Điểm nhấn du lịch biển
Có địa thế là thành phố ven biển, du lịch biển là sản phẩm đặc sắc của Hải Phòng với hai trọng điểm lớn là Cát Bà và Đồ Sơn. Ngày 31/3, huyện Cát Hải (đơn vị quản lý hành chính quần đảo Cát Bà) tổ Lễ hội kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Cát Hải và Khai mạc du lịch Cát Bà năm 2024.
Tại buổi lễ này, ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải khẳng định, quần đảo Cát Bà nhận nhiều danh hiệu như được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004; Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt về danh lam thắng cảnh năm 2013; vịnh Lan Hạ được công nhận là thành viên Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới năm 2020. Ngày 16/9/2023, quần đảo Cát Bà cùng với vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây cũng là Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Theo ông Bùi Tuấn Mạnh, chương trình khai mạc du lịch Cát Bà năm 2024 là sự kiện đặc biệt quan trọng, thông điệp, lời mời trân trọng tới du khách trong nước và quốc tế đến với Cát Bà để cùng khám phá, thưởng ngoạn món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng cho con người.
Cùng là trọng điểm về du lịch biển song Đồ Sơn có những tài nguyên du lịch đặc sắc, khác biệt. Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Đồ Sơn có những địa danh, di tích đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập như: Đảo Hòn Dấu - Địa danh duy nhất để xác định bình địa quốc gia Việt Nam; Đảo hòn Dấu - Nơi có quần thể Đa búp đỏ có niên đại trên 500 năm trải rộng trên diện tích 5 ha duy nhất ở Việt Nam; Lễ hội chọi trâu - Lễ hội dân gian lâu đời, độc đáo nhất Việt Nam; Bến K15 quận Đồ Sơn, Hải Phòng - Điểm xuất phát đường Hồ Chí Minh trên biển phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Chùa Hang Đồ Sơn - Nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào Việt Nam theo đường biển.
Ông Phạm Hoàng Tuấn cho biết, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, quận Đồ Sơn tổ chức liên hoan du lịch với nhiều hoạt động sôi động, hấp dẫn, trong đó điểm nhấn là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Đồ Sơn - Điểm đến 4 mùa". Trong chương trình sẽ có clip quảng bá Du lịch Đồ Sơn dựa trên chất liệu là hình ảnh thực tế của các điểm đến nổi tiếng. Những màn múa, hát phác họa lại những lễ hội truyền thống của người dân, qua đó lan tỏa những hình ảnh đẹp về cảnh sắc, con người và thông điệp về một Đồ Sơn với bốn mùa rực rỡ sắc màu để bất cứ thời điểm nào trong năm, du khách đến đây đều có những trải nghiệm thú vị.
Theo báo cáo của quận Đồ Sơn, năm nay du lịch Đồ Sơn sẽ có nhiều điểm mới như khách sạn tiêu chuẩn quốc tế Dream Dragon Resort; khu resort và khách sạn quốc tế Nam Cường Đồ Sơn sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 5 và tháng 6. Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm các trò chơi tại tổ hợp công viên thuộc khu du lịch quốc tế Đồi Rồng.
Không gian du lịch, văn hóa đặc sắc, riêng có
Một trong những lễ hội người dân Hải Phòng mong đợi và được coi là ngày Tết thứ hai của thành phố là Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng năm 2024. Đây là năm thứ 11, thành phố tổ chức Lễ hội Hoa phượng đỏ gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2024)
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cho biết, bám sát chủ đề "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản", các hoạt động trong lễ hội sẽ giới thiệu về văn hóa, lịch sử, du lịch đặc sắc của Hải Phòng. Lễ trao nhận quyết định Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn được tổ chức tại Di tích quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn, huyện An Lão; trưng bày Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Hải Phòng; triển lãm "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản" tại Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm; trình diễn di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh tại Quảng trường Nhà hát thành phố.
Chương trình "Không gian văn hóa đình làng Hải Phòng xưa" diễn ra tại Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Hàng Kênh; liên hoan Múa rối Hải Phòng mở rộng lần thứ 2 với chủ đề "Hải Phòng - Sắc màu di sản" tại Quảng trường Nhà hát thành phố và Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Hàng Kênh. Liên hoan nghệ thuật "Đờn ca tài tử" - Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh được tổ chức tại Quảng trường Nhà hát thành phố; trưng bày triển lãm sách, báo chủ đề: "Sách kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai" tại Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố; trưng bày ảnh nghệ thuật, mỹ thuật với chủ đề "Hải Phòng - Kết nối miền di sản" tại Trung tâm Văn hóa thành phố; ...
Hoạt động nổi bật nhất của Lễ hội Hoa phượng đỏ năm 2024 là chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Chương trình được dàn dựng với chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện các giá trị, nét đặc trưng, tiêu biểu nhất về huyền thoại, lịch sử, di sản văn hóa, hình ảnh, con người Hải Phòng bằng cảnh thực, kết hợp cùng công nghệ thực tế ảo. Tổng thể sân khấu lấy cảm hứng từ hình tượng bông hoa phượng bừng nở, tạo cảm quan thưởng ngoạn ở nhiều góc độ khác nhau về một Hải Phòng mạnh mẽ, ngập tràn sức sống, phô diễn và nêu bật thành tựu quan trọng trong hành trình xây dựng, phát triển thành phố. Đêm hội hứa hẹn sẽ mang đến cho các đại biểu, khán giả và du khách những ấn tượng, cảm nhận sâu sắc về miền đất nơi cửa biển tươi đẹp, kỳ thú, giàu bản sắc văn hóa và đầy thân thiện mến khách.
Đây cũng là lần đầu tiên Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2024 tổ chức tại không gian và địa điểm mới là quảng trường phía trước Trung tâm chính trị - hành chính tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên. Việc tổ chức tại đây khẳng định rõ tầm nhìn, sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo thành phố trong việc mở rộng không gian đô thị, công nghiệp, dịch vụ năng động, hiện đại, là thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.
Theo nhiều chuyên gia về du lịch, các địa phương trọng điểm về du lịch của Hải Phòng và thành phố tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật là hình thức quảng bá du lịch mềm mại, hấp dẫn, có sức lan tỏa cao.
Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lữ hành S9 tại Hải Phòng Lưu Hoàng Điệp chia sẻ, các lễ hội quy mô, tiêu biểu như Lễ hội Hoa phượng đỏ có sức hút rất lớn đối với du khách và tạo nên hiệu ứng lan tỏa ban đầu. Để duy trì và nhân lên sức mạnh quảng bá từ những lễ hội này, ông Lưu Hoàng Điệp đề xuất, thành phố Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương có sự phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động thường xuyên vào dịp cuối tuần, hằng tháng nhất là các hoạt động văn hóa, du lịch tại khu vực nội thành để quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ hơn về vùng đất và con người Hải Phòng.
Năm 2024, ngành Du lịch Hải Phòng phấn đấu đón khoảng 9,1 triệu lượt du khách, trong đó có hơn 1 triệu lượt khách quốc tế. Để đóng góp vào kết quả chung này, huyện Cát Hải phấn đấu đón 3,6 triệu lượt du khách, quận Đồ Sơn phấn đấu đón 3,8 triệu lượt du khách.