PV: Là một trường hợp vượt khỏi định kiến và ước lệ, vì nhiều người lầm tưởng chị làm truyền hình sẽ quảng giao, hay cười nói… nhưng chị là một người hướng nội, chậm rãi, đôi khi ngại chia sẻ trước đám đông. Vậy người hướng nội có khó khăn khi bước tới những ước mơ của mình hay không?
Tác giả Huỳnh Mai Liên: Câu hỏi của bạn khiến tôi nhớ quyết định của nhiều năm trước, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Ngữ Văn, tôi nằng nặc xin bố mẹ về Phúc Yên, Vĩnh Phúc làm việc với lý do "tính cách con không hợp với ở Hà Nội". Nhưng có lẽ vì một cái duyên nào đó nên sau một thời gian thử việc ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, tôi đã quay lại Hà Nội và gắn bó tới giờ.
Đôi khi nhìn lại, tôi thấy mình thật may mắn vì vẫn tìm được một công việc ở VTV, có một tổ ấm nhỏ và một con đường văn chương mở ra khá bất ngờ.
Trong cuộc sống, mỗi người một cá tính, tôi hơi rụt rè, một phần bởi vì không bao giờ đánh giá cao về mình. Tôi cũng thiếu sự quyết liệt để tranh thủ cho mình cơ hội. Nhưng tôi cũng không phải là người thụ động. Môi trường làm việc ở VTV giúp tôi mạnh mẽ và có bản lĩnh hơn.
Tác giả Huỳnh Mai Liên |
Chị có cách nào để biến những điểm yếu của bản thân thành điểm mạnh?
À, không nhiều khi tôi nghĩ về điểm yếu hay mạnh. Có lẽ do sự lạc quan khi nhìn về cuộc sống giúp tôi có động lực hơn để vượt qua những chật hẹp đời thường. Tôi không nhìn vào bề mặt cuộc sống mà nghĩ về nó, để sống và viết.
Chị là tác giả của 2 tập thơ “Biển là trẻ con”, “Ngày xưa của con; kịch bản phim hoạt hình “Thỏ và rùa”, “Khu đầm có cánh”, “Khúc nhạc diệu kỳ”… và giờ chị ra mắt độc giả thêm một cuốn truyện tranh mang tên “Mẹ yêu ai nhất”. Hỏi khí không phải, chị thích được mọi người gọi là nhà biên kịch, nhà thơ hay nhà văn?
Tôi đến với văn chương một cách tình cờ từ năm 2016, sau khi tham gia sáng tác thơ cho chương trình “Lớp học cầu vồng” trên kênh VTV7. Và dù có những tác phẩm ra đời, cuộc sống của tôi không có gì thay đổi, ngoại trừ không gian xáo động mỗi lần sách ra mắt. Tôi thích dùng từ tác giả, nó như một sự khởi đầu nhắc nhở tôi: mình chưa làm được cái gì to tát đâu, hãy cố gắng lên nhé!
Những ưu ái mà độc giả dành cho hai cuốn sách nhỏ cho tôi chút tự tin để bước tiếp. Với văn chương, chỉ cố gắng thôi thì chưa đủ, còn cần cái duyên nữa. Và tôi hy vọng, con đường của mình sẽ dài hơn.
Làm thơ, viết kịch bản, viết truyện… theo chị có phải một công việc nhẹ nhàng bay bổng như nhiều người vẫn nghĩ?
Đó thực sự là một thế giới riêng đầy cảm xúc, nơi chỉ có một mình tôi và những con chữ. Nhưng bên cạnh đó cũng là sự lao động đầy vất vả khi tôi phải tranh thủ những khoảng thời gian nhỏ hẹp để viết.
Đôi khi tôi cảm thấy mệt mỏi, song khoảng nghỉ giãn cách để tìm ra một điều gì đó mới mẻ có khi nặng nề hơn. Sau mỗi cuốn sách, độc giả đòi hỏi phải có gì mới, trong khi nhịp điệu giữa công việc và hai con nhỏ đã đủ níu chân tôi rồi.
