Hoàn thành mục tiêu kép
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 khẳng định: Sau 2 ngày diễn ra trong điều kiện đặc biệt - dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, kỳ thi cơ bản đạt được mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, vừa nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi tại tất cả các điểm thi diễn ra an toàn, nghiêm túc; kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm trên phạm vi cả nước. Trong cả kỳ thi, chỉ có 18 thí sinh vi phạm quy chế thi bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm Quy chế.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Tổng số thí sinh dự thi đợt 1 là 981.773, đạt 96,13% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, môn Ngữ văn 97,1%; Toán 97,18%; Ngoại ngữ 97,2%; Vật lí 96,98%; Sinh học 97,07%; Hóa học 97,11%; Lịch sử 97,24%; Địa lý 97,29%; Giáo dục công dân 97,23%. Tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không thể dự thi là 23.569, chiếm 2,31%.
Các địa phương đều có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi; bảo đảm không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Các địa phương, nhất là các địa phương có huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi. Nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai việc ưu tiên xét nghiệm và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho những thí sinh có nguy cơ để bảo đảm công tác an toàn phòng, chống dịch trong kỳ thi. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho 100% thí sinh dự thi đợt 1.
Kết thúc công tác coi thi đợt 1, các địa phương sẽ bắt tay ngay vào việc chấm thi. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng lưu ý các tỉnh, thành phố thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm, bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Các đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia và các đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở 63 Hội đồng thi để tăng cường tính nghiêm minh trong quá trình chấm thi.
Không thể áp dụng một giải pháp cho tất cả các địa phương
Tại kỳ thi đợt 1, một số điểm thi tại các tỉnh, thành phố xuất hiện ca nghi mắc COVID-19. Tuy nhiên, cách xử lý tình huống của các địa phương không giống nhau. Cụ thể, như tại Bắc Giang, Phú Yên…, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã cho dừng tổ chức các điểm thi này. Song, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các thí sinh vẫn tiếp tục tham gia thi các môn còn lại tại điểm thi.
Đối với các giải pháp xử lý của địa phương, ông Mai Văn Trinh cho rằng, không thể áp dụng một giải pháp cho tất cả các địa phương, trong điều kiện dịch COVID-19 phức tạp, khó lường. Mỗi tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để xây dựng các kịch bản ứng phó. Ghi nhận bước đầu, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã nỗ lực, cố gắng để làm chủ tình hình, chủ động xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ. Do đã chuẩn bị phương án dự phòng từ trước nên các địa phương đã xử lý bảo đảm quy trình phòng, chống dịch, đồng thời tổ chức thi an toàn cho các thí sinh.
Để bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh tại các điểm thi phải dừng do dịch COVID-19, khi các em đã hoàn thành được 1-2 môn thi, những thi sinh này sẽ được tham gia thi tiếp đợt 2, hoàn thành đầy đủ các môn thi để xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông và sử dụng điểm để xét tuyển sinh đại học.
Đối với những thí sinh đang thi tốt nghiệp nhưng sau đó không thi nữa vì phát hiện thuộc diện F0, nếu các em chỉ lựa chọn xét tốt nghiệp thì sẽ được quyền đặc cách xét tốt nghiệp. Nếu thi để xét tuyển đại học, các em sẽ được đăng ký thi trong đợt tiếp, nếu sức khỏe bảo đảm.
Ông Mai Văn Trinh cũng chia sẻ: Hiện tại, chưa thể xác định cụ thể thời gian tổ chức thi đợt 2. Các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình dịch bệnh, thông báo với Bộ Giáo dục và Đào tạo để quyết định thời điểm tổ chức kỳ thi đợt 2 cho thí sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm xây dựng đề thi chính xác, độ khó tương đồng với kỳ thi đợt 1 để bảo đảm công bằng cho thí sinh.