Lạc bước vào 'lâu đài' bí ẩn nhất cao nguyên đá Đồng Văn

"Hai người là khách du lịch à? Lên đây rồi sao không vào Nhà Vương chơi?", vừa nói cô sơn nữ vừa đưa tay chỉ về phía "lâu đài" vẫn đang ẩn hiện trong làn khói mờ sương.
Lạc bước vào 'lâu đài' bí ẩn nhất cao nguyên đá Đồng Văn

Lạc vào xứ sở thần tiên

Không chờ được gió mùa về muộn, năm nay những cánh hoa đào ở vùng núi đá Tây Bắc đành phải ngậm ngùi nở sớm. Trên con đường ngoằn ngèo từ Thành phố Hà Giang lên thị trấn Đồng Văn, xen lẫn màu nâu của đá tai mèo sắc lạnh là những cánh hoa tím hồng mỏng manh trong gió.

Mải mê ngắm cảnh và đồng ca bài "Đưa nhau đi trốn", tôi đã đưa cô bạn đồng nghiệp đi lạc mất quãng đường chừng 10 cây số. Đáng ra hành trình chỉ có đến UBND xã Lũng Táo nhưng lạc đường đã đưa chúng tôi đến địa phận xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Đang loay hoay giữa con đường nhỏ, bỗng thấy xa xa dưới chân núi là một ngôi nhà tuyệt đẹp. Trong ánh sáng mờ sương, ngôi nhà thoắt ẩn, thoắt hiện làm tôi tưởng tượng đến những tòa "lâu đài" trong bộ phim từng được xem.

Đứng ở ven đường chờ mãi mới thấy bóng dáng một cô sơn nữ ngang qua. Trong trang phục váy hoa sặc sỡ của người Mông, cô sơn nữ gùi trên lưng một em bé má ửng hồng vì lạnh đang say sưa nằm ngủ. "Hai người là khách du lịch à? Lên đây rồi sao không vào Nhà Vương chơi?", vừa nói cô sơn nữ vừa đưa tay chỉ về phía "lâu đài" vẫn đang ẩn hiện trong làn khói mờ sương.

"Đó là nhà Vương trong những bức hình mà thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy trên catalog giới thiệu về điểm đến du lịch ở Hà Giang sao?". Tôi đã ngờ ngợ ngay từ những giây phút đầu nhưng không dám khẳng định bởi khung cảnh trước mắt còn đẹp hơn trong mấy cuốn tạp chí rất nhiều. Đường thì cũng đã lạc rồi, chẳng có lý do gì ngăn cản sự hiếu kỳ của chúng tôi về "lâu đài" đẹp như trong thần thoại kia.

Lạc bước vào 'lâu đài' bí ẩn nhất cao nguyên đá Đồng Văn ảnh 1

Biệt thự nhà Vương nhìn từ trên cao

Tôi quay xe để đi xuống một con dốc nhỏ theo sự hướng dẫn của cô sơn nữ. Trên đường vào, những ngôi nhà lụp sụp hai bên đường khác hẳn với vẻ tráng lệ của biệt thự Nhà Vương. Đi qua một khu chợ, vài chủ quán đon đả chào mời khách mua quà lưu niệm và những tảng mật ong đá "đặc sản" của Hà Giang. Phải đến khi bước lên từng bậc thang, vào sát cổng chính chúng tôi mới dám chắc, mình đã lạc bước vào ngôi nhà đẹp nhất cao nguyên đá Đồng Văn.

Bí ẩn ngôi nhà đẹp nhất cao nguyên đá Đồng Văn

Sau vài giây "thẫn thờ" vì cảnh đẹp, tôi vội vàng lấy chiếc điện thoại ra để tra "google" về nơi này. Đánh từ khóa "Nhà Vương Hà Giang" trong mục tìm kiếm ra khoảng 2,520,000 kết quả.

Cổng thông tin điện tử Hagiang.gov.vn, giới thiệu về Nhà Vương là di tích lịch sử thuộc địa phận xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn), nằm ngay cạnh quốc lộ 4C trên đường thành phố Hà Giang đi huyện Đồng Văn.

Một cô gái trẻ đẹp, hướng dẫn viên du lịch ở đây kể lại với chúng tôi rằng, cách đây một thế kỷ trước, dòng họ Vương đã thống lĩnh toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn này và tự xưng Vương. Đồng bào dân tộc Mông thường gọi là "vua Mèo".

Để khẳng định uy quyền của mình, "vua Mèo" Vương Chính Đức đã kỳ công đi khắp đó đây tìm thầy, tìm thợ xây ngôi nhà này. Những Thầy địa lý Trung Hoa đến từ tỉnh Vân Nam (Trung Hoa) cùng với những tốp thợ giỏi nhất của người Mông đã được mời về để xây nhà cho vua Mèo.

Dinh thự vua Mèo được xây dựng trên một khu đất đẹp, với diện tích 1.120 m2 và phải xây dựng ròng rã trong 8 năm mới xong. Toàn bộ dinh thự có hình mai rùa vững chắc, cùng với những hàng cây sa mộc vươn cao tạo cho khu di tích lịch sử những nét độc đáo.

Lạc bước vào 'lâu đài' bí ẩn nhất cao nguyên đá Đồng Văn ảnh 2

Nhà Vương được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc. Cả hai vòng thành đều có lỗ châu mai và những bốt canh để lính canh gác ngày đêm. Giữa hai vòng thành là một dãy đất rộng khoảng 50 - 60 m trồng toàn trúc.

