"Malaysia sẽ không tiếp tục là bãi rác cho các quốc gia phát triển và những người chịu trách nhiệm phá hủy hệ sinh thái của chúng ta bằng những hoạt động phi pháp này là những kẻ phản bội", Bộ trưởng Yeo nói với các phóng viên hôm thứ Ba.
"Chúng tôi sẽ chống trả lại. Mặc dù chúng tôi là một nước nhỏ, nhưng chúng tôi sẽ không bị bắt nạt", vị quan chức Malaysia khẳng định.
Các container chứa rác thải được chuyển đến Malaysia từ Mỹ, Anh, Singapore, Hà Lan, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Arab Saudi và Bangladesh. Các loại rác thải này có khối lượng lên tới 450 tấn bao gồm hộp sữa, bao bì nhựa và thậm chí cả đĩa CD.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, bà Yeo lưu ý rằng các quốc gia phát triển thường xuyên xuất khẩu chất thải sang các quốc gia đang phát triển như Malaysia.
"Rác được chuyển tới đây dưới cái mác tái chế. Người Malaysia buộc phải hứng chịu chất lượng không khí kém do tình trạng đốt nhựa, dẫn đến các mối nguy hiểm cho sức khỏe, các con sông bị ô nhiễm, các bãi rác bất hợp pháp xuất hiện tràn lan gây ra một loạt các vấn đề liên quan khác", vị Bộ trưởng chỉ ra.
Các quan chức của Bộ Môi trường Malaysia cũng sẽ kiểm tra 60 container khác chứa đầy 3.000 tấn chất thải, rất có thể sẽ được chuyển trở lại các nước xuất khẩu. Cho đến nay, chính phủ Malaysia tuyên bố đã kiểm tra hơn 120 container chất thải được chuyển tới từ các quốc gia phát triển. Tháng trước, quốc gia Đông Nam Á này đã trả lại 5 container chất thải cho Tây Ban Nha.
Malaysia đã phải vật lộn với chất thải nước ngoài kể từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu chất thải nhựa vào năm ngoái trong một nỗ lực nhằm cải thiện môi trường. Mặc dù Trung Quốc vẫn cho phép nhập khẩu nhựa, giấy và kim loại phế liệu, nhưng họ không còn chấp nhận các lô hàng có chứa chất thải nhựa hoặc rác tái chế trộn lẫn với chất thải. Tuy nhiên, động thái của Trung Quốc đã dẫn đến việc các quốc gia xuất khẩu chất thải tranh giành những lựa chọn mới về nơi xử lý rác.
Theo báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh vào tháng 11 năm 2018, Malaysia là "địa điểm bán phá giá mới" đối với chất thải nhựa từ hơn 19 quốc gia. Thái Lan, Việt Nam và Philippines cũng trở thành "căn cứ" cho rác thải nhựa từ các quốc gia khác.
"Chỉ trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2018, Malaysia đã nhập khẩu 754.000 tấn nhựa", báo cáo cho biết thêm rằng rác thải nhựa ở Malaysia sẽ được đốt trên "những con đường ngoài trời, bị đổ trong các bãi rác tư nhân gần các vùng nước, bị vứt bỏ trong các tòa nhà bỏ hoang hoặc không được chôn lấp".
Đầu tháng này, chính phủ của 187 quốc gia đã đồng ý về một hiệp định mới của Liên Hợp Quốc với mục tiêu hạn chế xuất khẩu chất thải nhựa chưa phân loại. Tuy nhiên, nước Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã không tham gia vào động thái bổ sung nhựa hỗn hợp vào Công ước Basel, hiệp ước quy định việc vận chuyển các vật liệu nguy hiểm giữa các biên giới.
Theo hiệp ước năm 1989, các nhà xuất khẩu phải nhận được sự đồng ý từ chính phủ các nước nhập khẩu trước khi vận chuyển chất thải nhựa bị ô nhiễm, hỗn hợp và không thể tái chế.