Khi trường học “kinh doanh” đồng phục
Đến bao bì, nhãn vở cũng phải… “đồng phục” là chuyện phụ huynh hết sức ngao ngán. Chị Lê Thị T. Đ. có con học tiểu học tại một trường ở Quận 10 phản ánh: “Đầu năm ngoài tiền sách vở, còn phải đóng cả tiền mua bao bì, nhãn vở. Vì nhà trường quy định vở nào thì màu bao bì đó, ví dụ vở Tiếng Việt thì xanh lá, vở Toán xanh da trời… Bao bì với nhãn vở đều có logo của trường, tính ra chẳng bao nhiêu nên chúng tôi cũng đóng tiền cho xong. Nhưng thực sự thấy rất phiền vì những khoản lặt vặt không tên thế này”.
Chuyện trường học bán luôn nhãn vở, bao bì… vốn không hiếm. Và khi được hỏi, các hiệu trưởng trường lý giải rằng việc “đồng phục” luôn bao bì, nhãn vở để các em học sinh tiểu học dễ phân biệt các cuốn tập với nhau. Chị T. Đ. ý kiến: “Trên thực tế, với học sinh lớp 1 cha mẹ thường chuẩn bị sách vở trước khi đến trường cho các con, học sinh các lớp khác cũng đã biết đọc, không cần phải rườm rà, hình thức”.
Việc các trường bán đồng phục cho học sinh còn nảy sinh thêm vấn đề: “chất lượng không đi đôi với giá thành”. Như phụ huynh trường phổ thông N.C.T., Quận Tân Bình cho biết, giá mỗi chiếc ba lô theo mẫu của trường là 230.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ mới giữa học kì, ba lô đã bung chỉ, rách vải. Một phụ huynh có con theo học tại trường này thở dài: “Ba lô trường bán ra thì cũng phải chọn loại tốt cho học sinh có thể sử dụng được hết năm học. Đằng này với giá đó, mà mang chưa được bao lâu đã rách, bảo sao phụ huynh không nghi ngờ việc trường bán hàng chất lượng kém để thu lợi nhuận cao”.
Hình ảnh chiếc ba lô đồng phục do nhà trường bán ra, mới sử dụng chưa hết một học kì đã bung chỉ |
Liên hệ với Hiệu trưởng trường N.C.T., vị này cho biết, trường sẽ lắng nghe ý kiến cha mẹ học sinh. Ba lô nào hư hỏng, cứ trả lại, trường sẽ thu thập và liên hệ công ty đổi ba lô mới cho các em. Tuy nhiên, đây cũng là cách xử lý khi việc đã rồi.
Đồng phục hay các khoản quỹ trường, quỹ lớp đều đã đóng đầu năm, đến giữa năm học phụ huynh lại lo thêm các khoản như… tham quan du lịch. Du lịch, trải nghiệm, thăm di tích được xem như hoạt động ngoại khóa, tuy nhiên, một số trường lại thường tổ chức đi xa, với chi phí cho mỗi em học sinh rất cao.
Nhiều phụ huynh không muốn cho học sinh đi du lịch tham quan ngoại tỉnh vì không an tâm về mức độ an toàn |
Chị Trần Thị V. có con học lớp 11 một trường tại Tân Bình than phiền: “Cháu về thông báo trường tổ chức tham quan du lịch ngoại tỉnh, chi phí là 1.100.000 đồng một bạn. Có làm bài thu hoạch về nộp để cộng vào cột điểm môn học chính khóa. Nếu không đi được chuyến này, trường sẽ tổ chức một chuyến tham quan khác trong địa phận thành phố với chi phí thấp hơn. Tôi thật sự không muốn cho cháu đi tham quan ngoại tỉnh, các cháu lại đang tuổi mới lớn, thầy cô khó thể kiểm soát được. Vả lại mới lo xong học phí, quỹ hội, nay thêm tiền tham quan du lịch, nhà khá giả thì không sao, những nhà chạy ăn từng bữa biết lấy gì mà lo đầy đủ cho con”.
Xử lý nghiêm hiệu trưởng trường nếu thu chi sai quy định
Trao đổi với phóng viên Ngày Nay, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM (GD&ĐT) cho biết, đã có văn bản chấn chỉnh công tác quản lý thu chi các khoản tiền tại các trường từ bậc mầm non đến PTTH, trong năm học 2020 – 2021. Theo đó, các Phòng GD&ĐT quận, huyện cần phải tham mưu cho UBND các quận huyện, chỉ đạo các phòng ban có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát, thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi tại các cơ sở giáo dục trực thuộc phân cấp. Đồng thời, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định. Có hình thức xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng các cơ sở giáo dục thực hiện thu chi không đúng quy định.
Phiếu báo học phí và các khoản thu hộ, thu thỏa thuận của một trường THCS |
Về vấn đề thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong văn bản chỉ đạo của ông Lê Hoài Nam đến các trường mầm non, THCS, THPT, Sở đã nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban.
Sở GD&ĐT TP.HCM cũng quy định rõ, Ban đại diện cha mẹ học sinh không thu các khoản sau: Bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Mới đây, Văn phòng UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức về việc chấn chỉnh thực hiện nghiêm các khoản thu trong năm học 2020-2021. Theo đó, người đứng đầu cơ sở giáo dục sẽ bị xử lý nghiêm nếu để xảy ra lạm thu. Đồng thời sẽ công khai việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn sai phạm nghiêm trọng về thu chi
Sáng 11/11/2020, Thanh tra UBND quận Tân Bình đã công bố kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND quận Tân Bình về hoạt động tài chính tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn. Theo đó, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Yến, đã để ngoài sổ sách kế toán hơn 700 triệu đồng. Cụ thể là các khoản thu: Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tai nạn học sinh, Sổ liên lạc điện tử, Anh văn tự chọn, trực tiếp quản lý và sử dụng khoản thu Sổ liên lạc điện tử, Anh văn tự chọn. Ngoài ra, bà Yến còn sai phạm về việc công khai tài chính; không chấp hành các quy định về chứng từ, sổ sách kế toán; sai phạm về chi trả tiền lương, chi trả tiền thừa cho phụ huynh học sinh…
Sau khi có kết luận về xử lý hành vi để ngoài sổ sách kế toán của bà Yến, Trưởng phòng Nội vụ quận tham mưu thành lập Hội đồng kỷ luật quận để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với bà Yến và các cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, sử dụng tài chính tại trường.