HLV vẫn đấu hai đội, dự hai hạng
Bà mẹ hai con Bùi Huệ từng là cánh chim đầu đàn để đưa bóng chuyền Thái Bình nổi danh trên bản đồ bóng chuyền VN cả thập kỷ, nổi bật với chức vô địch quốc gia 2007. Có biệt danh “Búa máy” vì những cú đập bóng sau vạch 3m như búa bổ, Huệ chính là nỗi khiếp sợ của không chỉ các đối thủ trong nước mà bất cứ hàng thủ nổi tiếng trong khu vực ĐNA. Bùi Thị Huệ từng đóng vai trụ cột giúp đội tuyển bóng chuyền nữ VN giành 5 HCB tại SEA Games từ 21 đến 25.
Trên thực tế, Huệ đã qua thời đỉnh cao nhất của mình từ lâu. Cô cũng đã chuyển sang nghiệp làm thầy cả chục năm trước. Chỉ có điều, thật trớ trêu, chủ công quê lúa vẫn liên tục phải vào sân “cày ải”, cho dù bản thân đã thực sự muốn nghỉ.
Giã từ nghiệp đấu từ 2011, đến vòng 2 mùa giải 2013, Huệ đã lần đầu phải vào vai “người giải cứu” khi đội nhà đứng trước nguy cơ tụt hạng. Dù thể lực không còn sung mãn, song với đẳng cấp và kinh nghiệm hiếm có, Huệ vẫn đủ sức làm thủ lĩnh cả chuyên môn lẫn tinh thần, giúp Thái Bình “thoát hiểm” ngoạn mục. Chị còn đóng vai trò trụ cột và chơi với phong độ xuất sắc thêm 1 năm trước khi chia tay sự nghiệp để chuyển sang công tác huấn luyện rồi nghỉ sinh con.
Những tưởng nghiệp VĐV đã khép lại để chuyển qua huấn luyện, kể từ mùa 2017, Huệ lại một lần nữa phải gánh vác sứ mệnh cứu đội. Ngoài Huệ, Thái Bình còn phải “cầu viện” thêm cả một cựu tuyển thủ quốc gia sinh năm 1983 đã nghỉ thi đấu 5 năm là Lê Thị Mười. Cặp chủ công Bùi Huệ - Lê Mười, dù chỉ còn thể hiện được phân nửa so với thời đỉnh cao của mình, vẫn giúp cho đội nhà đứng thứ 2 vòng bảng, rồi lọt vào top 4 bằng chiến thắng trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp Thanh Hóa.
Huệ tiếp tục phải vừa làm HLV kiêm cầu thủ cho đến tận bây giờ. Năm ngoái, dù bản thân cô đã quyết tâm nỗ lực tối đa song vẫn không thể cứu một Thái Bình khủng hoảng lực lượng nghiêm trọng thoát khỏi thảm cảnh lần đầu trong lịch sử phải xuống hạng. Năm nay, Huệ tiếp tục phải làm “đầu tàu” chèo lái đội bóng quê nhà ở hạng dưới, đồng thời tranh thủ đấu thuê thời vụ cho Than Quảng Ninh ở giải vô địch quốc gia.
Bùi Thị Huệ đã chứng tỏ sức bền, chuyên môn và cả sức chiến đấu siêu phàm của một lão tướng. Thế nhưng qua đây cũng cho thấy lực lượng của Thái Bình và cả bóng chuyền nữ Việt Nam tệ đến mức nào. Thậm chí, “lão bà” này vẫn còn được săn đón, và đóng vai chính ở một đội bóng tại giải đấu cao nhất đủ biết như thế nào.
Có tiền tỷ cũng không mua nổi… cựu binh
Ngoài Huệ, chính đội bóng hạng dưới Thái Bình còn phải cầu viện tới một bà mẹ hai con khác còn hơn Huệ tới hai tuổi Lê Thị Mười để nuôi hi vọng lên hạng. Giải vô địch quốc gia vẫn xuât hiện hàng loạt cầu thủ tuổi “băm”. Quan trọng hơn, họ vẫn là thành phần quan trọng hàng đầu của giải. Thậm chí, như vòng 1 vừa rồi, người chơi hay nhất lại chính là chủ công 34 tuổi, cũng đã là bà mẹ đang nuôi con nhỏ, Nguyễn Thị Xuân.
Giải bóng chuyền VĐQG đang là “giải đấu của các nữ lão tướng”, phản ánh thực trạng thiếu cầu thủ chất lượng nghiêm trọng, chứ chưa nói đến tài năng. Các cựu binh tuổi “băm” thực sự đều chỉ là cái bóng của mình ngày nào và đáng lẽ nghỉ đấu từ lâu. Thế nhưng họ vẫn có thể tung hoành trên sân, đóng vai trò trụ cột.
Môn thể thao vẫn được coi là số 2 của thể thao Việt Nam, chỉ sau bóng đá, thiếu hụt cầu thủ chất lượng đến mức thị trường chuyển nhượng đóng băng dù nhu cầu rất cao. Nhiều đội sẵn sàng chi tiền tỉ chỉ để có một cầu thủ tốt nhưng bất lực.
Ngay lò đào tạo trẻ vẫn được coi là số 1 là Bộ Tư lệnh Thông tin giờ hay Ngân hàng Công thương Việt Nam, Bình Điền Long An cũng lao đao vì một số trụ cột phải nghỉ đấu hay chấn thương. Đội bóng nhà giàu Hóa chất Đức Giang Hà Nội từng chính thức đặt vấn đề với chủ công đội tuyển quốc gia Hà Ngọc Diễm mức phí lót tay tiền tỷ, kèm theo khoản lương 30 triệu đồng/tháng, hay gợi ý cựu binh Phạm Yến chuyển về đầu quân trong vai trò HLV kiêm VĐV với mức giá 3 tỷ đồng đều bất thành.
Họ chỉ có thể kiếm được những cầu thủ làng nhàng, để rồi rơi vào nghịch cảnh thừa tiền - thiếu người, và thua tan tác tại ở mùa đầu thăng hạng. Phải đến năm nay, khi chiêu mộ được cựu binh khác Nguyễn Thị Xuân cũng với mức phí tiền tỷ, họ lập tức trở thành hiện tượng của giải khi toàn thắng cả 4 trận vòng 1.
Bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn đang phải trả giá cho tư duy và cách làm chạy theo thành tích trước mắt, bỏ bê đào tạo trẻ, cho dù không thiếu sự quan tâm cùng nguồn lực.