Đỏ mắt tìm nhân công
Những ngày này, đi dọc theo tuyến Quốc lộ 5 xuôi từ Hà Nội xuống Hải Phòng, đoạn qua các khu công nghiệp của Hải Dương, không khó để bắt gặp những bảng, biển thông báo tuyển dụng từ lao động phổ thông đến lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn; từ lao động chính thức đến lao động thời vụ treo khắp các lối ra vào khu công nghiệp.
Tâm lý chung của hầu hết những người lao động là khi họ đã quyết định tìm việc để kiếm tiền lo Tết thì chỗ nào trả cao hơn họ sẽ làm”
Do yêu cầu đẩy nhanh tiến độ sản xuất cho dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngay từ đầu tháng 11 Dương lịch, Công ty Giày da Tân Cương (KCN Phúc Điền, Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương) đã rục rịch tuyển dụng thêm lao động thời vụ. Số lượng lao động thời vụ mà công ty này cần tuyển dụng lên đến 200 người. Tuy nhiên, qua mấy ngày đăng tuyển qua mạng xã hội, đài phát thanh, một số website chuyên về việc làm, phát tờ rơi, biển thông báo… công ty Tân Cương vẫn không tuyển được người.
Ngành may mặc và giày da là hai trong số những ngành cần nhiều lao động. |
Theo bà Phạm Thị Lê (Quản đốc xưởng), có rất nhiều lý do khiến công ty không tuyển được đủ người theo yêu cầu và một trong số đó là thời điểm hiện tại, người lao động đang có quá nhiều sự lựa chọn. “Có lẽ họ đang xem xét, cân nhắc xem công việc nào phù hợp, công ty nào có chế độ lương, thưởng, đãi ngộ hấp dẫn. Bởi tâm lý chung của hầu hết những người lao động là khi họ đã quyết định tìm việc để kiếm tiền lo Tết thì chỗ nào trả cao hơn họ sẽ làm” - bà Lê nói.
Tương tự, Công ty TNHH ANT (KCN Tân Trường, Tân Trường, Cẩm Giàng, Hải Dương) cũng đang cần tuyển một lượng lớn lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn về bảo trì, cơ điện tử với mức lương khởi điểm từ 5 triệu đồng/tháng trở lên cùng nhiều chính sách ưu đãi như trợ cấp đi lại, hỗ trợ tay nghề để hỗ trợ đội ngũ sản xuất cho dịp cuối năm. Ông Nguyễn Văn Khương, cán bộ Phòng Nhân sự, Công ty TNHH ANT cho biết, suốt nhiều tháng qua, công ty liên tục đăng tuyển dụng trên nhiều kênh thông tin như bảng tin nội bộ của công ty, trên mạng xã hội, tờ rơi, băng rôn, tuyển dụng trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm nhưng vẫn chưa tuyển đủ số lao động cần.
Người lao động nên lựa chọn những kênh tìm việc có uy tín. |
“Đa số người lao động đều có yêu cầu về việc lương thưởng vào dịp cuối năm. Thực tế họ chưa vào làm việc cụ thể, chưa thể biết rõ năng lực nên công ty cũng chưa thể hứa hẹn. Tuy nhiên, để phục vụ cho công việc trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng tuyển đủ, sau đó sẽ cùng trao đổi để làm việc lâu dài cùng nhau”, ông Khương cho hay.
Tình trạng lao động khan hiếm đến nỗi có những công ty như Công ty TNHH Thời trang May Việt (KCN Lai Cách, Lai Cách, Cẩm Giàng, Hải Dương) chấp nhận tuyển cả những lao động chưa biết gì về may, sau đó công ty sẽ đào tạo trong 3 tháng. Công nhân học việc vẫn có lương với mức lương khởi điểm 4,7 triệu đồng và rất nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn đi kèm nhưng vẫn không nhiều lao động mặn mà.
“Công ty đang cần tuyển hơn 2.000 cả lao động thời vụ lẫn lao động chính thức, lao động phổ thông lẫn lao động có tay nghề ở các vị trí thợ may, thợ cắt, công nhân may mẫu, công nhân kỹ thuật... Yêu cầu về trình độ của những vị trí cần tuyển dụng không cao, thậm chí với những người chưa biết may sẽ được công ty đào tạo trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, đã nhiều ngày đăng tuyển nhưng số người đến xin việc vô cùng hạn chế. Vì thế, để đảm bảo tiến độ sản xuất, đội ngũ công nhân chính thức phải tăng ca hết công suất. Khoảng từ nửa cuối tháng 10 Dương lịch trở lại đây, ngày nào, công nhân cũng phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm” - bà Lê Thu Hường (Trưởng phòng Nhân sự của công ty) cho biết.
