Trong thời đại 4.0, muốn tìm hiểu về bệnh tật, thực phẩm chức năng hay các phương pháp làm đẹp thì các thông tin tràn ngập trên các trang mạng xã hội. Từ trên facebook, các fanpage, hội nhóm quảng cáo với cam kết chữa hết tất cả các loại bệnh. Đối với phụ nữ, trị nám trên mặt hay những vấn đề liên quan đến sắc đẹp, sức khoẻ được quảng bá với những bài viết, hình ảnh, video đầy sức thu hút.
Quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội
Những nội dung quảng cáo trên mạng xã hội được thực hiện rất bài bản, chuyên nghiệp và có cả e-kip để xây dựng hình ảnh chuyển tải thành video... Nhiều fanpage tự khẳng định là của các bác sĩ da liễu cao cấp, hoặc cắt ghép hình ảnh các bác sĩ ở những bệnh viện lớn để quảng cáo làm đẹp. Để chiếm lấy niềm tin của khách hàng, những cơ sở thẩm mỹ này còn thuê những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng nhằm quảng cáo hình ảnh của cơ sở làm đẹp. Trong đó, có cả diễn viên, ca sĩ, người mẫu, nghệ sĩ…
Nhiều cơ sở làm đẹp quảng cáo trên mạng xã hội. |
Trên thực tế, nhiều loại sản phẩm chưa được cơ quan chức năng cấp phép, thậm chí còn không có nguồn gốc xuất xứ được quảng cáo công khai và bị cơ quan chức năng xử phạt. Nhiều vụ xử phạt các cơ sở làm đẹp không giấy phép hoạt động, quảng cáo trái với quy định nhưng gần như vẫn chưa đủ sức răn đe.
Trong vai người cần trị nám và làm đẹp da, chúng tôi gõ thông tin để tìm kiếm thì thấy nhan nhản quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ viện. Phần lớn các cơ sở đều xưng là bác sĩ da liễu với liệu trình và giá cả rõ ràng, cam kết hiệu quả 100%. Khi chúng tôi nhắn tin hỏi về dịch vụ thì được một người tự xưng là trợ lý của bác sĩ ở cơ sở thẩm mỹ C.K (phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) hỏi han về tình trạng da và nhu cầu làm đẹp. Sau đó, nhân viên này “chốt” liệu trình với giá sau khi đã giảm 50% còn 6 triệu đồng.
Liên tục nhiều ngày sau đó, người này gọi điện và hẹn gặp tại cơ sở để bác sĩ thăm khám. Khi phóng viên đồng ý đến tận nơi thì được một nhân viên khác chụp hình da và đưa ra với mức giá điều trị cao gấp đôi thỏa thuận ban đầu. Theo nhân viên này giải thích, do da bị ảnh hưởng sắc tố, bị lão hóa… nên điều trị với liệu trình và giá cả cao hơn… Được biết cơ sở này đang nổi đình nổi đám trên các hội nhóm, các trang mạng xã hội liên tục với các hình ảnh được photoshop kỹ lưỡng nhằm lôi kéo khách hàng đến làm đẹp với liệu trình và giá cả khác hẳn với quảng cáo.
Đến thực tế tại phòng khám…
Khi đến cơ sở thẩm mỹ Y.C (phường 12, quận 10, TP.HCM) để điều trị vấn đề thâm mắt, trước đó cũng đã được nhân viên tư vấn qua điện thoại và tin nhắn với giá 4 triệu đồng cho liệu trình kèm khuyến mãi thêm các dịch vụ khác, nhân viên dẫn lên gặp một phụ nữ không đeo biển tên, mặc áo blue trắng và tự xưng là bác sĩ điều trị.
Người này sau khi tư vấn đã đưa ra hai phương pháp điều trị, phương pháp điều trị thứ nhất hiệu quả thấp hơn và phương pháp thứ hai thì hiệu quả cao hơn. Vị này khuyên khách hàng sử dụng phương pháp thứ 2 với giá 30 triệu đồng cho một liệu trình. Nếu làm ngay, cơ sở làm đẹp này sẽ giảm giá chỉ còn 25 triệu đồng. Để giữ chân cho lần sau đến, vị “bác sĩ” luôn yêu cầu chúng tôi phải đóng cọc. Do chúng tôi lấy cớ để thoái thác việc đặt cọc, người này đề nghị chỉ cần đóng 1 triệu đồng tiền cọc để giữ chỗ. Chúng tôi liền khước từ và hẹn hôm sau đến làm đẹp rồi thanh toán.
