Thiết bị giá rẻ này có thể giúp hàng triệu người lớn tuổi trên khắp thế giới, những người mà không thể tiếp cận được việc điều trị hiện tại bởi chi phí quá đắt.
Suy giảm thính lực do tuổi tác ảnh hưởng đến hơn 200 triệu người lớn trên 65 tuổi trên toàn thế giới. Tỷ lệ sử dụng máy trợ thính vẫn còn tương đối thấp, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi có ít hơn 3% người lớn sử dụng thiết bị này - so với 20% ở các nước giàu hơn. Giá thành là một điều hạn chế. Một cặp máy trợ thính trung bình có giá 4.700 USD ở Mỹ và thậm chí các thiết bị khuếch đại âm thanh cá nhân giá rẻ - không đáp ứng tiêu chí để bán như máy trợ thính - có giá hàng trăm USD toàn cầu.
Máy trợ thính có thể giúp những người vẫn còn một số khả năng nghe, nhưng khó nghe thấy các âm vực cụ thể - chẳng hạn như chuông cửa hoặc điện thoại đổ chuông - hoặc phân biệt từng giọng nói trong một cuộc trò chuyện.
Điều này là do máy trợ thính có thể được điều chỉnh để tăng âm thanh ở các tần số nhất định, tùy thuộc vào loại mất thính lực của từng người. Người lớn tuổi có xu hướng mất khả năng nghe âm thanh ở tần số cao hơn.
Soham Sinha, TS nghiên cứu tại Đại học Stanford, đã có một khoảng thời gian dài sử dụng công cụ trợ thính mới này. Sinha làm việc trong dự án kể từ khi còn là sinh viên đại học. Anh cho biết: “Tôi bị khiếm thính bẩm sinh và đã không sử dụng máy trợ thính cho đến khi tôi học trung học. Dự án này đã cho tôi cơ hội để tìm hiểu những gì tôi có thể làm để giúp những người khác có thể ở trong hoàn cảnh giống mình nhưng không có đủ nguồn lực để mua máy trợ thính”.
Thay vì được treo sau tai, thiết bị mới với chi phí thấp của nhóm các nhà nghiên cứu sẽ được đeo quanh cổ người dùng. Nó sử dụng một micrô để thu nhận âm thanh, sau đó được gửi đến một bộ khuếch đại để tăng cường.
Saad Bhamla, một trong những người tham gia nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng các bộ lọc để định hình độ khuếch đại, để khuếch đại có chọn lọc âm thanh trên 1.000Hz. Điều này được thực hiện để phù hợp với cấu hình âm thanh mất thính lực liên quan đến tuổi điển hình, biểu hiện mất thính lực ở các tần số cao hơn trên 1.000Hz”.
Bhamla và nhóm của ông đã chọn tập trung vào mất thính lực do tuổi tác vì người lớn tuổi có xu hướng mất thính lực ở tần số cao hơn. Việc tập trung vào một nhóm lớn có mức độ khiếm thính tương tự đã đơn giản hóa thiết kế bằng cách thu hẹp phạm vi khuếch đại tần số âm thanh cần thiết.
Máy trợ thính hiện đại sử dụng bộ xử lý tín hiệu kỹ thuật số để điều chỉnh âm thanh, nhưng những thành phần này quá đắt và thiếu năng lượng cho mục tiêu của nhóm. Do đó, nhóm nghiên cứu đã quyết định chế tạo thiết bị của họ bằng cách sử dụng các bộ lọc điện tử để định hình đáp ứng tần số, một cách tiếp cận ít tốn kém hơn là tiêu chuẩn trên máy trợ thính trước khi bộ xử lý được phổ biến rộng rãi. Dự án này đã được đăng trên tạp chí PLOS ONE mới đây.