Không chỉ các công ty, doanh nghiệp lớn khó tuyển dụng lao động mà ngay cả những cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ cũng không thể tìm được nguồn lao động cung ứng trong dịp cuối năm. Tìm hiểu tại Trung tâm Dịch vụ việc làm huyện Cẩm Giàng, ngày từ những ngày cuối tháng 11 - đầu tháng 12, thị trường việc làm thời vụ diễn ra sôi nổi do những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ, siêu thị... cần nhiều nhân lực để phục vụ khách hàng.
Các chỉ tiêu tuyển dụng của doanh nghiệp chủ yếu thuộc về vị trí bán hàng, chăm sóc khách hàng, thu ngân, dịch vụ nhà hàng... Với mức thù lao được đưa ra là từ 20.000 - 30.000 đồng/giờ, 100.000 - 150.000 đồng/ca (4 - 8 giờ làm việc) hoặc 200.000 - 300.000 đồng/ngày, tùy đơn vị tuyển dụng. Dù những lời mời chào của các công ty rất hấp dẫn song cũng không dễ để tuyển được đủ lao động cần thiết thời điểm này. Hiện nay, nhiều công ty đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động để phục vụ nhu cầu sản xuất, nhất là khi chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết.
Theo ông Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm huyện Cẩm Giàng, cuối năm là thời gian các doanh nghiệp gia tăng sản xuất, tăng cường đơn hàng và đẩy mạnh thị trường bán lẻ hàng hóa nên nhu cầu về lao động thời vụ - bán thời gian, lao động phổ thông sẽ tăng. Dự kiến, từ nay đến Tết Nguyên đán nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tăng khoảng 5- 7% so với trước.
Tình hình biến động lao động đang ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất và định hướng phát triển của nhiều công ty, doanh nghiệp. Có những công ty, doanh nghiệp sau khi tuyển dụng bằng nhiều kênh khác nhau nhưng không hiệu quả đã phải nhờ đến các công ty cung ứng dịch vụ lao động.
Ông Kiên cho biết, tuyển dụng lao động tại các công ty, doanh nghiệp thường tăng cao vào những dịp cuối năm là do xuất phát từ nhu cầu mở rộng quy mô, đẩy nhanh tiến độ đảm bảo chỉ tiêu sản xuất trong năm hoặc do nhu cầu tiêu dùng dịp lễ tết của bà con lớn. “Mặc dù, vào dịp cuối năm “có rất nhiều việc đi tìm người” nhưng đây lại là một trong những thời điểm khó tuyển nhất trong năm”, ông Kiên nhận định. Lý do được đưa ra là vào thời điểm cận Tết, người lao động thường có tâm lý làm đủ thời hạn để nhận thưởng thay vì thay đổi công việc. Mặt khác, quý IV hàng năm đã qua mùa tốt nghiệp một khoảng thời gian, đủ để người lao động tìm kiếm và ổn định công việc sau khi ra trường. Nếu thiếu sự kết nối uy tín, doanh nghiệp thường khá “chật vật” khi tuyển dụng lao động thời điểm này.
“Bẫy” tuyển dụng tràn lan
Trong khi nhiều công ty, doanh nghiệp “thật” không tìm được lao động thì lại có không ít người lao động rơi vào “bẫy” tuyển dụng việc làm của các đơn vị, cá nhân làm ăn bất chính. Lợi dụng nhu cầu việc làm của người lao động, nhiều đối tượng đã giăng bẫy tuyển dụng việc làm khiến người lao động tin theo, đi làm nhưng chậm hoặc không chịu trả lương, thậm chí mất phí tuyển dụng nhưng không có việc làm.
Cẩn trọng với những kiểu tuyển dụng vỉa hè. |
Một trong những nguyên nhân khiến người lao động rơi vào “bẫy” của các đơn vị làm ăn bất chính này là vấn nạn rác quảng cáo.
