Mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành: Làm 1km đường gần 18 triệu USD

0:00 / 0:00
0:00

(Ngày Nay) -  Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Công ty Cửu Long) vừa đề xuất đầu tư thêm gần 10.000 tỷ đồng để mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành dài 24km.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành được đề xuất mở rộng với tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành được đề xuất mở rộng với tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng.

1km đường có chi phí hơn 400 tỷ đồng

Đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành là một phần của cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55km được đưa vào sử dụng năm 2015, với tổng kinh phí hơn 20.000 tỷ đồng. Dự án với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h. Điểm đầu tại nút giao thông An Phú (Q.2, TP.HCM), điểm cuối tại nút giao thông Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).

Đề xuất của Tổng Công ty Cửu Long nêu rằng, năm 2019, lưu lượng trung bình đoạn đầu tuyến (Long Phước - QL51) là hơn 52.000 lượt phương tiện/ngày đêm. Vào ngày lễ tết, cuối tuần lưu lượng này đạt gần 57.000 lượt. Trong đó, với quy mô hiện tại đáp ứng được khoảng 44.000 lượt nên xảy ra tình trạng quá tải.

Trên cơ sở đó, Tổng Công ty Cửu Long đề xuất mở rộng đoạn đường từ sau cầu Bà Dạt (P.An Phú, Q.2), điểm cuối tại vị trí dự kiến giao với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (thuộc thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Theo đề xuất, đoạn từ An Phú đến Vành đai 2 được mở rộng ra mỗi bên 5,25m để đạt quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 36m (không bao gồm làn xe thô sơ). Trên đoạn này sẽ xây dựng thêm mỗi bên 1 cầu phía ngoài các cầu hiện hữu.

Đoạn Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu mở rộng ra mỗi bên 7,5m để đạt quy mô 8 làn xe, chia thành 2 phân đoạn:

Đoạn từ đường Vành đai 2 đến Sông Tắc là đoạn cầu cạn, sau khi mở rộng sẽ thành 2 tuyến riêng biệt, mỗi bên rộng gần 20m. Đoạn từ Sông Tắc đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là phần đi trên nền đường đắp, quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 42,5m.

Trên tuyến đường này cũng xây dựng thêm mỗi bên một cầu phía ngoài các cầu hiện hữu 7,5m và khi hoàn thiện rộng 19,5m. Trong khi đó, khu vực cầu Long Thành xây dựng thêm một cầu hoàn chỉnh như giai đoạn 1, khoảng cách giữa 2 cầu gần 13m.

Theo phương án mở rộng này chỉ cần giải phóng mặt bằng đoạn từ nút giao Vành đai 2 – hết cầu Long Thành, giải phóng mặt bằng bổ sung mỗi bên thêm 3,5m, chi phí hơn 300 tỷ đồng.

Tổng công ty Cửu Long kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét phương án đầu tư công và tiếp tục có ý kiến với nhà tài trợ JICA của Nhật Bản để xem xét tài trợ vốn ODA cho dự án.

Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành dài 24km có tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng. Như vậy, chi phí thi công 1km đường là hơn 400 tỷ đồng (gần 18 triệu USD), 1m đường là hơn 400 triệu đồng.

Mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành: Làm 1km đường gần 18 triệu USD ảnh 1

Chi phí thi công 1km đường là hơn 400 tỷ đồng (gần 18 triệu USD)

Thế giới làm 1km đường mất bao nhiêu tiền?

Trang World highways từng chỉ ra rằng, chi phí để xây dựng 1km đường cao tốc tiêu chuẩn tại châu Âu rơi khoảng 6 triệu Euro (tương đương khoảng 163 tỷ đồng) đến 13 triệu Euro (khoảng 365 tỷ đồng, tỷ giá được xác định vào thời điểm đó) trên địa hình thông thường.

Theo đó, chi phí làm đường ở Áo được xem là đắt nhất với 12,87 triệu Euro/km (khoảng 362 tỷ đồng/km). Sau đó có thể kể đến lần lượt là Hungary với 11,21 triệu Euro/km (khoảng 313 tỷ đồng/km), Slovakia là 9,56 triệu Euro/km (khoảng 267 tỷ đồng/km) và Cộng hoà Czech là 8,86 triệu Euro/km (khoảng 248 tỷ đồng/km)…

Một quốc gia có hệ thống đường cao tốc thuộc hàng nhất nhì thế giới là Đức thì cần 8,24 triệu Euro/km (khoảng 236 tỷ đồng/km) ở địa hình thông thường.

Tại Mỹ, ước tính mỗi km đường cao tốc đi qua khu vực nông thôn là khoảng 5 triệu USD (tương đương 113 tỷ đồng/km), đi qua khu vực thành thị có chi phí khoảng 24,5 triệu USD (khoảng 560 tỷ đồng).

Trong khi đó tại Việt Nam, theo báo cáo nghiên cứu khả thi của cao tốc Bắc Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt và công bố hồi 6/2020, 11 dự án thành phần dài 653 km có tổng mức đầu tư hơn 102.500 tỷ đồng, gồm chi phí giải phóng mặt bằng hơn 11.400 tỷ đồng, xây dựng và thiết bị 67.900 tỷ đồng, quản lý dự án là 7.700 tỷ đồng, chi phí dự phòng 12.300 tỷ đồng và lãi vay hơn 3.000 tỷ đồng.

Như vậy, không tính chi phí giải phóng mặt bằng thì suất đầu tư trên mỗi km của cao tốc Bắc Nam 4 làn xe là 115 tỷ đồng/km. Không hiểu vì sao, dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành cũng có 4 làn xe lại có chi phí 400 tỷ đồng/km, cao gấp 3,4 lần cao tốc Bắc Nam và cao hơn nhiều so với một số nước trên thế giới?!

Năm 2018, UBND TP.HCM cho phép chuyển đổi một phần khu dân cư Hòa Bình (huyện Nhà Bè) sang đầu tư 462 căn hộ nhà ở xã hội, với giá từ 400 triệu đồng/căn. Số tiền 400 triệu đồng cũng là chi phí thi công làm 1m đường cao tốc TP.HCM - Long Thành mà Tổng Công ty Cửu Long đề xuất nguồn vốn.

TIN LIÊN QUAN
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
(Ngày Nay) - Từ đầu năm 2024 đến nay, Viettel đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 8 triệu thuê bao lên thiết bị 4G trên cả nước. Hiện tại, trên toàn mạng Viettel còn khoảng 500.000 thuê bao sử dụng máy 2G. Dự kiến, Viettel sẽ hoàn thành xong việc chuyển đổi cho số lượng khách hàng này trước ngày 15/10 – thời điểm tắt sóng 2G.
Việt Nam tin tưởng vào quá trình hợp tác với WIPO
Việt Nam tin tưởng vào quá trình hợp tác với WIPO
(Ngày Nay) -  Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ngày 26/9 đã tổ chức lễ công bố báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2024.
Những kẻ lừa đảo chỉ cần 3 giây để sao chép giọng nói bằng AI
Những kẻ lừa đảo chỉ cần 3 giây để sao chép giọng nói bằng AI
(Ngày Nay) -  Ngân hàng trực tuyến Starling Bank của Anh vừa cho biết hàng triệu người có thể bị lừa bởi những kẻ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để sao chép giọng nói. Ngân hàng này cảnh báo rằng chỉ cần 3 giây âm thanh từ một video đăng trên mạng xã hội, kẻ gian có thể dùng AI để tạo ra bản sao giọng nói của nạn nhân. Sau đó, chúng tiếp cận bạn bè và người thân của họ để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền bằng giọng nói đã được sao chép.