Đây là chương trình lớn, đặc sắc, nhằm tôn vinh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật Khèn của người Mông và giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc; tôn vinh, giới thiệu giá trị ẩm thực phong phú, đặc sắc của ba miền Bắc – Trung – Nam và tinh hoa ẩm thực của Nhật Bản, Trung Quốc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm vượt khó của tỉnh Hà Giang đã và đang có nhiều đổi thay tích cực với nhiều sự đổi mới, sáng tạo trong xây dựng đời sống mới trong cộng đồng các dân tộc thiểu số;; phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, đồng bào dân tộc Mông có số dân đông nhất, chiếm trên 31% tổng dân số ca tỉnh. Đối với người Mông, từ lâu chiếc khèn đã trở thành nhạc cụ gắn bó với đời sống sinh hoạt và là biểu tượng độc đáo trong nét đẹp văn hóa truyền thống. Năm 2015, Khèn Mông của tỉnh Hà Giang đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã góp phần vinh danh Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đầu tiên của Việt Nam và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo của địa phương.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến văn hóa ẩm thực của Hà Giang rất đa dạng, phong phú và có nét đặc trưng riêng, hòa mình cùng các vùng miền trên cả nước, đóng góp phần quan trọng trong việc lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế, là sản phẩm du lịch quan trọng, hấp dẫn và nhiều màu sắc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
“Nhân sự kiện Festival Khèn Mông và Lễ hội văn hóa ẩm thực ba miền Bắc - Trung – Nam, thay mặt Bộ VHTTDL, tôi trân trọng ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm của tỉnh Hà Giang trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, chú trọng lấy văn hóa để phát triển du lịch và lấy phát triển du lịch để bảo tồn văn hóa, tạo ra các giá trị mới trong phát triển. Tôi tin tưởng rằng sự kiện Festival Khèn Mông và Lễ hội văn hóa ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam sẽ hướng tới mục tiêu tôn vinh những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc; là nơi giao lưu, gặp gỡ, giới thiệu các sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh Hà Giang cũng như các vùng miền trong cả nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ du lịch Việt Nam theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” như Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Du lịch toàn quốc 2023 vừa qua tại TP.Hà Nội”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định.
Là tỉnh miền núi, biên giới, cực Bắc của Tổ quốc; là nơi hội tụ cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, cùng hệ thống di sản địa chất, di tích lịch sử, giá trị văn hóa phong phú, đa dạng. Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã tăng cường kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy di sản và bản sắc văn hóa các dân tộc.
Hà Giang đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Lượng khách đến với Hà Giang tăng nhanh; năm 2022 đạt 2 triệu 268 nghìn lượt khách; năm 2023, 4 tháng đầu năm đạt 931 nghìn lượt khách, dự kiến cả năm đạt trên 3 triệu lượt khách. Đặc biệt, Hà Giang vừa vinh dự được đề cử tại hạng mục: Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á do Giải thưởng Du lịch Thế giới WTO bình chọn; trước đó Hà Giang cũng vinh dự được Tạp chí New York Times bình chọn, xếp thứ 25 trong danh sách 52 điểm đến tuyệt vời cho du khách toàn cầu khám phá trong năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, đây là sự kiện lớn, đặc sắc, quy tụ tinh hoa văn hóa, ẩm thực trong nước và quốc tế, lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Hà Giang. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ liên kết liên kết giữa Hà Giang với các tỉnh, thành, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành, du lịch trên cả nước; cùng chung tay xây dựng các sản phẩm, tuyến du lịch mới; mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế; hướng tới thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển du lịch bền vững, góp phần không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức hút của du lịch Việt Nam.
Đến với Festival lần này, du khách sẽ có dịp trải nghiệm, đắm chìm trong không gian văn hóa các dân tộc, thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề Mùa xuân Cao nguyên; tìm hiểu sự tích cây Khèn Mông, thưởng thức tiếng Khèn Mông, là biểu tượng, kết tinh văn hóa từ ngàn đời của đồng bào dân tộc Mông nơi rẻo cao, núi đá; cùng tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc, các trò chơi dân gian, mua sắm các sản phẩm đặc trưng địa phương.
Đến với lễ hội ẩm thực, người dân và du khách đặc biệt thưởng thức tinh hoa ẩm thực, các món ngon, đặc sản do các nghệ nhân, đầu bếp xuất sắc đến từ Hà Giang, 14 tỉnh trên 3 miền Bắc – Trung – Nam, Nhật Bản và Trung Quốc thực hiện. Trong đó, có các món ăn mới, đặc sắc, chế biến từ cây lương thực truyền thống của Hà Giang như phở Ngô, các món ăn từ Tam giác mạch. Hơn 60 gian hàng tham gia lễ hội ẩm thực đến từ Cà Mau, Phú Yên, Cần Thơ, TP.HCM, Khánh Hoà , Bình Định, các tỉnh trong nhóm hợp tác phát triển du lịch gồm Lào Cai, Sơn La. Điện Biên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang; Hiệp hội ẩm thực Nhật Bản và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc… Riêng Hà Giang góp mặt với 24 gian hàng của các huyện, đơn vị trong tỉnh với những món ăn đặc sắc như cháo ấu tẩu, xôi ngũ sắc, thắng cố, lạp xường....
Theo lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Festival lần nhằm này khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang cũng như của nhân dân các dân tộc trên ba miền đất nước. Đây cũng là dịp để nhân dân trong tỉnh cùng du khách thập phương tham gia Ngày hội, được giao lưu, trao đổi, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và trân quý những di sản văn hóa nghệ thuật, văn hóa ẩm thực mà cha ông để lại cũng như có ý thức trách nhiệm trong việc “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”.