Người phụ nữ tự xưng là bác sĩ tại cơ sở làm đẹp Y.C |
Theo tìm hiểu, cuối tháng 09/2023, cơ sở thẩm mỹ Y.C từng bị Sở y tế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì không đảm bảo các điều kiện như: Niêm yết giá dịch vụ khám, chữa bệnh, sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ, không lập hồ sơ, bệnh án đầy đủ, sữa chữa hồ sơ bệnh án nhằm sai lệch thông tin về khám, chữa bệnh… Vì vậy cơ sở này đã bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn 04 tháng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, cơ sở thẩm mỹ Y.C quảng cáo rất rầm rộ trên các trang thông tin điện tử và ngang nhiên hoạt động với nhiều hình thức để chèo kéo khách hàng.
Hầu hết, các cơ sở thẩm mỹ hiện nay quảng cáo trên facebook toàn tự xưng là bác sĩ, thậm chí là trưởng khoa da liễu của các bệnh viện lớn, rồi phó giáo sư, tiến sĩ da liễu… Các cơ sở thẩm mỹ dùng những cách gọi về phương pháp điều trị dưới các tên như: Công nghệ siêu vi bào, Maxfill Nano, meso Extra…để đánh tráo niềm tin của khách hàng. Để dẫn dụ khách hàng, các cơ sở tìm cách “câu nhử” con mồi bằng hình thức thăm khám miễn phí với phó giáo sư, tiến sĩ da liễu và đưa ra liệu trình điều trị giảm 50% chi phí. Thế nhưng thực tế, các cơ sở làm đẹp đã tự nâng giá để rồi tự giảm giá điều trị. Hơn hết, thuốc dùng để điều trị da liễu có những loại chưa được Sở Y tế công nhận và cho lưu hành trên thị trường.
Phòng khám Y.C đang bị xử phạt vẫn đang hoạt động |
Chị Trần Thị Vân (ngụ đường Lãnh Binh Thăng, quận 11, TP.HCM) một nạn nhân của trung tâm làm đẹp bức xúc nói với chúng tôi: “Nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ là có thật, thế nhưng, để biết được chính xác cơ sở làm đẹp nào được cấp phép hay hoạt động chui là rất khó khăn”. Vì vậy, chị Vân đề xuất, cơ quan cấp phép về lĩnh vực này cần công khai cụ thể danh sách cơ sở làm đẹp đã được cấp phép trên địa bàn do mình quản lý để người dân được biết và an tâm khi đặt chân đến các cơ sở này.
Còn chị Hà My (ngụ tại đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận) chia sẻ: Chị có nhu cầu trị nám và làm đẹp để đón tết, sau khi tìm hiểu thông tin trên các trang mạng thì thấy có cơ sở thẩm mỹ giới thiệu là đến sẽ được các bác sĩ điều trị với chi phí hợp lý, cam kết trị khỏi nám đến 100 %. Chị nghe thấy hợp lý và đúng nhu cầu của bản thân nên sắp xếp thời gian đến thăm khám, nhưng khi đến nơi thì được chốt với giá cao hơn rất nhiều, điều đáng nói là đến nay chị đã bỏ ra mấy chục triệu và tới lui nhiều lần theo liệu trình nhưng mặt chị vẫn không hết nám… Chị thở dài: "Lỡ rồi, phóng lao phải theo lao thôi, vì tiền đã đóng rồi, bỏ nữa chừng thì tiếc".
Chỉ trong 03 tháng cuối năm 2023, Sở y tế TP.HCM đã thanh tra hàng loạt và ra các quyết định xử phạt 20 cơ sở thẩm mỹ, các phòng khám đa khoa không đủ điều kiện hoạt động, sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ, không đảm bảo đầy đủ thuốc thiết yếu để kịp thời cấp cứu người bệnh. Đồng thời sử dụng các sản phẩm chưa được cấp phép và công dụng không rõ ràng.
Vì vậy Sở y tế khuyến cáo người dân khi thực hiện các dịch vụ làm đẹp xâm lấn (tiêm, chích, phẫu thuật, hút mỡ, laser,...), phải lựa chọn các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định; không lựa chọn cơ sở làm đẹp mà chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu như “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”, “spa”,...
Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không nên vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế, để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra gây nguy hiểm đến sắc đẹp và tính mạng.