SEA Games 30 đại thắng, cả làng thể thao rủng rỉnh
Năm ngoái, với chiến tích giành 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ, đoàn thể thao Việt Nam đã nhận được số tiền thưởng lên tới gần 25 tỷ đồng, Kèm theo đó là cả chục tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân thưởng cho một số đội, tuyển thủ ưu tú. Chưa kể, số tiền thưởng từ các giải đấu theo môn khác không dưới 20 tỷ đồng.
Cử tạ và đấu kiếm là hai ĐTQG duy nhất còn kịp xuất ngoại dự tranh một giải khi dịch Covid chưa bùng phát. Tại World Cup trên đất Italia hồi tháng 2, các lực sĩ cử tạ đoạt được 10 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ. Còn các cung thủ cũng giành 3 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ tại giải bắn cung vô địch châu Á.
Khi đó, cả làng thể thao Việt vui và riêng các tuyển thủ quốc gia đều rủng rỉnh. Chỉ tính riêng SEA Games, gần 500 tuyển thủ nhận thưởng ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có tới vài chục gương mặt xuất sắc lĩnh 150- 200 triệu đồng mà đứng đầu là kình ngư Ánh Viên với gần 800 triệu đồng.
Những người ít nhất, dù chỉ giành 1 HCĐ cũng có 20 - 25 triệu đồng đủ để lo cho bản thân và gia đình một cái Tết tươm tất. Đó là lý do vì sao các VĐV vẫn thích đấu trường SEA Games và những năm có SEA Games nhất. Đơn giản vì “hội làng” SEA Games là nơi một số lượng khổng lồ tuyển thủ của hàng loạt môn được dự tranh, chuẩn bị ngắn hạn, dễ dàng giành thành tích và có tiền thưởng. Như một nếp quen, giới truyền thông và người hâm mộ, các nhà tài trợ cũng quan tâm và ưu tiên nhất SEA Games cùng thành tích ở sân chơi khu vực này.
Năm Olympic đã khó còn dính bão COVID-19
Tổng kết của giới chuyên môn cho thấy, chuyện thu nhập, gắn trực tiếp với tiền thưởng của VĐV Việt Nam lâu nay luôn có thực tế, cao vút vào năm lẻ khi có SEA Games và tụt thê thảm vào năm khi có Asian Games và Olympic.
Nguyên nhân quá dễ hiểu bởi số tuyển thủ Việt Nam tham dự và giành được huy chương ở Asian Games và đặc biệt Olympic là quá ít. Theo thống kê, mức thưởng thành tích của những năm Asian Games so với năm SEA Games giảm từ 4- 6 lần. Riêng Olympic thì rõ hơn. Đơn cử kỳ Thế vận 2016, thể thao Việt Nam chỉ có 23 tuyển thủ giành quyền tham dự, và duy nhất xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt huy chương (1 Vàng, 1 Bạc). Trong những năm này, vẫn có một số trường hợp lĩnh thưởng tiền tỷ hay vài trăm nhiều nhờ thành tích ở các giải đấu thế giới, châu lục song số này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sự thật phũ phàng của năm Olympic 2020 cũng đã được làng thể thao tính đến, thậm chí số người và khả năng đoạt huy chương được đánh giá còn kém hơn nhiều so với Rio 2016. Trong khi đó, năm nay, ngành thể thao vẫn duy trì một lực lượng tuyển thủ rất lớn của 30 môn tập huấn chuẩn bị cho các mục tiêu khác nhau.
Các VĐV đã tính trước năm 2020 sẽ gian khó nhưng họ không thể ngờ còn dính thêm “bão” COVID-19. Đến thời điểm này, tất cả các giải đấu quốc tế theo môn, nơi họ có thể hi vọng đoạt huy chương để có thưởng đều bị hoãn hay hủy. Và điều này còn có thể kéo dài hết năm, thậm chí lâu hơn thế.
Hiện cả làng thể thao Việt, kể cả các tuyển thủ quốc gia, giờ chỉ còn trông cả khoản tiền công tính theo ngày tập, 200-250 nghìn đồng/ngày. Một số ngôi sao lĩnh thưởng đáng kể năm rồi còn có thể xoay sở để lo được một số việc cho bản thân và gia đình, còn lại đều đang “mếu”. Dù vẫn biết đây là khó khăn chung, phải cố gắng vượt qua song các VĐV đều ngán ngẩm trước tình cảnh chưa từng trải qua, chỉ tập chay không thi đấu, không xuất ngoại, chẳng tiền thưởng.
Giờ các VĐV chỉ mong dịch sớm được kiểm soát tại Việt Nam để chí ít cũng được thi đấu ở các giải trong nước, nhằm lấy lại cảm giác và thể lực. Như các võ sĩ ở ĐTQG karatedo, họ vẫn đang miệt mài tập luyện song chưa được đấu bất cứ giải nào từ đầu năm. Có lẽ lời than thở quen thuộc nhất của các VĐV Việt Nam trong hoàn cảnh này là “bao giờ cho đến SEA Games?!”