Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hoạt động đã nhiều năm nhưng việc thu phí chỉ được quan tâm sau khi xảy ra vụ cướp 2,22 tỷ đồng hôm 7/2. VnExpress có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Nhi (Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC), đơn vị chủ quản tuyến cao tốc, về vấn đề này.
Trạm thu phí Long Phước có doanh thu lớn nhất trên toàn tuyến. Ảnh: Quỳnh Trần. |
- Việc thu phí toàn tuyến cao tốc đang được thực hiện thế nào thưa ông?
- VEC giao việc này cho công ty thành viên là Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thực hiện. Công nghệ, thiết bị thu phí kín của nhà thầu Nhật Bản (đầu vào phát thẻ - đầu ra trả tiền) bảo đảm công bằng cho người tham gia giao thông: đi km nào trả tiền km đó.
Công tác quản lý được thực hiện theo 5 bước: tổ chức thu phí hiện trường; tổ chức giám sát hiện trường, giám sát hậu kiểm nội bộ; quản lý thiết bị thu phí ngoài làn; quản lý thiết bị phòng giám sát, hậu kiểm, kế toán; quản lý thiết bị máy chủ thu phí (không quản lý mật khẩu truy cập và hệ thống máy chủ). Hệ thống máy chủ lưu trữ hình ảnh số liệu 24/24 và lưu trữ trong thời gian 5 năm.
Doanh thu trung bình hàng ngày của ba trạm trong năm 2018 là trên 3,1 tỷ đồng một ngày đêm. Trong đó trạm Long Phước (Km11+150) là trên 1,5 tỷ; trạm Quốc lộ 51 (Km22+250) hơn 914 triệu; trạm Dầu Giây (Km52+300) hơn 740 triệu đồng.
- Hôm Mùng 3 Tết trạm Dầu Giây bị cướp 2,22 tỷ đồng khi các nhân viên đang giao ca, nếu nhân số tiền này với ba ca trong một ngày thì quá chênh lệch so với con số bên trên. Ông nói gì về điều này?
- Riêng ngày 7/2 trạm thu phí Dầu Giây có trên 3,2 tỷ đồng. Số tiền này bao gồm doanh thu hai ca trong ngày 4/2, ba ca trong ngày 5/2, ba ca trong ngày 6/2 với số tiền trên 2,5 tỷ đồng (do là 3 ngày Tết nên ngân hàng không thực hiện dịch vụ như ngày thường), 600 triệu đồng tiền lẻ phục vụ công tác thu phí và trên 80 triệu đồng dự phòng.
Hàng tuần, từ thứ 2 đến thứ 6, ngân hàng sẽ thu tiền tại các trạm sau 14h theo thứ tự qua các trạm, phù hợp với quãng đường di chuyển của xe chuyên dùng áp tải tiền. Còn vào các ngày lễ có thời gian nghỉ dài như Tết Nguyên đán hàng năm, VEC E sẽ làm việc với ngân hàng để sắp xếp thu tiền tại các trạm với thời gian giãn cách tối đa ba ngày.
Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Văn Nhi. |
- Cơ quan nào giám sát việc thu phí của VEC và làm sao để tránh thất thoát?
- Từ tháng 12/2015, để quản lý việc thu phí, ngoài các bộ phận được Tổng Cục đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông) phê duyệt, VEC thành lập Trung tâm Quản lý giám sát đường cao tốc Việt Nam (VEC M) giám sát các hoạt động vận hành, bảo trì, thu phí trên tất cả các tuyến cao tốc đơn vị đang quản lý.
Việc giám sát thu phí, hậu kiểm được thực hiện 24/24 qua nhiều khâu, nhiều bộ phận tham gia. Từ giám sát trực tiếp tại hiện trường, giám sát qua màn hình khổ lớn, đến giám sát qua hệ thống camera và phần mềm...
Để đảm bảo chính xác và minh bạch, VEC M giám sát việc thu phí theo hai bước: quản lý tài khoản quản trị hệ thống; giám sát gián tiếp và hậu kiểm hoạt động của VEC E.
Hàng tháng VEC M lưu toàn bộ dữ liệu thu phí định kỳ trong thời gian tối thiểu 5 năm, để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm. Trong đó bao gồm các tập tin cơ sở dữ liệu, các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm, các video...
