Chiếc kiềng bằng vàng nặng hơn 2 kg gắn hình một con đại bàng dang rộng cánh đậu phía trên hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ tại New York.
Kevin "Coach K" Lee, người phụ trách của buổi trưng bày "Ice Cold: Triển lãm trang sức Hip-Hop" đồng thời là nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành của hãng đĩa Quality Control Records, cho biết: "Tôi là một fan hâm mộ lớn của nhóm Wu-Tang Clan. Tôi vẫn nhớ hồi Ghostface cho trình làng chiếc kiềng đại bàng trước truyền thông. Và khi được tận mắt nhìn thấy chiếc kiềng này hôm nay, tôi thấy nó thật đáng kinh ngạc!"
Từ dây chuyền xích đến mặt dây nạm kim cương
Tuy nhiên, các nghệ sĩ hip-hop đời đầu thường không sở hữu những con đại bàng bằng vàng khổng lồ, mặt dây chuyền nạm kim cương hay đồng hồ Rolex.
Nhà báo và người phụ trách triển lãm Vikki Tobak cho biết thay vào đó, họ mua sắm tại các tiệm trang sức tư nhân do người nhập cư mở ra. “Hồi đó không có nhiều kim cương, bạn biết đấy, chỉ có một chiếc cầu bọc răng bằng vàng hoặc một mặt vòng cổ đơn giản để thể hiện sự thành công.”
Triển lãm "Ice Cold: Triển lãm trang sức Hip-Hop". |
Từ đó, trang sức phát triển thành những chiếc vòng cổ dây thừng vàng của Run-DMC, những mặt dây chuyền như mặt dây vàng khắc chữ “QB” của Nas - tượng trưng cho khu nhà ở Queensbridge nơi anh sinh ra và lớn lên, và dây chuyền Roc-A-Fella nạm kim cương đặc trưng của hãng thu âm do Jay-Z đồng sáng lập. Ngoài ra, còn có những món đồ vui nhộn như mặt vòng cổ Lego nạm đá quý của A$AP Rocky, với phần tay và chân có thể điều chỉnh được.
Tobak nói: “Trang sức hip-hop phát triển cùng với âm nhạc và văn hóa.”
Khi hip-hop trở nên phổ biến hơn và các nghệ sĩ trở nên giàu có hơn, các món đồ trang sức cũng trở nên đắt tiền và tinh xảo hơn.
Không phải mọi món đồ trang sức đều thể hiện sự giàu có
Khi chiêm ngưỡng những món trang sức lộng lẫy, ta có thể dễ dàng bỏ lỡ một hiện vật khiêm tốn hơn được đặt trong hộp: một chiếc nhẫn hình chữ nhật có khắc chữ "R" ở giữa.
Đó là chiếc nhẫn của nhóm Juice Crew, được Roxanne Shanté cho triển lãm mượn. Bà là người dẫn chương trình radio và là người tiên phong trong thể loại nhạc battle rap. Bài hát "Roxanne's Revenge" mở đường cho sự nghiệp của Roxanne được thu âm khi bà mới chỉ 14 tuổi và sống ở Queensbridge.
Shanté nói: “Hồi đó, những người thuộc Juice Crew được tôn trọng và có quyền kiểm soát đối với khu vực của họ cũng như tình hình diễn ra ở đó. Vì vậy, nếu bạn nhìn thấy ai đó đeo nhẫn Juice Crew thì bạn biết đó là người mà bạn có thể tin tưởng. Bạn biết đó là người mà bạn có thể tìm đến để giúp giải quyết những vấn đề của mình. Vì vậy, bạn không thể mua chiếc nhẫn Juice. Nó phải được trao cho bạn."
Cô cho biết mọi người nhận được chiếc nhẫn đó bằng cách làm những việc như giúp đưa một đứa trẻ đi cắm trại hoặc hòa giải một cuộc tranh chấp.
Đối với Roxanne, chiếc nhẫn là biểu tượng cho thấy hip-hop là một gia đình.
Ngoài ra, còn có một số hiện vật khác trong buổi trưng bày lấy cảm hứng từ văn hóa châu Phi, chẳng hạn như mặt dây chuyền bằng da của thành viên nhóm De La Soul. Người phụ trách Tobak cho biết buổi triển lãm có chủ đích kết nối những món trang sức này với các khu vực trưng bày nhân chủng học khác trong bảo tàng, do văn hóa đồ trang sức hip-hop và về bản chất có mối liên hệ mật thiết với cộng đồng người Mỹ - Phi.
"Những gì chúng ta chọn để mặc lên cơ thể thể hiện khía cạnh đặc trưng của con người và trong hip-hop, điều này đã đạt đến cảnh giới rất cao. Và tôi nghĩ đó là thông điệp quan trọng của buổi triển lãm" cô nói.