Như chúng tôi đã thông tin, ngày 21/2, Bộ TN&MT đã tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm 1,5 triệu m3 chất thải nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận). Tại buổi thẩm định này đã có một số ý kiến phản bác, không chấp nhận và đề nghị tính toán phương án khác.
Nhiều ý kiến khác cho rằng phải điều chỉnh lại vị trí nhận chìm và có đánh giá cụ thể hơn về những tác động của khối vật liệu nạo vét khổng lồ này đến môi trường biển, nhất là đối với khu bảo tồn biển rất quý hiếm - Hòn Cau (vì vị trí đổ thải chỉ cách vùng đệm khu bảo tồn này hơn 500 m).
Nhiều luận cứ không ổn
Trao đổi với chúng tôi cụ thể về vấn đề này, đại diện Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho rằng: “Dự án có quá nhiều điều không hợp lý”, nhất là các luận cứ trong đánh giá tác động của dự án có một số vấn đề không ổn. Theo đó đặc điểm địa hình khu vực nhận chìm không xét tới các yếu tố dòng chảy trong khu vực.
Dẫn chứng, vị này cho hay căn cứ dẫn chứng trong hồ sơ xin nhận chìm 1,5 triệu m3 vật liệu nạo vét của Vĩnh Tân 1 là tài liệu quan trắc thủy triều của một công ty tư vấn Trung Quốc. Các tài liệu nghiên cứu của Viện Hải dương học Việt Nam cũng như các tài liệu về vùng nước trồi trong khu vực được công bố đã không được đưa vào căn cứ này.
“Họ làm quá đơn giản, chỉ quan trắc trong 11 điểm ven bờ rồi kết luận chế độ thủy văn không có dòng hải lưu tại khu vực này là chưa đủ tin cậy” - vị đại diện Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho hay.
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng việc mô phỏng quá trình lan truyền chất từ hoạt động đổ thải của hồ sơ dự án cũng chỉ tính tới yếu tố gió trong ba phương pháp tính toán là không hợp lý. Ở đây phải tính tới sức lan tỏa của chất thải tính đến các dòng hải lưu trong khu vực. Có như vậy mới đánh giá và hình dung hết tác hại.
Cũng theo vị đại diện Khu bảo tồn biển Hòn Cau, dự án sẽ lấp 30 ha mặt đáy biển với chiều cao 3 m chất thải, như vậy độ lan tỏa theo dòng hải lưu sẽ là không nhỏ. Kèm theo đó là một diện tích rất lớn san hô đáy sẽ bị vùi lấp trong khi chỉ cần một lớp mỏng bụi lắng đọng vùi lấp là san hô đã chết, kéo theo mất vùng sinh thái của nguồn lợi khu vực. Mặt khác, nếu dự án chỉ đánh giá tác động trong khu vực xã Vĩnh Tân mà không tính đến tác hại của cả khu vực rộng là chưa đủ.
Có khi trăm năm không khôi phục được
Theo TS Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, thế giới có luật về chôn thải xuống biển quy định rất rõ xung quanh hoạt động này.
Do đó, trước hết, phải nghiêm túc xem việc cho nhận chìm xuống biển 1,5 triệu m3 chất thải nạo vét phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có phù hợp, đúng luật pháp quốc tế hay không. Bên cạnh đó, dù chưa có luật về chôn thải xuống biển nhưng nước ta có những luật khác như bảo vệ môi trường, quản lý đới bờ, bảo vệ đa dạng sinh học… Vì vậy, trước mắt phải căn cứ các luật đó mà xem xét, quyết định.
Về mặt khoa học, TS An cho rằng việc chôn xuống biển một lượng thải lớn như vậy sẽ tác động đến môi trường vô cùng lớn. “Nó sẽ phá vỡ toàn bộ chu trình sinh lý hóa của cả một vùng biển rộng lớn. 1,5 triệu m3 đâu phải là nhỏ. Trầm tích đang nằm im dưới biển như vậy, giờ bị khuấy động, moi lên, rồi nhận chìm xuống. Tác động đến môi trường là không hề nhỏ” - TS An cảnh báo.
Nói rõ hơn về tác hại này, TS An tiếp: “Khi nước biển bị đục thì ánh sáng không truyền xuống dẫn đến quá trình quang hợp không thực hiện được. Điều này làm cản trở quá trình lưu thông khí khiến môi trường sống thành môi trường chết”.
TS An cho rằng nguy hiểm nhất không phải là độc tính của chất thải chôn xuống mà tác động của chất thải đó do bị xáo trộn. Bởi việc nạo vét, chôn lấp sẽ tạo ra nhiều độc tính, ảnh hưởng rất lớn đến sinh vật, các quá trình sinh, hóa ở lòng biển.
“Đừng nghĩ vài năm có thể khôi phục được mà phải vài chục năm, thậm chí cả trăm năm vẫn chưa chắc đã khôi phục được như ban đầu” - TS An cho hay.
Đừng để dân gánh chịu hậu quả
Theo TS Nguyễn Tác An, việc tính toán di dời vị trí nhận chìm xa Khu bảo tồn Hòn Cau cũng chưa chắc không tác động nghiêm trọng đến khu bảo tồn này bởi tác động của gió và dòng chảy. Đặc biệt, Bình Thuận là vùng nước trồi rất lớn, ảnh hưởng đến cả vùng biển các tỉnh lân cận.
“Khi nhận chìm lượng chất thải đó, không tác động chỗ này thì tác động chỗ kia. Do đó đừng bao giờ xem biển là cái thùng rác không đáy” - TS An nói.
TS An cũng cho rằng cần phải làm rõ trong chất thải đó về hóa học nó tiềm ẩn những cái gì, việc chôn lấp diễn ra trong bao lâu, lưu lượng bao nhiêu… Nếu chưa phân tích, làm rõ những vấn đề này thì không thể xem xét.
Phải tổ chức nghiên cứu đàng hoàng. Các cơ quan quản lý nhà nước phải thẳng thắn, khách quan, không thể dùng quyền lực hành chính trong việc này. Còn giao cho doanh nghiệp thì người ta chỉ biết lợi ích trước mắt. Lợi nhuận thì doanh nghiệp bỏ túi nhưng hậu quả thì người dân phải gánh chịu.
Đại diện Bộ NN&PTNT tại buổi thẩm định trên cho rằng việc cho phép nhấn thải này sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch của Bộ NN&PTNT trong chiến lược 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu tôm mà Thủ tướng Chính phủ vừa phát động. Nếu chấp thuận cho việc nhấn phải điều chỉnh quy hoạch vùng phát triển sản xuất tôm giống ra những tỉnh khác.
Ngoài ra, các dự án quốc tế trong việc bảo tồn nguồn giống cá di cư theo vùng nước trồi Tuy Phong cũng có thể sẽ phải chọn lựa lại. Đó là những thiệt hại mà Bình Thuận sẽ phải gánh chịu trong thời gian tới.
Theo PLO