Sức mạnh mềm trong văn hoá tạo nên sức mạnh tổng hợp
Theo Đại sứ Dương Văn Quảng, “Quyết tâm về mặt chính trị là rất quan trọng nhưng để làm tốt công tác đối ngoại đa phương ở một tổ chức quốc tế chuyên biệt như UNESCO, cán bộ ngoại giao cần nhiều hơn thế, nhất là những hiểu biết về văn hoá và hệ giá trị văn hoá”.
“Trong quan điểm cũng như những văn kiện của Đảng liên quan đến công tác đối ngoại, ngoại giao văn hoá được nhìn nhận là một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nguồn lực nội sinh của sự nghiệp phát triển bền vững đất nước”, Đại sứ Dương Văn Quảng cho biết.
Đại sứ Dương Văn Quảng nhấn mạnh, khi nói ba trụ cột, có nghĩa là mỗi một trụ cột có mục tiêu, nhiệm vụ và phương thức hoạt động riêng, nhưng cả ba trụ cột đó đều góp phần hình thành nền ngoại giao Việt Nam toàn diện như hiện nay, trong đó chính trị là nền tảng cốt lõi, kinh tế là trọng tâm, và văn hoá chính là động lực. “Theo quan điểm của tôi, ngoại giao văn hóa là tiến trình tương tác hai chiều về văn hóa, dựa trên quyền lực mềm của văn hóa, nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu chính trị được xác định cho từng thời kỳ, từng sự kiện. Ngoại giao văn hoá luôn luôn gắn với sức mạnh mềm, và trong sức mạnh mềm luôn luôn có thành tố văn hoá và hệ giá trị văn hoá Việt Nam”, ông chỉ rõ.
Ông giải thích thêm, văn hoá là hiện tượng xã hội, gắn liền lịch sử dân tộc sản sinh ra nó và lịch sử chung của nhân loại. Nó vừa là tri thức vừa là lối sống, đồng thời các hệ quy chiếu của nó chứa đựng cả giá trị vật chất và tinh thần, tính dân tộc, tính nhân loại và tính lịch sử. Hệ giá trị văn hóa Việt nam bao gồm những giá trị tinh thần và vật chất phản ánh tri thức, trí tuệ và tình cảm, cũng như lối sống và cách sống, truyền thống và tín ngưỡng của con người Việt Nam. Hệ giá trị này được phát huy một cách sáng tạo ở từng giai đoạn lịch sử dân tộc và luôn cần được cập nhật và đổi mới phù hợp với bối cảnh quốc gia và quốc tế.
Đại sứ Dương Văn Quảng. |
“Trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển đất nước, để phát huy được sức mạnh mềm về văn hoá, Việt nam rất cần phát huy được các hệ giá trị của văn hoá quốc gia. Để làm được điều này hiện nay, đất nước chúng ta đang có hai chiến lược: một là, Chiến lược Ngoại giao văn hoá, và hai là, Chiến lược Văn hoá đối ngoại. Đây là hai văn bản quan trọng nhất, đồng thời cũng là hai “công cụ về mặt lý luận” để Việt Nam phát huy được hệ giá trị văn hoá của quốc gia dân tộc trên trường quốc tế”, Đại sứ Dương Văn Quảng khẳng định.“Ngoài ra, để phát huy được sức mạnh mềm này, Việt Nam cũng cần huy động sự tham gia tổng lực của cả hệ thống chính trị, trong đó tiên phong là các nhà ngoại giao, các nhà văn hoá”.
Theo Đại sứ Dương Văn Quảng: “Nếu hội nhập quốc tế nói chung đòi hỏi mỗi quốc gia phải vượt qua chính mình thì hội nhập văn hóa lại càng khiến cho chúng ta phải trăn trở hơn, bởi lẽ một mặt nó đòi hỏi nhận thức sâu sắc và thống nhất về mọi phương diện, mặt khác cần có một quá trình chuẩn bị và lựa chọn nội dung tham gia theo lộ trình hội nhập được hoạch định với những bước đi cụ thể. Hơn nữa, hội nhập văn hóa là vô hình, nên nỗi ám ảnh “mất bản sắc” luôn là vấn đề quan ngại của các nước yếu thế”.
Đại sứ lưu ý thêm, công tác ngoại giao văn hoá phải hướng đến ba mục đích, trước hết là thúc đẩy sự giao lưu văn hoá, tiếp đến tạo ra được sự tiếp biến văn hoá và cuối cùng là chống lại những quan điểm sai trái về văn hoá, đặc biệt là quan điểm coi văn hoá như một nguyên nhân dẫn đến các xung đột hiện nay trong quan hệ quốc tế.
