Nhẹ nhàng đặt tay trên vai bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Duy Khoa xoa cho ông động viên rồi tiêm một mũi thuốc giảm đau. Cả phòng bệnh im lặng, không ai nói lời nào, chỉ có tiếng người bệnh thở dốc nén đau.
Bệnh nhân bị ung thư đại tràng đã di căn vào gan. Ông kiên cường chiến đấu với ung thư suốt 3 năm qua, điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Những ngày này các cơn đau càng dồn dập, đau đớn hơn. Bệnh trở nặng khiến ông nản lòng, buông xuôi.
"Hãy cho tôi một mũi tiêm để kết thúc nhanh đi", bệnh nhân cầu xin bác sĩ Khoa.
Bác sĩ Khoa chia sẻ "chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ để bệnh nhân có được những ngày tháng cuối đời thanh thản và yên bình nhất".
Bác sĩ Nguyễn Duy Khoa 30 tuổi, bác sĩ chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Đây là bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội chữa ung thư, mỗi ngày tiếp nhận hơn 500 bệnh nhân đến khám và điều trị hơn 3.000 bệnh nhân nội trú.
Ung thư là căn bệnh hiểm nghèo, thường đến thầm lặng. Ung thư khiến người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, khiến người mẹ trẻ đau đớn chia xa đứa con chưa đầy tháng tuổi, khiến niềm tin kiệt quệ hy vọng lụi tàn. Nỗi đau thể chất và cả tinh thần ở bệnh nhân ung thư không thể diễn tả bằng lời.
Bác sĩ Khoa nói rằng anh lựa chọn học chuyên sâu ngành ung thư với mong muốn giúp người bệnh giảm nhẹ nỗi đau từ khi chẩn đoán bệnh để đạt hiệu quả điều trị, giảm chi phí cho gia đình.
Theo bác sĩ Khoa, chăm sóc giảm nhẹ là kết hợp nhiều phương pháp giúp giảm đau đớn, tăng sức chịu đựng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bác sĩ điều trị những vấn đề tâm lý đồng thời tư vấn, hỗ trợ nhằm giải quyết những vấn đề xã hội và tinh thần mà bệnh nhân cùng gia đình phải gánh chịu.
Bệnh nhân được chăm sóc giảm nhẹ thường đã trải qua nhiều phương pháp điều trị như hóa chất, tia xạ, phẫu thuật, nên càng về cuối càng dễ suy kiệt. Bác sĩ Khoa kể ở giai đoạn cuối nhiều khi anh không còn nhận ra bệnh nhân của mình vì quá khác so với lúc khỏe mạnh.
"Ngoài ra người bệnh về cuối dễ nản lòng, cần được quan tâm để cải thiện chất lượng cuộc sống những ngày cuối đời", bác sĩ Khoa cho biết.
Bác sĩ trò chuyện với bệnh nhân giúp họ vơi đi nỗi đau bệnh tật. Ảnh: Thùy An |
"Mất mát là quy luật của cuộc đời nhưng giảm nhẹ đi phần nào đau đớn cho người bệnh thì nhân đạo phần đấy", bác sĩ trải lòng.
Hàng ngày, bác sĩ Khoa sắp xếp thời gian đi từng buồng bệnh, trò chuyện hỏi thăm giúp bệnh nhân thoải mái và lạc quan hơn. Anh cho rằng tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình bệnh nhân giúp bác sĩ sắp xếp và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh.
Ở người già, bác sĩ trẻ luôn tỉ mỉ thuyết phục họ tuân thủ điều trị. Với bệnh nhân trẻ, anh đồng cảm và khéo léo để tiếp cận. Anh thoải mái chia sẻ số điện thoại cá nhân để có thể kịp thời tư vấn và hướng dẫn gia đình cách xử trí khi bệnh nhân ở xa gặp tác dụng phụ khi điều trị.
Bác sĩ luôn động viên bệnh nhân vững tin vào điều trị để có cơ hội chữa khỏi bệnh ở giai đoạn sớm, tránh tự ý dùng những phương pháp truyền miệng không có cơ sở khoa học.
Hơn 5 năm làm nghề, bác sĩ Khoa tâm niệm niềm hạnh phúc nhất của người bác sĩ là giúp bệnh nhân giảm đau đớn và khỏe mạnh lên từng ngày. Nhiều bệnh nhân ở giai đoạn muộn nhờ sự quyết tâm của chính mình và gia đình cũng như sự điều trị kịp thời của bác sĩ đã có thể kéo dài thời gian sống như một phép màu.
"Được sát cánh chiến đấu cùng bệnh nhân đến tận giây phút cuối cùng là điều may mắn và tự hào của một bác sĩ chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ", bác sĩ Khoa chia sẻ. Anh cũng thường động viên người nhà bệnh nhân đừng buông xuôi.
"Gia đình bệnh nhân cũng cần đồng hành cùng bác sĩ chiến đấu giúp người bệnh có thêm dũng cảm, nghị lực để điều trị lâu dài", bác sĩ Khoa nói.