Làn sóng hải qui - thành công trong thu hút nhân tài của Trung Quốc

[Ngày Nay] - Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra những cơ hội đầy hấp dẫn đối với các nhân tài xa xứ...
Chợ đồ điện tử Huaqiangbei.
Chợ đồ điện tử Huaqiangbei.

Giống như rất nhiều nước đang phát triển khác, Trung Quốc đã phải chịu tình trạng chảy máu chất xám trong nhiều thập kỷ khi những nhân tài triển vọng nhất của nước này đi ra nước ngoài học tập và làm việc. Cuộc cách mạng công nghệ và sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ đã thu hút các nhân tài đến với những “miền đất hứa” như Thung lũng Silicon của Mỹ.

Nhà máy vẫn hoạt động tới 10, 11 giờ tối, đôi khi là tới nửa đêm. Công nhân làm việc cả những ngày cuối tuần, bởi vậy hàng hóa được sản xuất ra nhanh chóng hơn. Trong khi tại San Francisco, sau 5 giờ chiều sẽ không còn ai giải quyết công việc và chúng ta sẽ phải đợi đến ngày hôm sau”. Gui - một du học sinh về Trung Quốc lập nghiệp

Nhưng giờ đây, gió đang đổi chiều. Rất nhiều nhân tài đang lựa chọn quay trở lại quê hương với nhiều lý do khác nhau: Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung khiến nhiều người Trung Quốc không còn cảm thấy thoải mái sinh sống và làm việc tại nước Mỹ, việc lấy thị thực lao động tại Mỹ ngày càng trở nên khó khăn hơn… Tuy nhiên, lý do hàng đầu là Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra những cơ hội đầy hấp dẫn đối với các nhân tài xa xứ. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, khi Thung lũng Silicon giờ đang ngày càng trở nên lép vế trước các tụ điểm công nghệ mới nổi của Trung Quốc như Thâm Quyến và Bắc Kinh.

Làn sóng “hải qui”

Giữa những sạp hàng bày đầy ổ cứng máy tính, thẻ nhớ, đèn LED và muôn thứ linh kiện công nghệ khác, Jason Gui tìm thấy thứ mà anh cần: một lô pin cỡ siêu nhỏ.

Làn sóng hải qui - thành công trong thu hút nhân tài của Trung Quốc ảnh 1

Nhiều người trẻ Trung Quốc về nước làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Cộng sự của anh, cô Tiantian Zhang, rút ngay chiếc điện thoại thông minh của mình ra và thanh toán tiền lô pin trên ứng dụng WeChat - một ứng dụng nhắn tin tích hợp thanh toán điện tử phổ biến nhất tại Trung Quốc.

Khu chợ bán buôn đồ công nghệ nhộn nhịp này nằm ở Huaqiangbei, một khu ngoại ô của thành phố Thâm Quyến vốn được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của phần cứng”.

Đối với Gui, thì Thâm Quyến còn hơn cả như vậy.

Làn sóng hải qui - thành công trong thu hút nhân tài của Trung Quốc ảnh 2

Thung lũng Silicon đã “hơi lạc hậu đối với chúng tôi”, Gui chia sẻ tại góc làm việc của mình tại Trung tâm Hỗ trợ Đổi mới Hax - một chiếc nôi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Thâm Quyến. “Nếu làm những việc này ở Mỹ, thì bạn cũng sẽ phải nhập khẩu chính những linh kiện này từ Trung Quốc mà thôi”.

Gui, 28 tuổi, và Zhang, 30 tuổi, được gọi là “hải qui” - một từ dùng để gọi những công dân Trung Quốc đi du học và quay trở về Trung Quốc làm việc.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm 2017 có khoảng 80% du học sinh Trung Quốc về nước làm việc, tăng 33% so với 10 năm trước đó. Trong số đó, có 15% “hải qui” làm việc trong lĩnh vực công nghệ đang nở rộ tại đất nước này. Làn sóng du học sinh Trung Quốc trở về quê hương đang diễn ra mạnh mẽ đến nỗi nhiều nhà quan sát lo ngại rằng nước Mỹ sẽ phải đối mặt với tình hình “chảy máu chất xám ngược” khi Trung Quốc ngày một trở nên hấp dẫn các nhân tài hơn.