“Nhận thức cho rằng trên thế giới, tồn tại “văn hoá lớn” và “văn hoá bé” hoàn toàn đi ngược lại với quan điểm của UNESCO, duy chỉ tồn tại sự đa dạng về biểu đạt văn hoá bởi giá trị văn hoá giữa các nền văn hoá là như nhau. Chính vì vậy, ngoại giao văn hoá Việt Nam cần góp phần lan toả rộng hơn bản sắc riêng của văn hoá Việt Nam, phát huy những giá trị văn hóa chung của nhân loại, và đồng thời phải bảo vệ sự đa dạng trong biểu đạt văn hoá”.
Nhận thức sâu sắc hơn về sứ mệnh của UNESCO
Theo Đại sứ Dương Văn Quảng, thành công mới nhất của công tác ngoại giao văn hoá nước ta chính là sự kiện quần thể Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới trong khuôn khổ Công ước 1972 vào tháng 9/2023. Đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt, khi mà Vịnh Hạ Long trước đó đã hai lần được ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới, và đây cũng là di sản liên vùng đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Quần thể Vịnh Hạ Long. |
“Vinh dự chắc chắn luôn đi cùng trách nhiệm”, Đại sứ Dương Văn Quảng lưu ý. Chúng ta phải bảo tồn được các giá trị văn hoá của di sản để nó không bị mai một đi, lan toả sự tồn tại của những di sản và những giá trị văn hoá đó không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia khác trên toàn thế giới. Bên cạnh cơ hội để quảng bá văn hoá, hình ảnh, phát triển du lịch, song song với đó, Việt Nam cũng cần tuân thủ theo những tiêu chí, nguyên tắc của UNESCO về di sản, vừa khai thác nhưng cũng vừa phải bảo vệ, bảo tồn di sản, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, từ đó nâng cao được vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Chúng ta có quyền lợi, nhưng đồng thời cũng phải có nghĩa vụ, có trách nhiệm với danh hiệu di sản đó”.
Việt Nam hiện đang là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, cơ quan thực thi quan trọng nhất của UNESCO, đồng thời đảm nhận nhiều trọng trách khác tại các cơ chế của UNESCO, như Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Trong năm nay, Việt Nam cũng tiếp tục vận động ứng cử vào Ủy ban di sản thế giới nhiệm kỳ 2023- 2027 thuộc Công ước 1972.
“Đây là những minh chứng cho thấy Việt Nam đã thể hiện được vai trò của một “thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm” trong đối ngoại đa phương tại một tổ chức quốc tế quan trọng như UNESCO, cũng như vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế. Chữ trách nhiệm ở đây được thể hiện qua chính những đóng góp của Việt Nam cả về mặt nhân lực, vật lực và những ý tưởng sáng tạo được đưa ra”, Đại sứ Dương Văn Quảng chia sẻ.
Quần thể di tích Cố đô Huế. |
Ông nhấn mạnh rằng UNESCO giống như một "phòng thí nghiệm” của thế giới, một “túi khôn” huy động và tập hợp được mọi “chất xám” nhằm đưa ra được những ý tưởng độc đáo, những giải pháp đa năng vì sự tiến bộ chung của nhân loại. “Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu về ngoại giao văn hoá tại UNESCO, trong đó tập trung vào hai vấn đề lớn, thứ nhất là di sản và danh hiệu di sản, thứ hai là tích cực tham gia vào các cơ chế của UNESCO. Cho đến bây giờ, chúng ta đã làm tốt rồi, nhưng nếu muốn làm tốt hơn nữa trong thời gian gian tới, trước hết Việt Nam cần nhận thức đầy đủ, toàn diện và sâu rộng hơn về sứ mệnh của UNESCO”, Đại sứ Dương Văn Quảng nhận định.
“Chúng ta mạnh trong công tác ngoại giao văn hoá về di sản nhưng cần nhận thức được rằng sứ mệnh của UNESCO không chỉ có văn hoá, mà bên cạnh đó còn có giáo dục, khoa học và truyền thông. Tuy nhiên, không chỉ nhận thức mà chúng ta cũng cần phải dấn thân trong hành động, đẩy mạnh hơn sự phối hợp, hợp tác liên ngành, đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam”.
Bên cạnh đó, Đại sứ cho rằng yếu tố về con người cũng đóng vai trò rất quan trọng. Việt Nam cần có các chuyên gia thực thụ về các lĩnh vực của UNESCO, đặc biệt họ phải am hiểu về quan hệ quốc tế, về UNESCO và nhận thức một cách đầy đủ và hòa về lợi ích trong thời kỳ hội nhập quốc tế, giữa lợi ích của quốc gia mình, đan xen với lợi ích của các quốc gia khác cũng như lợi ích chung của toàn nhân loại.
“Quyết tâm về mặt chính trị là rất quan trọng nhưng để làm tốt được công tác đối ngoại đa phương ở một tổ chức quốc tế chuyên biệt như UNESCO, cán bộ ngoại giao cần nhiều hơn thế, nhất là những hiểu biết về văn hoá và hệ giá trị văn hoá”, Đại sứ Dương Văn Quảng nói.