Chị Kim Phượng (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Gia đình tôi rất hạn chế trong việc nêm nếm mì chính trong các món ăn. Chỉ bỏ rất ít vì theo một số thông tin tôi đọc được mì chính không tốt cho sức khỏe”.
Chị PTT (nhân viên văn phòng, quận Tân Bình) cũng dùng muối súp để thay thế vì sợ mì chính gây hại cho sức khỏe.
Theo BS. CKI. Trần Thị Minh Nguyệt - PCT HĐQT Viện Dinh dưỡng NutiFood cho hay mì chính hay còn gọi là bột ngọt là tên thường dùng của Natri Glutamat (monosodium glutamate) là một loại gia vị dùng trong chế biến thực phẩm, nó giúp gia tăng vị ngon của thức ăn, kích thích vị giác. Hiện nay, nhiều tổ chức y tế và sức khỏe như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) chứng nhận mì chính an toàn.
Tại Việt Nam, mì chính được Bộ Y tế xếp vào danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm. Hiện tượng một số người ăn mì chính cảm thấy mỏi gáy, lạnh sống lưng… trước hết cần loại trừ nguyên nhân khác trùng lắp như cơ thể đang mệt, bị nhiễm siêu vi, dị ứng với các thành phần khác trong thức ăn có nêm mì chính… nếu không tìm thấy nguyên nhân hoặc cùng loại thức ăn đó nhưng không cho mì chính thì không bị thì có thể nghi ngờ cơ thể nhạy cảm với mì chính, khi đó khắc phục bằng cách tránh sử dụng mì chính trong chế biến thực phẩm.
Trước câu hỏi, có một số người khi ăn những thực phẩm nêm nếm mì chính thường xuất hiện cảm giác mỏi gáy, lạnh sống lưng, mệt mỏi, BS Nguyệt lý giải: “Với hiện tượng này, trước hết cần loại trừ nguyên nhân khác trùng lặp như cơ thể đang mệt, bị nhiễm siêu vi, dị ứng với các thành phần khác trong thức ăn như nêm mì chính... nếu không tìm thấy nguyên nhân hoặc cùng loại thức ăn đó nhưng không cho mì chính thì không bị, thì có thể nghi ngờ cơ thể nhạy cảm với mì chính, khi đó khắc phục bằng cách tránh sử dụng mì chính trong thực phẩm”.
Cũng theo BS Nguyệt, về nguyên tắc, mì chính được xem là phụ gia an toàn trong chế biến thức ăn nên có thể sử dụng cho trẻ, tuy nhiên vì là phụ gia nên liều lượng sử dụng không nhiều, không nên lạm dụng.
“Phải lưu ý rằng ở trẻ nhỏ giai đoạn ăn dặm không cần thiết phải dùng mì chính, vì trong mì chính có một hàm lượng Natri khoảng 1/3 so với muối ăn, nên dễ có nguy cơ thừa muối trong khẩu phần không tốt cho thận, trẻ lớn có thể nêm ít mì chính tạo vị ngon, kích thích trẻ ăn ngon mà không gây hại gì nhưng nên nhớ nó chỉ là gia vị, không phải chất dinh dưỡng, không nêm nhiều, không lạm dụng", BS Nguyệt đưa ra lời khuyên.
Đồng tình với ý kiến của BS Minh Nguyệt, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng khuyên: Đã có rất nhiều nghiên cứu, chứng minh mì chính không phải là nguyên nhân của các dấu hiệu như trong “Hội chứng Trung Quốc” và được công nhận là gia vị an toàn được phép sử dụng. Vậy ở đây có một số hiện tượng ấy là do nhiều nguyên nhân khác mà người ta chưa lý giải được, hiện nay một số người có hiện tượng gọi là “Hội chứng về mì chính” tức là khi ăn vào tự nhiên có cảm giác mỏi vai, uể oải...
“Nhưng phải biết rằng mì chính chỉ là gia vị nêm nếm món ăn và người già trẻ con không nên ăn nhiều. Lý do là vì mì chính không phải là chất dinh dưỡng, chất ngọt bởi nó không thay thế vị ngọt tự nhiên, giàu dinh dưỡng từ rau củ, cá, trứng...”, PGS Thịnh cho hay.
Vị giáo sư cũng cho biết hiện nay có một số sản phẩm như bột nêm làm từ nấm đông cô Nhật Bản tạo ra vị ngọt tự nhiên của nấm.
Những năm trước, hiện tượng “siêu bột ngọt” dùng nấu nước lèo, bún, phở... gây hoang mang dư luận có lẽ cũng là yếu tố khiến người tiêu dùng dè dặt trước vấn đề tiêu thụ mì chính sao cho đúng, an toàn.
BS Trần Thị Minh Nguyệt khuyên: "Cũng lưu ý cẩn thận khi mua mì chính phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh hàng trôi nổi kém chất lượng có nguy cơ mua phải mì chính giả chứa hóa chất độc hại. Mì chính gây hại nếu lạm dụng, sử dụng quá nhiều. Nhiều tài liệu cho thấy một người khỏe mạnh ăn mì chính với liều > 3 gram có thể xuất hiện các phản ứng phụ do quá liều".
Theo Pháp luật HCM