Nhóm nghiên cứu từ Đại học Cornell, Mỹ vừa công bố thành tựu trên tạp chí Plos ONE vào hôm 9/12.
Thành công này là tiền đề cho việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm, hỗ trợ cho các nghiên cứu nhằm chống lại bệnh tật ở người và động vật, các nhà nghiên cứu cho biết.
7 con chó chào đời khỏe mạnh từ 19 phôi thai cấy vào bụng một con chó cái. Những con chó này thuộc giống chó săn thỏ và chó săn lai spaniel.
Chúng được sinh ra cùng một lứa nhưng có 3 cặp bố mẹ khác nhau. Phôi thai đông lạnh được cấy vào con chó cái trong đúng chu kỳ sinh sản, sử dụng kỹ thuật tương tự như với con người.
Trước đây, các nhà khoa học gặp phải nhiều khó khăn đối với phôi đông lạnh, nhưng nhóm nghiên cứu lần này cho biết họ đã khắc phục hoàn toàn được vấn đề này và cải thiện một số kỹ thuật khác.
Trưởng nhóm nghiên cứu, phó giáo sư Alex Travis ở Trường thú y thuộc Đại học Cornell cho biết: “Chúng tôi có thể đông lạnh và lưu giữ tinh trùng, sau đó dùng chúng để thụ tinh nhân tạo. Ngoài ra, chúng tôi còn có thể đông lạnh tế bào trứng. Với kỹ thuật này, chúng ta có thể bảo tồn gen của động vật có nguy cơ tuyệt chủng”.
Các nhà khoa học có thể loại bỏ gen gây bệnh ra khỏi phôi thai nhờ sự phát triển của công nghệ biến đổi gen, từ đó giúp ngăn chặn khuyết tật gen trước khi nó hình thành.
Kể từ giữa những năm 1970, nhiều người đã cố gắng áp dụng phương pháp này trên chó nhưng không thành công.
Phó giáo sư Travis cho biết thành công lần này là một dấu mốc quan trọng đối với khoa học, đặc biệt là y học.
7 chú chó con mới ra đời có thể trạng sức khỏe rất tốt. Chúng được sinh ra vào mùa hè năm nay nhưng các nhà nghiên cứu quyết định giữ kín mọi thông tin cho tới khi chúng ra đời sau khi thử nghiệm thành công phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện tại, 7 chú chó đã được chuyển tới những gia đình nhận nuôi khác nhau.
Danh Tuyên (theo BBC)