Từ Thung lũng Silicon đến Thâm Quyến

Làn sóng hải qui - thành công trong thu hút nhân tài của Trung Quốc ảnh 3

Gui và Zhang trở về Trung Quốc để sáng lập một công ty riêng có tên là Vue sau khi tốt nghiệp Đại học Pennylvania, Hoa Kỳ, vào năm 2013. Cùng với một nhà đồng sáng lập người Mỹ, họ sản xuất kính thông minh có thể theo dõi hoạt động của người dùng và kết nối tới điện thoại thông minh để chơi nhạc hoặc nhận các cuộc gọi. Nguồn hàng linh kiện phong phú với giá cả phải chăng cho phép họ làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh trong một thời gian rất ngắn.

Trước khi trở về Trung Quốc, Gui và Zhang đã tới lập nghiệp tại San Francisco. Nhưng những gì họ làm được trong một năm tại thành phố này cũng không bằng thành quả trong ba tháng tại Thâm Quyến.

Làn sóng hải qui - thành công trong thu hút nhân tài của Trung Quốc ảnh 4

Văn phòng của Gui và Zhang nằm ngay cạnh chợ bán buôn linh kiện điện tử, và nhà máy của họ cũng chỉ cách đó một giờ lái xe. Khoảng cách thuận tiện đã giúp họ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Và nhịp sống tại Thâm Quyến cũng sôi động hơn.

“Người lao động ở đây làm việc chăm chỉ tới tận khuya”, Gui cho biết. “Nhà máy vẫn hoạt động tới 10, 11 giờ tối, đôi khi là tới nửa đêm. Công nhân làm việc cả những ngày cuối tuần, bởi vậy hàng hóa được sản xuất ra nhanh chóng hơn. Trong khi tại San Francisco, sau 5 giờ chiều sẽ không còn ai giải quyết công việc và chúng ta sẽ phải đợi đến ngày hôm sau”.

Những điều không thể có ở Thung lũng Silicon

Tại Trung Quốc, các công ty khởi nghiệp cũng có điều kiện tối ưu hóa nguồn vốn của mình hơn nhờ vào nguồn lao động và tài nguyên giá rẻ.

Làn sóng hải qui - thành công trong thu hút nhân tài của Trung Quốc ảnh 5

Wang Meng Qiu, một chủ doanh nghiệp khởi nghiệp có bằng TS tin học của Đại học Stanford và từng làm việc cho Facebook và Twitter tại Thung lũng Silicon trước khi chuyển đến ngoại ô Thượng Hải để sáng lập công ty Zero Zero Robotics chuyên sản xuất máy bay không người lái.

Wang cho biết số tiền bỏ ra để trả lương cho doanh nghiệp 40 nhân công của mình trong hai năm chỉ là 700.000 USD.

“Ở Thung lũng Silicon thì không có giá đó”, Wang nói.

Tuy nhiên, kể từ khi Wang thành lập công ty của mình vào năm 2014 cho tới nay, khoảng cách thu nhập giữa Thung lũng Silicon và Trung Quốc đang được rút ngắn, đặc biệt là tại những hãng tên tuổi. Các kỹ sư của Wang giờ đây có thu nhập tương đương 70 đến 80% thu nhập của các đồng nghiệp ở Mỹ.

Làn sóng hải qui - thành công trong thu hút nhân tài của Trung Quốc ảnh 6

Chính điều này đã giúp Wang thu hút được thêm các kỹ sư tốt nghiệp từ Mỹ giống như anh. Một thập kỷ trước, nếu bạn là kỹ sư tin học, “nơi duy nhất bạn có thể kiếm được nhiều tiền là nước Mỹ”, Wang nói. “Nhưng giờ đây các doanh nghiệp Trung Quốc đang trả mức lương tương đương, thậm chí còn cao hơn các doanh nghiệp Mỹ”.