- Các đơn vị thực hiện và giám sát việc thu phí đều do VEC lập ra, làm thế nào đảm bảo tính công khai, minh bạch?
- Chúng ta nên nhìn vào cách tổ chức, hình thức thực hiện và phương thức quản lý để đánh giá sự minh bạch chứ không nên nhìn vào đối tượng thực hiện.
VEC là Tổng công ty 100% vốn Nhà nước, được giao đầu tư xây dựng và quản lý khai thác thu phí trả nợ vay đầu tư và tái đầu tư các dự án mới. VEC đã làm đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất để vận hành khai thác và đặc biệt là công tác thu phí.
Để minh bạch hoá việc này VEC cũng thành lập ra các pháp nhân độc lập để tổ chức dịch vụ thu và giám sát. Số liệu tổ chức thu được đối chiếu cả đầu vào và đầu ra ngay sau khi kết thúc ca thu phí, báo cáo số liệu tiền thu được ngay trong ngày và ngân hàng thực hiện dịch vụ nhận tiền hàng ngày. Hiện VEC báo cáo số liệu thu hàng tháng về Tổng cục đường bộ Việt Nam, báo cáo thuế, báo cáo ấn chỉ...
Như vậy có thể khẳng định việc thu phí là công khai, các đơn vị thực hiện chức năng độc lập, giám sát chặt chẽ lẫn nhau. VEC rất sẵn sàng tiếp đón tận tình bất cứ cơ quan chức năng hay báo chí đến tìm hiểu sự minh bạch trong việc thu phí.
Hệ thống thu phí kín trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây theo công nghệ Nhật Bản. Ảnh: Quỳnh Trần. |
- Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây là dự án trọng điểm quốc gia, VEC đã được Chính phủ tạo điều kiện gì khi thực hiện dự án?
- VEC là doanh nghiệp nòng cốt đầu tư phát triển mạng đường cao tốc quốc gia, được Nhà nước giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án cần thiết đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. VEC được cấp vốn từ ngân sách, hoặc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách, để thực hiện đầu tư các dự án đường cao tốc có hiệu quả theo phương án tối ưu.
Tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển nhanh và ổn định của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là tam giác kinh tế TP HCM - Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu. Dự án đã được Thủ tướng đưa vào Quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020.
Tổng vốn của dự án là trên 20.000 tỷ đồng (hơn một tỷ USD). Trong đó vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 310 triệu USD (hơn 600 tỷ đồng), vốn ODA vay nhà tài trợ JICA là hơn 60 tỷ Yen (tương đương hơn 12.000 tỷ đồng). Số tiền này Chính phủ ký hiệp định vay, sau đó cho VEC vay lại theo hiệp định vay phụ để quản lý và triển khai dự án.
Vốn đối ứng của dự án là trên 1.600 tỷ đồng (gần 90 triệu USD), trong đó vốn tự cân đối của VEC là 313 tỷ (phát hành trái phiếu hoặc vốn tự có của VEC); vốn đối ứng của TP HCM là 1.338 tỷ đồng (dùng để giải phóng mặt bằng 4 km đoạn đầu tuyến).
- Theo hợp đồng VEC được quyền thu phí trong 21 năm. Nhưng lưu lượng xe hiện đã vượt thiết kế tuyến cao tốc và VEC E từng khuyến cáo tài xế chọn lộ trình khác để tránh ùn tắc. Khả năng thu phí được nhiều hơn có tác động thế nào đến thời hạn VEC được phép thu?
- Thời gian thu phí được căn cứ vào Quyết định của Bộ Giao thông từ tháng 11/2016. Theo đó, mức thu phí được tính là 2.000 đồng/km và tốc độ tăng phí 3 năm một lần, mỗi lần 15%.
Với thời gian thu phí hoàn vốn phần VEC huy động được tính là 21 năm. Thời hạn này sẽ được tính toán lại sau mỗi 5 năm, trên cơ sở cập nhật, tính toán lại các thông số đầu vào để báo cáo Bộ Giao thông xem xét chấp thuận.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, đi qua địa phận TP HCM và tỉnh Đồng Nai. Công trình được khánh thành toàn tuyến vào đầu năm 2015 giúp rút ngắn đường từ TP HCM về Vũng Tàu rất nhiều so với trước đây.