Trong chuyến thăm, hai bên sẽ ký kết một số văn kiện hợp tác quan trọng đưa quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện ngày càng sâu sắc, bền chặt.
Thời gian qua, quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-Myanmar phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sự tin cậy chính trị giữa hai nước tiếp tục được tăng cường thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Hai năm qua, nhiều đoàn cấp cao của hai nước đã sang thăm lẫn nhau: Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm Myanmar tháng 8/2017, Phó Tổng thống Myanmar U Henry Van Thio thăm Việt Nam tháng 3/2018, Cố vấn Nhà nước Myanmar Daw Aung San Suu Kyi thăm Việt Nam tháng 4/2018, Tổng thống Myanmar U Win Myint thăm Việt Nam và tham dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 tháng 5/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Myanmar tháng 6/2019 và giờ là chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Myanmar.
Việc tích cực trao đổi đoàn lãnh đạo các cấp và trên tất cả các kênh, bao gồm kênh Đảng, kênh Chính phủ, kênh Quốc hội và giao lưu nhân dân, góp phần tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.
Bên cạnh các cơ chế hợp tác đã có như Uỷ ban hợp tác hỗn hợp, Tiểu ban hợp tác thương mại, Tham vấn chính trị, Tham vấn an ninh… thì sự ra đời của các cơ chế hợp tác mới trong hai năm qua cũng đóng góp không nhỏ vào việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Đó là sự ra đời của Hội hữu nghị Myanmar-Việt Nam và Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, giúp cho sự hợp tác giữa hai nước đến được với mọi tầng lớp nhân dân.
Việt Nam và Myanmar là những người bạn truyền thống, là đối tác tin cậy trong ASEAN và trong khuôn khổ các diễn đàn quốc tế khu vực và thế giới. Trong các cuộc gặp và tiếp xúc cấp cao, các bạn Myanmar đều bày tỏ mong muốn được học tập, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, đổi mới và cải cách mở cửa của Việt Nam. Đây là điểm thuận lợi để Việt Nam tiếp tục thực hiện và triển khai phát triển quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện với Myanmar.
Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư khởi sắc, trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước. Thương mại hai chiều Việt Nam-Myanmar năm 2018 đạt khoảng 860 triệu USD (tăng 3,8% so với năm 2017). Tính đến hết năm 2018, Việt Nam đã có 224 hiện diện thương mại tại Myanmar dưới nhiều hình thức: Văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, công ty liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai chiều trong 10 tháng của năm 2019 đạt 790 triệu USD (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018). Việt Nam tiếp tục ổn định ở vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 18 dự án, tổng vốn đăng ký đạt gần 2,2 tỷ USD. Nổi bật nhất vẫn là dự án đầu tư của Viettel trong lĩnh vực viễn thông tại Myanmar, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam khác tăng cường đầu tư vào Myanmar.
Hợp tác vận tải đa phương thức được đẩy mạnh, bao gồm cả đường bộ, đường biển, đường hàng không giữa hai nước và trong tiểu vùng. Hai bên tích cực thúc đẩy phát triển các tuyến đường thuộc Hành lang kinh tế Đông-Tây, các dự án kết nối đường bộ cũng như vận tải biển ven bờ nhằm phục vụ cho hợp tác giao thương, du lịch, giao lưu nhân dân giữa các nước trong khu vực.
Năm 2011, hai bên đã mở đường bay thẳng tạo điều kiện cho việc phát triển ngành du lịch hai nước; thường xuyên tham dự hội chợ du lịch quốc tế tổ chức tại mỗi nước, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác du lịch chung…
Bên cạnh đó, các lĩnh vực hợp tác khác đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ: Nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, tư pháp, lập pháp, thông tin, truyền thông, thể thao…
Về nông nghiệp, hai bên đã tổ chức nhiều đoàn công tác cấp bộ và cấp vụ sang thăm lẫn nhau để trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác. Hiện hai bên đang thúc đẩy để ký Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp. Hợp tác vận tải đa phương thức được đẩy mạnh, bao gồm cả đường bộ, đường biển, đường hàng không giữa hai nước và trong tiểu vùng. Sau thành công của Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ sáu (GMS-6) tháng 3/2018 tại Hà Nội, hai bên phối hợp chặt chẽ để đạt được những mục tiêu đề ra tại GMS-6. Về giao thông-vận tải, hai bên tích cực thúc đẩy phát triển các tuyến đường thuộc Hành lang kinh tế Đông-Tây, các dự án kết nối đường bộ cũng như vận tải biển ven bờ nhằm phục vụ cho hợp tác giao thương, du lịch, giao lưu nhân dân giữa các nước trong khu vực.
Quan hệ giữa các địa phương Việt Nam và các địa phương Myanmar (thủ đô Hà Nội-thủ đô Nay Pyi Taw; TP. Đà Nẵng-TP. Mandalay; TPHCM-TP. Yangon) được tăng cường.
Chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-Myanmar, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, an ninh-quốc phòng.