Đoàn đã kiểm tra thực địa và làm việc với các địa phương tại xã Vạn Thạnh, khu vực Đèo Cả - xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh); phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa.
Tại xã Vạn Thạnh, tính đến trưa 10/11, công tác di dời 34.363 lồng, 918 bè nuôi trồng thủy hải sản đến nơi an toàn đã thực hiện được 90%. Vạn Thạnh cũng có gần 2.000 tàu thuyền, chủ yếu là tàu nhỏ hoạt động gần bờ; các tàu đã được sắp xếp, neo đậu đảm bảo an toàn. Còn tại Đèo Cả - xã Đại Lãnh có 1 vị trí sạt lở đất, đe dọa trực tiếp đến 16 hộ dân với 40 người. Đến trưa 10/11, Ủy ban nhân dân xã Đại Lãnh đã vận động, di dời người già và trẻ em đến nhà kiên cố của người dân, chỉ còn lại thanh niên trông giữ tài sản sẽ di dời trước 15 giờ ngày 10/11.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Vạn Ninh, toàn huyện có trên 40.000 ô lồng của 1.277 hộ nuôi trồng thủy sản. Đến thời điểm hiện tại, 100% lồng bè đã được di dời vào nơi kín gió, 2.688 lao động trên các lồng bè này đều đã cam kết sẽ di dời lên bờ trước 15 giờ ngày 10/11. Toàn huyện có 1.576 tàu thuyền đang neo đậu an toàn; trong đó có 19 tàu vãng lai. Huyện Vạn Ninh có 20 vị trí xung yếu, tràn giao thông và điểm có khả năng ngập sâu đã được phân công lực lượng sẵn sàng chốt chặn. Bên cạnh đó, huyện Vạn Ninh dự kiến di dời 583 hộ với 2.056 người tại khu vực nguy hiểm. Hiện tại các địa phương đã vận động người dân di dời người già, trẻ em có giá trị đến nhà người thân.
Đoàn cũng đã kiểm tra công tác sắp xếp tàu thuyền neo đậu tránh trú bão tại phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa. Tại đây hiện có trên 300 tàu thuyền lớn, nhỏ neo đậu trong đó chủ yếu tàu của ngư dân thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Sức chứa của khu neo đậu này khoảng 400 tàu. Các tàu đã được sắp xếp gọn gàng, chằng néo chắc chắn. Đối với công tác di dời dân phường Ninh Hải đã xây dựng chi tiết phương án di dời người dân ở thôn Đông Hải, trong đó đặc biệt lưu ý tới 100 hộ, 350 người dân sinh sống ở khu vực xung yếu, sóng biển khu vực này thường rất lớn, đánh trực tiếp vào nhà dân khi có gió bão.
Toàn thị xã Ninh Hòa có 985 tàu thuyền, chủ yếu là tàu dưới 20CV đánh bắt gần bờ. Thị xã đã yêu cầu toàn bộ tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu du lịch không dược ra khơi kể từ 12 giờ ngày 10/11. Đối với tàu đánh bắt xa bờ, thị xã hiện có 5 tàu, 40 thuyền viên đang đánh bắt trên các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Các tàu đã tìm nơi tránh trú an toàn.
Tại các buổi làm việc ở huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, ông Nguyễn Khắc Định đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó của chính quyền và người dân hai địa phương. Đông thời đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai các công việc chủ động ứng phó, trong đó tập trung vận động, tuyên truyền người dân sinh sống, sản xuất, du khách trên biển phải di dời lên đất liền trước 15 giờ ngày 10/11; kiên quyết cưỡng chế di dời nếu cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng về người, không để người làm việc trên biển.
Cho rằng, việc sắp xếp, chằng néo tàu thuyền tại nơi neo đậu đã được thực hiện rất tốt, ông Nguyễn Khắc Định đề nghị hai địa phương đảm bảo lực lượng ứng trực ở các tuyến đường giao thông có nguy cơ ách tắc, ngập để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Đối với hồ chứa, cần đảm bảo xả lũ đúng quy trình, an toàn, tránh ngập lụt cho vùng hạ du; quản lý học sinh chặt chẽ, không để các trường hợp tai nạn trước trong sau bão.