nhà mái bằng, cấp bốn kiểu dáng đại trà. Chỉ có những ngôi nhà cộng đồng là được xây dựng theo kiểu dáng và chất liệu truyền thống. Mỗi thôn sẽ có một nhà Gươi như vậy. Đó cũng là sự cố gắng trong việc gìn giữ những nét văn hóa, bản sắc đặc trưng của người dân Cơ Tu. Tôi cảm nhận trong đó có sự trăn trở từ chính tiếng nói riêng của người dân nơi đây. Họ miệt mài và cần cù trên chính những khoảng đồi núi mênh mông, hiểm trở. Cũng vẫn đắm say trong những lễ hội, hương vị, sản vật đất trời. Nhưng đâu đó, thoảng hằn trên ánh mắt một chút ưu tư. Sự ưu tư với khó khăn, vất vả còn thường trực. Sự ưu tư trong nỗ lực, cố gắng gìn giữ bản sắc mà bao đời để lại. Họ nói với chúng tôi, tâm sự với chúng tôi, trải lòng mình về tiếng Cơ Tu vọng vang nơi dãy Trường Sơn.

Xem thêm:

- Ký sự những cung đường xứ Lạng

- Ký sự xuyên Việt bằng xe Minsk: Ba ngày phía bên kia đèo Hải Vân

Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.