Là công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất tại Việt Nam nhưng khi FE Credit vẫn khó chống chọi được với đại dịch Covid-19 khi lợi nhuận của công ty con VP Bank sụt giảm trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021.
Doanh thu của FE Credit liên tục đi ngang trong khi biên lãi ròng (NIM) có xu hướng giảm. Tổng thu nhập hoạt động, không bao gồm thu nhập khác của công ty đạt 8.800 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng hơn 1%.
Sau một năm, NIM tiếp tục giảm xuống còn 26,9%, thấp hơn đáng kể so với 29,1% cùng kỳ năm 2020 và 30,5% cùng kỳ năm 2019.
Chỉ số tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu trung bình (ROAE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản trung bình (ROAA) lần lượt đạt 12,3% và 2,6%, thấp hơn nhiều so với nửa đầu những năm trước. Theo đó, FE Credit chỉ còn đóng góp 12% cho lợi nhuận hợp nhất của VPBank, trong khi tỷ lệ này trước khi xảy ra đại dịch là từ 40-50%.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, tổng khối lượng giải ngân của FE Credit đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ 2020, song vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ 2019.
Tổng dư nợ tín dụng tính đến ngày 30/6/2021 đã tăng 1,8% lên 61.300 tỷ đồng. Đáng chú ý trong đó, FE Credit đã đã có thêm khoảng 4.700 tỷ đồng là dư nợ cho vay tổ chức. Cơ cấu dư nợ tín dụng theo sản phẩm không có nhiều sự thay đổi.
Tuy nhiên, điểm sáng là tỷ lệ chi phí hoạt động/ tổng thu nhập của FE Credit được cải thiện mạnh mẽ. Chi phí hoạt động giảm xuống 2.200 tỷ đồng đã giúp kéo tỷ lệ chi phí trên thu nhập giảm xuống còn 25,4%.
Đáng chú ý, tổng thu nhập tăng và chi phí hoạt động giảm nhưng lợi nhuận trước thuế của FE Credit 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn so với cùng kỳ. Nhiều khả năng, công ty đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Tính trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của FE Credit chỉ đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ước tính trước đó của SSI Research, đơn vị này dự báo lợi nhuận của FE Credit trong năm 2021 có thể đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước mặc dù chi phí tín dụng dự kiến sẽ cao hơn vào cuối năm.
Ở một diễn biến khác, VPBank - ngân hàng mẹ của FE Credit vừa bán 49% vốn công ty tài chính này cho SMBC - một định chế tài chính lớn của Nhật Bản với định giá FE Credit lên tới 2,8 tỷ USD.
Nếu thương vụ thành công, VPBank ước tính sẽ thu về khoảng 30.000 tỷ đồng. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành tài chính Việt Nam từ trước đến nay.
Lãnh đạo VPBank cho biết, việc kết quả kinh doanh năm 2020-2021 của FE Credit sụt giảm là điều nằm trong chiến lược. Về dài hạn, việc hợp tác với SMBC sẽ đưa FE Credit tiếp tục phát triển và tăng trưởng.