Được biết, mỗi ngày chị dậy từ 4 giờ sáng và dành khoảng 2 tiếng để sáng tác. Chị có thể nói rõ hơn về kỷ luật này?
Thật không dễ dàng lựa chọn cho văn chương lúc đó. Bởi vì một người mẹ luôn giật mình thức giấc khi đứa con này ho, đứa kia trở mình, rồi những lúc ốm đau... Có khi tôi vừa ngồi vào bàn là con nhớ hơi mẹ tìm đến bên cạnh. Và một vài ngày mất mạch viết, đồng nghĩa có thể kéo dài tới vài tuần hay vài tháng...
Ở cuộc sống hiện đại, nhiều người đam mê viết lách, nhiều người ngại chọn các việc liên quan đến con chữ trở thành nghề nghiệp, cho rằng “màu hồng” không thực tế, thơ thì “tâm hồn treo ngược cành cây”, “chân không chạm đất”. Có kỷ niệm nào khiến chị buồn rầu, nghĩ rằng mình đã chọn một con đường khó và muốn lùi bước hay chưa?
Tôi không bị áp lực bởi xung quanh, mà khó khăn lớn nhất chính là bản thân. Điều mà tôi lo lắng nhất là viết ra những câu chuyện thiếu sức hút. Bởi thế, mệt nhất có lẽ chính là những lần ra mắt tác phẩm mới.
Những ngày đầu ra mắt sách, tôi luôn thấp thỏm lo, với những gì mình ấp ủ, liệu có được sự đồng cảm của độc giả hay không? Chỉ sau những tín hiệu đầu tiên gửi về, tôi mới thở nhẹ một chút.
Làm việc với những đề tài về thiếu nhi theo chị điều thú vị nhất là gì? Người lớn có thể học hỏi được điều gì từ trẻ con?
Đó là một thế giới trong veo, hồn nhiên và bay bổng, đầy ắp yêu thương và tình yêu đặc biệt dành cho mẹ. Người lớn ai cũng từng là một đứa trẻ, nhưng sau này vì nhiều áp lực trong cuộc sống quên đi những điều này. Có một điều mà bất cứ người làm bố, làm mẹ trẻ nào cũng cảm nhận được: họ yêu quý, trân trọng và hiểu hơn những vất vả mà bố mẹ đã từng trải qua.
Con cái không chỉ là một nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của chị, làm mẹ còn đem lại cho chị niềm hạnh phúc. Nhìn lại quá trình làm mẹ, chị thấy mình có nhiều thay đổi so với khi chị độc thân hay không?
Sẽ chẳng có gì ví được như tình mẹ - con, quá lớn lao hơn những gì tôi hình dung hay mơ mộng về nó. Có con giúp tôi học cách trở thành một người mẹ, và con cái giúp tôi quay trở về tuổi thơ của mình, khi làm bạn với con. Có thể yêu thương đó giúp tôi bước vào thế giới văn chương, điều mà chỉ xuất hiện rõ nét trong một bài văn hồi lớp 5. Rõ ràng, tôi nhận được quá nhiều may mắn khi được làm mẹ.
Cuộc sống gia đình chắc hẳn không tránh khỏi những căng thẳng bộn bề, ngay trong cuốn “Mẹ yêu ai nhất” vừa đến tay độc giả, Sóc Mẹ cũng rất đăm chiêu khi con hỏi “Mẹ yêu ai nhất”, theo chị, người phụ nữ trong gia đình cần làm sao để gia đình luôn êm ấm, các con luôn hòa thuận với nhau?
