Tọa đàm Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa được tổ chức nhân dịp ra mắt tác phẩm cùng tên của Minh Đức Hoài Trinh, Linh Bảo và Băng Thanh. Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Nhà văn Ngô Thảo, ông Jean Noel Poirier, nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam và đại diện NXB Hội Nhà Văn.
Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa là tập hợp ba phong cách viết của ba chị em ruột con gái quan Tổng đốc cuối cùng của Thừa Thiên Huế. Theo cảm nhận của nhà báo, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Phê, với Huế, có thể nói đây là một cuốn sách khá đặc biệt. Có lẽ, đây là lần đầu tiên, ba chị em, ba tiểu thư của một gia đình đại quan nổi tiếng ở Huế từ thế kỷ trước, từ ba “phương trời xa”, rất xa Huế (hai trong ba tác giả đã bước sang “thế giới khác” từ vài năm nay), lại in chung một tuyển tập đậm đà phong vị và lịch sử Huế xưa.
Ba tiểu thư là con Tổng đốc Võ Chuẩn, cháu nội Thượng thư Bộ Lễ Võ Liêm quê Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế). Cố đô Huế thiếu chi quan lại, nhiều người còn nổi tiếng hơn, nhưng cụ Võ Chuẩn lại nổi tiếng vì đa tài, thích hướng về phương Tây kinh doanh, những mong canh tân đất nước, nhưng phải nghe lời thân phụ làm quan Nam triều. Tuy vậy, ý tưởng “canh tân” của cụ thể hiện ngay khi làm quản đạo tỉnh Kon Tum, mở mang văn hoá, giáo dục, cải thiện điều kiện canh tác, lập làng mới; đến nay, nhiều làng vẫn mang họ tên, hoặc bút danh của cụ. Và còn lưu giữ tới ngày nay là lời ca của bài Nam Ai: "Nước Non Ngàn dặm ra đi" do cụ sáng tác.
Như trong lời tựa, “cuốn sách đã giới thiệu một giai đoạn lịch sử của nước Việt Nam, giai đoạn chuyển mình từ trạng thái cổ kính truyền thống đến trạng thái ngày nay với tất cả những tấn bi hài kịch của nó. Những câu chuyện này muốn thể hiện lại những giá trị từ ngàn xưa với mong ước nhắn gửi cho các thế hệ sau là cần gìn vàng giữ ngọc, cần bảo tồn một truyền thống của từng gia tộc, vì truyền thống đó nằm trong cả nền văn hóa chung của dân tộc chăng? Cũng khó tả được cảm xúc trước những áng văn này, mênh mang với sự ngậm ngùi chua xót, mà vẫn không thể không trân trọng tự hào".
Bên cạnh đó, việc tìm lại được những thước tư liệu lịch sử do cụ đạo diễn khi còn ở Kon Tum, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Huế cũng phản ánh lại tinh thần trách nhiệm của một người lãnh đạo khi xưa: nâng cao dân trí, chú trọng canh nông, dẫn thủy nhập điền v.v…
Nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó Tổng thư ký Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, là người đã tích cực trong việc khuyến khích xuất bản cuốn sách. Ông đã qua Mỹ và gặp nhà văn Linh Bảo, nghe tâm sự của bà về văn chương , đã thu thập những tác phẩm của nhà văn, nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh và Linh Bảo. Ông đang đề nghị cho in lại những tập truyện của nhà văn Linh Bảo trong thập niên 60 – 70 để lớp trẻ hiểu thêm về cách viết và cách suy nghĩ của một nữ sĩ đã đoạt giải văn chương quốc tế khi đó. Ông là tác giả của rất nhiều cuốn lý luận phê bình văn học, và tác giả của cuốn Như cuộc đời (Giải thưởng Văn học), Văn học về người lính, Mầy bay về núi, Thảo thức với phần đời chiến trận, Thư Chiến trường, Dĩ vãng phía trước...v.v
Ông Jean Noel Poirier, nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam, tác giả bộ phim Hà Nội của tôi (Giải thưởng Bùi Xuân Phái) rất ngỡ ngàng trước những thước phim tư liệu của cụ Võ Chuẩn. Mối quan hệ Pháp–Việt giữa gia đình nguyên Đại sứ (bà nội đại sứ là người Việt Nam sinh ra tại Hội An, gia đình ông thường xuyên qua lại giữa Pháp và Việt Nam) và gia đình cụ Võ Chuẩn được thể hiện qua thế hệ thứ tư, tình bạn giữa nguyên đại sứ và gia đình chắt ngoại của cụ Võ Chuẩn, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, Giám đốc Cty BHD. Họ đang dự tính làm sống lại những thước phim này với tên gọi Le Mandarin dans l’Ombre