Vào những ngày cận Tết Nguyên Đán, bằng rất nhiều hình thức khác nhau, tình trạng này ngày càng bùng phát mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dạo quanh những chân cầu vượt, cột điện, bờ tường, bến tàu, trạm xe buýt… rất nhiều tờ rơi quảng cáo cả mới lẫn cũ dán chằng chịt khắp nơi. Hiện đại hơn, chỉ cần một chiếc điện thoại di động có kết nối mạng là người lao động cũng có thể dễ dàng tiếp cận hàng tá công việc trên mạng xã hội với những lời mời chào, quảng cáo hấp dẫn như “việc nhẹ lương cao”, “kinh doanh không cần bỏ vốn dịp Tết”, “công việc kiếm tiền triệu mỗi ngày dịp Tết cho học sinh, sinh viên”... Tuy nhiên, khó ai có thể lường trước được rủi ro, nguy hiểm ẩn sau những thông tin có vẻ béo bở này.
Chiêu trò của những kẻ môi giới luôn đưa ra danh mục việc làm với khung thời gian không quá dài, không quá vất vả, ngược lại lương lại cao, chế độ đãi ngộ hấp dẫn, vì thế những người tìm việc dễ bị thu hút. Trên thực tế đã có rất nhiều người rơi vào bẫy tuyển dụng của các đơn vị làm ăn bất chính này và khi đi làm thì công việc hoàn toàn không đúng với những gì quảng cáo viết.
Anh Trịnh Đình Đô (17 tuổi, Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương) từng bị một trung tâm việc làm lừa đảo mất 300 nghìn đồng trong lần đầu xin việc làm thêm tết chia sẻ: “Họ cứ nói tuyển trực tiếp, miễn trung gian, đưa ra mức lương cao ngất không kèm điều kiện gì để dụ sinh viên, người lao động nghèo tìm đến. Họ bán hồ sơ 50 nghìn đồng/bộ; rồi bắt đặt cọc một khoản tiền mấy trăm nghìn, khi xin được việc thì hứa trả lại sau... Thế nhưng chẳng có trung tâm nào trả lại khoản tiền này. Tôi đã bị mất vài trăm nghìn để đổi lấy một bài học kinh nghiệm”.
Còn bà Vũ Thị Huệ (59 tuổi, Định Sơn, Cẩm Giàng, Hải Dương) - một lao động thời vụ cũng từng bị mất tiền “oan” vì tin theo lời của trung tâm môi giới việc làm. “Theo tờ thông tin môi giới việc làm dán ở bến xe cần tìm người giúp việc lương 5 triệu bao ăn ở, tôi đã tìm tới và nộp 500 nghìn đồng tiền lệ phí theo yêu cầu. Thông tin tuyển dụng là lương 5 triệu bao ăn ở, nhưng khi tôi đi làm nhà chủ không trả đúng số tiền thỏa thuận trước đó với lý do trả kinh phí cho người môi giới, nếu không muốn làm thì nghỉ (?!)” - bà Huệ nói.
Trước thực trạng này, ông Trần Trung Kiên cho biết, đặc thù của công việc thời vụ là cả người tuyển và người làm đều chỉ có nhu cầu trong một khoảng thời gian ngắn, không gắn bó lâu dài, do vậy người tìm việc, nhất là học sinh, sinh viên và những người lao động nghèo cần hết sức cảnh giác, lưu ý kẻo bị lừa.
Cũng theo ông Kiên, để đảm bảo quyền lợi của mình khi tìm kiếm các công việc thời vụ dịp cuối năm, người lao động nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ các quy định của Bộ luật Lao động. Đối với những trường hợp lao động thỏa thuận miệng, thỏa thuận bằng hợp đồng thì được luật quy định ra sao để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.
Ngoài ra, trước khi đến các công ty, đơn vị doanh nghiệp ứng tuyển, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị doanh nghiệp đó, các vị trí việc làm và yêu cầu vị trí việc làm, chế độ đãi ngộ có đúng với thoải thuận hai bên hay không. “Trong điều kiện thị trường lao động cởi mở và đa dạng như hiện nay, người lao động cũng nên tìm đến các địa chỉ giới thiệu việc làm uy tín, chính thống, đã được cấp giấy phép để nhận được sự hướng dẫn, trợ giúp khi cần thiết. Tuyệt đối không giao tiền và giấy tờ tùy thân cho người không quen biết để xin việc”, ông Kiên lưu ý.