Liệu pháp ánh sáng, vốn thường được sử dụng để điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa, nay được chứng minh cũng có hiệu quả với những người mắc các dạng trầm cảm khác.
Theo báo cáo công bố trên tạp chí JAMA Psychiatry, khoảng 40% bệnh nhân trầm cảm phản ứng tích cực với liệu pháp ánh sáng (BLT), một phương pháp mô phỏng ánh sáng mặt trời. Con số này cao hơn hẳn so với nhóm đối chứng, những người được tiếp xúc với mức độ ánh sáng thấp hơn, dùng thuốc chống trầm cảm, hoặc giả dược chỉ đạt 23%.
BLT từ lâu đã được khuyến nghị cho những người mắc rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD), một dạng trầm cảm thường làm suy giảm năng lượng hoặc ảnh hưởng đến giấc ngủ, thường xuất hiện vào những tháng mùa đông.
Tuy nhiên, những phát hiện mới cho thấy liệu pháp ánh sáng này cũng có thể hữu hiệu cho bệnh nhân mắc chứng trầm cảm không theo mùa. Với ước tính có khoảng 50% bệnh nhân trầm cảm không phản ứng với các phương pháp điều trị ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng BLT có thể trở thành một liệu pháp điều trị ban đầu với chi phí thấp hơn.
"BLT có thể được áp dụng như một phương pháp điều trị bổ sung ở nhiều nơi trên thế giới, do đó, phù hợp với nhiều môi trường kinh tế khác nhau", các tác giả nghiên cứu đến từ các trường Đại học Brazil nhận định.
Phân tích của họ bao gồm gần 860 bệnh nhân từ 11 nghiên cứu được tiến hành trong giai đoạn 2005-2024, sử dụng các hộp đèn có cường độ từ 5.000 đến 10.000 lux, mức độ tiếp xúc được các chuyên gia khuyến nghị.
Ánh sáng có thể điều hòa tâm trạng
Xét trên tất cả các nghiên cứu, những bệnh nhân được điều trị bằng BLT có xu hướng phản ứng tốt hơn với phương pháp điều trị, các triệu chứng trầm cảm giảm bớt, chỉ số trầm cảm cũng giảm đáng kể so với nhóm đối chứng.
Phân tích cũng cho thấy bệnh nhân sử dụng BLT đạt được kết quả tích cực trong suốt thời gian theo dõi của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào theo dõi bệnh nhân lâu hơn vài tuần.
"Phân tích của chúng tôi cho thấy thời gian điều trị một tuần có thể hiệu quả tương đương thời gian điều trị 6 tuần", Artur Menegaz de Almeida, tác giả chính của nghiên cứu và là sinh viên Y khoa tại Đại học Liên bang Mato Grosso (UFMT) ở Brazil, chia sẻ với Euronews Health. "Tuy nhiên, phát hiện này cần được nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa thời gian và phản ứng trong liệu pháp ánh sáng".
Menegaz de Almeida cũng cho biết chưa có lời giải thích rõ ràng về cách ánh sáng ảnh hưởng đến tâm trạng. Dựa trên các nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học cho rằng khi ánh sáng đi qua mắt, nó có thể tác động như một kích thích đối với các vùng não điều khiển tâm trạng, cảm xúc và nhịp sinh học, hay còn gọi là đồng hồ sinh học nội tại của cơ thể.
Ông cũng nhấn mạnh rằng ánh sáng nhân tạo thông thường có thể không đủ mạnh để điều hòa tâm trạng của mọi người, vì "ánh sáng mà chúng tôi đánh giá không giống với đèn mô phỏng ánh sáng mặt trời thông thường".