Trong cuốn sách mới này, thế giới của Sóc Mẹ luôn ngổn ngang bởi những trò chơi khám phá của hai con. Nếu chỉ nhìn vào đó, đúng là toàn mệt mỏi, cáu kỉnh và la hét. Tôi cũng không phải là một người ngoại lệ. Nhưng văn chương giúp tôi ý thức rõ hơn về những giá trị của gia đình, và tôi luôn nhắc nhở bản thân điều đó. Tôi không nghĩ mình là người phụ nữ đảm đang, bạn bè tôi giỏi giang hơn rất rất nhiều lần. Khi viết sách, tôi cũng không nghĩ tác phẩm của mình mang thông điệp gì lớn lao, nó như tiếng gõ cửa vào tình yêu thương luôn vốn có trong mỗi người mẹ. Bởi mẹ vui, cả nhà sẽ cùng vui và hạnh phúc.
Ở Việt Nam còn tồn đọng quan niệm “trọng nam khinh nữ”, chị có đặt hy vọng cuốn “Mẹ yêu ai nhất” sẽ khiến các bậc phụ huynh giữ sự công bằng về tình yêu thương và chăm sóc các con, cho dù con là trai hay gái, lớn hay bé trong nhà?
Mỗi người làm bố, làm mẹ đều muốn mình trở thành một phụ huynh tốt nhất có thể. Nhưng giữa mong muốn và thực tế là một câu chuyện chất chồng âu lo và nhiều áp lực, do đó mọi người dễ quên đi mong muốn ban đầu. Song tôi cũng khá hy vọng về thông điệp yêu thương luôn xuất hiện trong mỗi cuốn sách, đủ yêu thương, mọi người sẽ biết sống vì nhau, tôn trọng nhau.
Cuốn “Mẹ yêu ai nhất” có nội dung không dài nhưng phải mất hơn 1 năm mới đến tay độc giả, chị thấy quá trình thực hiện cuốn sách này có điểm gì đặc biệt?
Chính xác ra là 1 năm 8 tháng. Tôi bắt đầu viết “Mẹ yêu ai nhất?” từ tháng 7/2017 và tới tháng 3 năm nay sách ra mắt. Ý tưởng đầu tiên của tôi chỉ là cách con trai và con gái bày tỏ tình yêu với mẹ. Nhưng khi sáng tác, tôi mới nhận ra câu hỏi của mình mấy chục năm về trước trong câu hỏi của con. Và trong khi viết “Mẹ yêu ai nhất?”, tôi cũng đồng thời đi tìm câu hỏi của mình, của mẹ mình, cả của những người xung quanh. Thú thực, tôi cảm giác nhẹ nhõm hẳn khi hoàn thành cuốn sách này. Dường như, tôi đã có được câu trả lời của riêng mình.
Chị có thể chia sẻ về phản ứng của độc giả với cuốn sách “Mẹ yêu ai nhất?”
Có không ít ông bố chia sẻ họ "phát hờn" vì cái tên, sao không phải là "Bố yêu ai nhất?". Thực ra, đề tài bố-con cũng rất hay ho và bản thân tôi nghĩ mình phải cân bằng hơn với các ông bố. Trong các sáng tác của tôi, nhân vật "ông bố" đang dần xuất hiện nhiều hơn, như một bài thơ ở tập thơ đang viết có bài "Chỉ đường cho mưa":
Con thích trời mưa
Chui vào lưng bố
Một túp lều nhỏ
Có màu xanh dương...
Chị có nghĩ trẻ con ngày nay không thích thơ không?
Với câu trả lời cho 2 tập thơ “Biển là trẻ con”, “Ngày xưa của con”, thì thơ vẫn được các bạn nhỏ cũng như phụ huynh chào đón. Thử thách tiếp theo mà tôi đang trả lời: nếu viết tiếp, mình có gì mới không? Và câu trả lời mà tôi đang đi tìm, đó là làm mới kho tàng văn học dân gian, đưa gần hơn với các bạn nhỏ. Ví như bài thơ “Nu na nu nống” tôi viết:
“Nu na nu nống
Mãi chả hết chân
Sâu nhỏ tủi thân
Khóc nhè cả tối
Bạn Rết bối rối
Rủ Sâu cùng chơi
Đếm số hết hơi
Chân to chân bé...”
Cảm ơn những chia sẻ từ chị. Chúc chị luôn hạnh phúc và thành công!