Netflix vừa mua bản quyền thêm 13 phim điện ảnh bổ sung kho phim Việt trên nền tảng xem phim trực tuyến này ở thị trường Việt Nam. Tính đến nay, đã có 43 tác phẩm điện ảnh và 1 phim truyền hình nhiều tập của Việt Nam trong tổng kho phim của Netflix.
Chuyển biến tích cực
Netflix công bố lợi nhuận lên đến 709 triệu USD trong tổng doanh thu 5,77 tỉ USD trong quý I/2020. Số lượng thuê bao của Netflix cũng tăng gần 16 triệu tài khoản so với quý trước, nâng tổng số thuê bao lên gần 182,9 triệu tài khoản. Hầu hết các thị trường của Netflix trên toàn cầu đều có xu hướng tăng khi dịch Covid-19 bùng phát, trong đó có thị trường Việt Nam. Nhiều người trong giới nhận định việc tăng lượng phim Việt trên Netflix cho thấy lượng khán giả Việt tăng mạnh trên kênh phim trực tuyến lớn hàng đầu thế giới này. Tăng lượng phim bản địa trong kho là cách để giữ chân khán giả bản địa. Tốc độ mua bản quyền phim Việt của Netflix tăng mạnh cũng là dấu hiệu cho thấy kênh phim trực tuyến này quan tâm thị trường Việt Nam, nhất là sau thời gian phim Việt nhạt nhòa trên nền tảng mạng này nay đã có chuyển động tích cực về số lượng người xem. Hai phim "Em chưa 18" và "Thưa mẹ con đi" đã lần lượt vào tốp 10 phim được xem nhiều nhất khu vực Việt theo ngày trên Netflix. Giữa hàng loạt phim Hàn Quốc đình đám: "Hạ cánh bên anh", "Tầng lớp Itaewon", "Lãng khách", "Hoạt động ngoại khóa".... và những phim Mỹ, phim Thái mới, hai phim Việt này lần lượt vào tốp cũng cho thấy khán giả Việt không ngó lơ tác phẩm điện ảnh nội địa. Chỉ là, họ có sự chọn lựa tỉ mỉ và thích sự chỉn chu, mới lạ.
Nâng tổng số phim Việt lên 44, ông Raphael Phang, phụ trách nội dung khu vực Đông Nam Á của Netflix, cho biết: "Chúng tôi muốn tiếp tục thực hiện cam kết mở rộng kho phim bản địa trên dịch vụ của mình. Những nội dung được phát sóng lần này góp phần phản ảnh sự đa dạng của nền điện ảnh Việt với nhiều thể loại phong phú được khán giả yêu thích như lãng mạn hài hước đến kinh dị và hành động".
Theo nhấn mạnh từ đại diện truyền thông của Netflix tại Việt Nam, đến nay chỉ có duy nhất tác phẩm "Hai Phượng" do Ngô Thanh Vân sản xuất được Netflix phát hành quốc tế, 43 tác phẩm còn lại chỉ phát hành khu vực Việt Nam. Bà Trịnh Lê Minh Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Skyline Media - đối tác của Netflix trong đợt mua bản quyền 13 phim Việt lần này, nhìn nhận Netflix vẫn để mở khả năng mua thêm phim Việt với những tác phẩm khiến họ thấy thích thú và có quyền mua. Bởi hiện nay, có nhiều nền tảng mạng trong và ngoài nước khai thác phim Việt chứ không riêng Netflix và cũng có phim lớn, hay chưa thể đạt thỏa thuận mua vì vấn đề cạnh tranh.
Cơ hội lẫn thách thức
Sự chăm chút của Netflix với khán giả thị trường nội địa được giới chuyên môn nhận định là mở ra cơ hội cho các nhà làm phim Việt. "Khi phim Việt Nam được xếp cùng kho với những phim chất lượng tốt của các nước khác và lọt vào tốp 10 phim được xem nhiều nhất trong ngày trên Netflix, chúng tôi tin điều này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của chất lượng phim Việt, tạo nền tảng quan trọng cho nhiều cơ hội hợp tác quốc tế về phát hành và sản xuất nội dung Việt trên Netflix cũng như trên những nền tảng tương tự khác trong tương lai không xa" - bà Trịnh Lê Minh Hằng nhận định.
Theo bà Hằng, việc Netflix bỏ vốn đầu tư cùng hợp tác sản xuất phim với nhà sản xuất Việt là xu hướng phải tới nhưng chưa thể nói trước là khi nào. Cơ hội có nhưng thách thức cũng không ít. Một trong những khó khăn nhất là khâu kịch bản Việt chưa đủ sức thuyết phục đầu tư. Hẳn nhiên, nếu Netflix chấp nhận đầu tư phim Việt để thu hút khán giả nội địa thì ban đầu sẽ không đặt tiêu chí 9-10 điểm ở mọi khâu. Họ chỉ đặt tiêu chí 3-4 điểm rồi nâng dần như từng làm với thị trường Hàn Quốc giai đoạn đầu. Nhà làm phim Việt nên lên kế hoạch từ sớm, ngày càng làm tốt từ khâu kịch bản cho đến kỹ thuật làm phim, tạo nền tảng chứ không thụ động chờ đạt thỏa thuận, được đầu tư rồi mới bắt đầu nâng chất. Một tác phẩm ngay từ đầu xác định làm theo hướng chất lượng cao để chào hàng các nền tảng như Netflix thì dù chưa chắc chắn có thể hợp tác nhưng cơ hội sẽ cao hơn nhiều so với tư tưởng từ đầu chỉ làm theo truyền thống.
Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS, cho rằng Netflix là cơ hội tốt cho thị trường Việt. Đối tượng khán giả trên Netflix rộng hơn so với môi trường rạp phim đa phần là người trẻ cũng tạo cơ hội cho biên kịch có thể tìm đến những đề tài rộng mở nếu được hợp tác. "Hiện tại, chúng tôi chưa bàn chuyện hợp tác với Netflix nhưng tôi biết có một số nhà làm phim đã thảo luận với phía họ để tìm cơ hội hợp tác thực hiện dự án phục vụ thị trường Việt" - nhà sản xuất Jenni Trang Lê cho hay.
Nhiều người trong giới nhận định thị trường hiện nay có nhiều nền tảng phim thu phí trong và ngoài nước cạnh tranh. Khán giả nhiều lựa chọn thì thị hiếu cũng ngày càng tăng cao và đòi hỏi chất lượng phim cũng theo tỉ lệ thuận. Sự cạnh tranh này cũng mang đến thuận lợi cho nhà sản xuất khi có thể hướng đến các nền tảng phim thu phí khác chứ không chỉ tập trung dựa vào Netflix.