Toàn dinh thự có 3 cung Tiền, Trung, Hậu với 64 phòng dành cho 100 người ở. Khu Tiền cung là nơi ở của lính bảo vệ, gia nhân. Trung cung và Hậu cung là nơi ở, làm việc của con cháu dòng họ Vương. Toàn bộ gỗ của ngôi nhà trước đây đều được làm từ gỗ thông đá. Kể từ khi trở thành tài sản của Nhà nước, tất cả các vật liệu gỗ của ngôi nhà đã bị thay đổi khoảng 60% bằng gỗ lim và gỗ nghiến.

Sau khi quan sát một vòng, theo tôi nét độc đáo của ngôi nhà chính là những bức tường được cấu tạo bằng các phiến đá nhỏ được kè chặt khít với nhau không cần chất kết dính, dày khoảng 50cm và xếp thành vòng tròn tạo thành khuôn viên riêng biệt cho dòng họ Vương. Đặc biệt là những đường cong, nét lượn, trạm trổ tinh xảo, những viên đá xanh, những cây gỗ sa mộc và ngói đất nung lợp theo lối âm - dương ngũ hành.

Dinh thự nhà Vương không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn là pháo đài phòng thủ giữa Cao nguyên đá Đồng Văn trong thời điểm lịch sử đó. Nó cũng phản ánh lên chế độ thổ ty phong kiến của một vùng đất biên giới địa đầu cực Bắc Tổ quốc đã hiện hữu và "vang bóng một thời".

Giai thoại về một gia đình quyền quý "vang bóng một thời"

Trong căn biệt thự vẫn còn lưu giữ rất nhiều bức ảnh của gia tộc họ Vương. Cụ Vương Chính Đức từng có 3 bà vợ nhưng trong những bức ảnh chỉ có bà cả và bà ba, bà vợ hai không có mặt trong bức ảnh gia tộc họ Vương vì không sinh được con trai nên không được gia đình nhắc đến trong dòng họ.

Lạc bước vào 'lâu đài' bí ẩn nhất cao nguyên đá Đồng Văn ảnh 3

Một trong những rất nhiều bức ảnh của gia tộc họ Vương

Theo tài liệu về Nhà Vương được lưu giữ lại trong căn biệt thự, con trai thứ của cụ Vương Chính Đức là ông Vương Chính Sình (1886 - 1962). Ông Vương Chí Sình có 5 người vợ nhưng ông quý nhất bà ba, đó cũng là người phụ nữ được đồng bào Mông nhắc tới nhiều nhất khi thâu tóm tất cả quyền lực tại Đồng Văn.

Bà Ba cũng chính là thư ký cho Vương Chính Sình, người có thể phiên dịch tiếng Trung, tiếng Pháp cho chồng. Bà là một người vợ rất giỏi giang, có bố là người Quảng Đông (Trung Quốc), mẹ là người Hà Đông, Hà Nội.

Ông Vương Chí Sình là người được người dân biết tới nhiều hơn bởi vì là người con chính thức theo cách mạng. Vào khoảng năm 1945, Bác Hồ đã cử đại diện của Việt minh lên đón "Vua mèo" Vương Chính Đức về Thủ đô để bàn việc nước. Thấy được vai trò của ông Vương Chính Đức và lực lượng vũ trang người Mông nơi địa đầu Tổ quốc, Bác Hồ đã rất quan tâm tới đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên lúc này tuổi của ông Vương Chính Đức đã cao (81 tuổi) nên ông đã ủy quyền cho con trai là Vương Chí Sình đi thay để đến tiếp kiến cụ Hồ.

Sau này, khi tham gia cách mạng ông Vương Chí Sình đã trở thành Đại biểu Quốc hội khóa I, khóa II của nước ta. Ông từng giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Đồng Văn. Nhờ có nhiều công lao với Cách mạng, ông vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Vương Chí Thành và trao tặng tám chữ "Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ" ( Trung thành với đất nước, không chịu làm nô lệ ) cùng một thanh kiếm.

Năm 1993, Khu dinh thự nhà Vương được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trải qua sự khắc nghiệt khí hậu, thiên nhiên ở độ cao trên 1.600 m so với mặt nước biển, song di tích lịch sử nhà Vương vẫn luôn giữ được hình dáng xưa cũ cùng với những giá trị lịch sử một thời.

Lạc bước vào 'lâu đài' bí ẩn nhất cao nguyên đá Đồng Văn ảnh 4

Đồ dùng, vật dụng bên trong biệt thự Nhà Vương

Bà Lý Thị Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: "Di tích lịch sử nhà Vương thường xuyên được trùng tu, gìn giữ, bảo vệ nguyên vẹn. Những năm qua, đặc biệt là khi Cao nguyên đá Đồng Văn được Unesco công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, di tích lịch sử nhà Vương đã đón hàng ngàn lượt khách du lịch đến thăm quan, trong đó có rất nhiều du khách đến từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ...".

Phải mất vài tiếng đồng hồ chúng tôi mới tham quan hết được toàn bộ ngôi biệt thự rộng lớn giữa cao nguyên đá. Rời ngôi biệt thự để tiếp tục cuộc hành trình mà hình ảnh dinh họ Vương nổi bật, bề thế giữa một thung lũng heo hút vẫn cứ ám ảnh trong đầu . Chia tay Sà Phìn, chia tay Nhà Vương khi nắng nhẹ đã kéo màn sương mù qua đỉnh núi. Lần lạc đường này, may mắn đã đưa chúng tôi được bước vào thế giới của một ngôi nhà quá đẹp, quá nhiều ý nghĩa lịch sử ở vùng đất còn nhiều bí ẩn văn hóa này./.

Lạc bước vào 'lâu đài' bí ẩn nhất cao nguyên đá Đồng Văn ảnh 5

Hoàng Kim Thược

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.