Wang cho biết, với những người muốn theo đuổi sự nghiệp giảng viên đại học thì nước Mỹ vẫn là nơi lý tưởng. Tuy nhiên, với những người muốn tạo ra sản phẩm và đạt được thành công về mặt thương mại, Trung Quốc đang chiếm ưu thế với kinh nghiệp sản xuất, khả năng tiếp cận vốn và thị trường tiêu thụ rộng lớn.

“Chúng tôi không nhanh nhạy trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và phát minh cốt lõi, nhưng trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thì Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới”, Wang khẳng định.

Thị trường hấp dẫn

Lý do tương tự cũng đã chỉ đường cho Wang Yi, một TS tin học tốt nghiệp Đại học Princeton (Mỹ) năm 2009. Sau khi thử việc tại hãng Google ở San Francisco, Wang ôm mộng sản xuất ra sản phẩm phần mềm của chính mình: một ứng dụng cho người học ngoại ngữ cung cấp chương trình học có tính cá nhân hóa cao.

Làn sóng hải qui - thành công trong thu hút nhân tài của Trung Quốc ảnh 7

Wang cho biết anh cần một “thị trường rộng lớn” nơi nhu cầu khách hàng đã trở nên rõ ràng.

Trung Quốc chính là thị trường phù hợp - tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ đạt 550 triệu người vào năm 2022. Số tiền trung bình đầu tư vào giáo dục của thanh niên 20 tuổi ở Trung Quốc nhiều gấp đôi ở nước Mỹ.

Wang Yi giờ đây sống ở Thượng Hải và điều hành ứng dụng LingoChamp, một sản phẩm anh đưa ra thị trường năm 2012 cùng với hai chuyên gia Silicon Valley khác. Ứng dụng này hiện có kho người dùng Trung Quốc nhiều nhất thế giới với hơn 80 triệu người dùng đã đăng ký.

Việc vận hành tại Trung Quốc không gây cản trở gì cho tham vọng muốn hiện diện tại thị trường Hoa Kỳ của Wang Yi. Ứng dụng LingoChamp đã được niêm yết trên Thị trường Chứng khoán New York từ năm ngoái. Tương tự với trường hợp của công ty máy bay không người lái Zero Zero Robotics - có tới một nửa đơn hàng của công ty này đến từ các khách hàng Hoa Kỳ.

Nhưng Wang cho biết anh không vội vàng muốn trở lại nước Mỹ.

“Trung Quốc mang tới nhiều cơ hội hơn”, anh nói.

Vai trò của chính phủ

Những cơ hội đầy hấp dẫn là kết quả trực tiếp của chính sách mà chính phủ Trung Quốc tiến hành nhiều năm theo, theo đó khuyến khích đầu tư trực tiếp trong các lĩnh vực như giáo dục và hạ tầng công nghệ. Cùng lúc, chính phủ đã đặt ra những mục tiêu hỗ trợ chính sách rất cụ thể, ví dụ như mục tiêu trở thành tụ điểm trí tuệ nhân tạo của toàn thế giới. Chính những điều này đã thúc đẩy sự hình thành của một hệ sinh thái công nghệ phong phú được xây dựng trên thành công của những ông lớn công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei và Alibaba.

Nếu trước kia những nhà khoa học tài năng nhất của Trung Quốc thường tìm kiếm cơ hội nghiên cứu và làm việc tại nước ngoài, thì giờ đây, họ chỉ ở nước ngoài để thu thập kinh nghiệm trước khi trở về làm việc tại những viện nghiên cứu và nhà máy sản xuất đẳng cấp ngang tầm quốc tế. Sức mạnh có được từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa khối nhà nước và khối tư nhân để cùng hướng tới một mục tiêu đã mang đến thành công vang dội trong việc thu hút nhân tài trở về cống hiến cho đất nước. 

Thành công trong việc ngăn chảy máu chất xám, thu hút nhân tài của Trung Quốc đang đặt ra những bài học cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Rất cần đến chiến lược cụ thể để xây dựng một hệ sinh thái vững mạnh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, và cũng rất cần đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra những lĩnh vực thế mạnh và đưa ra những ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài.

Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
(Ngày Nay) - Ngày 23/12, tại Nhà văn hóa thị xã Duy Tiên (Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.