Bài 1: Người dân khốn khổ do quy hoạch treo 30 năm
Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc (P.An Phú, TP.Thủ Đức) có chủ trương đầu tư từ năm 1994, tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, được quy hoạch bao gồm các công trình thể thao đạt chuẩn olympic như sân vận động 50.000 chỗ thi đấu bóng đá và điền kinh, nhà thi đấu thể thao tổng hợp, hồ bơi....
Quy hoạch treo 30 năm
Dự án ban đầu có tổng diện tích 466ha nhưng không được xây dựng như kế hoạch. Mãi đến năm 2017, dự án được tái khởi động để chuẩn bị phục vụ đăng cai SEA Games 31 (diễn ra năm 2022), nhưng rơi vào im lìm. Sau nhiều lần điều chỉnh, Khu liên hợp hiện nay chỉ còn lại khoảng 212ha, trong đó có 187ha dự kiến xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, phần diện tích 26ha còn lại thuộc phạm vi quy hoạch Khu Saigon Sports City (Khu 1).
Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc nằm trên khu đất hình ngũ giác, trong đó, 3 mặt tiếp giáp với đường Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp), một mặt tiếp giáp với sông Rạch Chiếc, mặt còn lại tiếp giáp Sân golf Rạch Chiếc (nay đã đổi quy hoạch thành dự án Masteri Centre Point).
Bên trong dự án có một số sân tập golf, sân bóng đá nhân tạo,... quy mô nhỏ do tư nhân xây dựng và cho thuê lại. |
Hiện nay, hạ tầng giao thông quanh dự án đã cơ bản được xây dựng hoàn thiện, các dự án bất động sản theo đó cũng mọc lên như nấm sau mưa. Nằm lọt thỏm giữa những dự án hiện đại, Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc và cả Khu Saigon Sports City đến nay vẫn án binh bất động, bên trong là bãi đất trống, cây cối mọc um tùm.
Một ngày giữa tháng 10/2024, phóng viên có mặt ghi nhận thực tế khu việc này. Bên trong dự án, ngoài tuyến đường Liên Phường cơ bản hoàn thành và khu nhà mẫu của Khu Saigon Sport City thì toàn bộ khu đất đang bỏ hoang, một số công trình thể thao như sân tennis, sân tập golf, sân bóng đá,... được tư nhân xây dựng với quy mô nhỏ để cho thuê. Phần lớn diện tích đất là ao cá, rừng dừa, cây dại... mọc um tùm, xen lẫn với những dãy nhà đã xuống cấp, lụp xụp của cư dân do chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Người dân khốn khổ suốt 3 thập kỷ
Men theo nhiều đoạn đường đất lòng vòng, phóng viên gặp bà Tư trong một tiệm tạp hóa nhỏ xây dựng tạm bợ bằng tôn. Bà cho biết đã sống trên khu đất này hàng chục năm. Khoảng năm 1990 thấy chính quyền công bố quy hoạch xây khu thể dục thể thao, đến năm 1994 thì nhận được một số giấy tờ liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, nhưng suốt một thời gian dài sau đó không thấy chính quyền đả động gì nữa.
“Năm 2019, có một đoàn cán bộ xuống đo đạc, bảo là chuẩn bị thu hồi đất để triển khai dự án nhưng sau đó vẫn không thực hiện. Dự án quy hoạch hơn 30 năm, người dân chúng tôi phải cất nhà tạm bợ bằng tôn, trời nắng thì nóng không chịu nổi, trời mưa thì mái tôn ồn ào, đường sá lầy lội, sống khổ lắm! Nhà nào muốn xây dựng, sửa sang kiên cố chút thì cán bộ xuống đập bỏ”, bà Tư kể.
Do vướng quy hoạch nên đường đi lại của cư dân bên trong dự án đa số là đường đất. |
Theo người phụ nữ luống tuổi, phần đất của gia đình hiện tại vẫn là đất vườn, đất ao, vì vướng quy hoạch nên không thể lên được thổ cư, do đất nằm trong khu đô thị hiện đại nên cũng không thể làm nông nghiệp để sinh sống được. Nhiều hộ dân tại đây đã chuyển sang xây nhà trọ tạm bợ bằng tôn, cho thuê với giá rẻ để có tiền trang trải cuộc sống. Một số hộ dân vì gia đình có người đau ốm, lo tiền cho con cái ăn học nên họ tìm cách bán đất nhưng cũng khó khăn hoặc không được giá cao do đất vướng quy hoạch. Vì cuộc sống nên nhiều hộ dân đã quyết định bán rẻ rồi tản mát về các tỉnh sinh sống.
Hàng xóm của bà Tư cho biết, gia đình sống ở đây từ bao đời nhưng từ khi đất bị quy hoạch như sống trên đống lửa. Ròng rã suốt mấy chục năm không làm được gì ngoài chờ đợi trong vô vọng, cứ sống vật vờ trên khu đất tổ tiên để lại. Không biết đến bao giờ cư dân mới được đền bù giải phóng mặt bằng.
“Tôi chẳng yêu cầu gì nhiều, cũng không thương lượng gì ngoài mức giá nhà nước đưa ra. Chỉ mong được hoán đổi nền đất, xin lại một phần đất của mình trong dự án để con cháu còn có nơi đi về, có chỗ thờ cúng ông bà tổ tiên. Yêu cầu của gia đình chỉ đơn giản thế thôi nhưng cứ mòn mỏi chờ đợi mãi. Khi công bố quyết định quy hoạch thì mẹ tôi 50 tuổi, đến nay 84 tuổi mà mọi thứ vẫn còn ở trạng thái treo, có lúc mẹ con ôm nhau khóc nói: “Đến khi mẹ chết cũng chưa chắc được đền bù, mất hết niềm tin rồi”.
Cuộc sống của bà Tư và người hàng xóm cũng như nhiều người dân khác ở đây vô cùng khốn khổ. Họ không ước mong gì hơn là hy vọng chính quyền có làm dự án thì bồi thường giải phóng mặt bằng sớm, ổn thoả để họ còn chuyển đi nơi khác tính kế sinh nhai. “Chứ đất vướng quy hoạch, bám trụ lại thì khổ trăm bề mà đi thì không có tiền để sống giữa thời buổi vật giá leo thang. Còn nếu không thực hiện được thì hủy quy hoạch đi để chúng tôi có thể mua bán, sang nhượng đất, cất nhà khang trang, an cư lạc nghiệp...”, người dân gửi gắm mong mỏi đến chính quyền.
Dãy nhà tôn lụp xụp bên trong Khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc. |
Tại buổi họp báo về kinh tế - xã hội và các vấn đề dư luận quan tâm trên địa bàn TP.HCM diễn ra ngày 26/9/2024 mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, năm 2021, UBND TP đã ban hành Quyết định 2641/QĐ-UBND về duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc. Dự kiến trong tháng 10/2024, Sở sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, mời gọi đầu tư 16 dự án tại đây với tổng mức đầu tư dự kiến 20.960 tỷ đồng theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Được biết, một phân khu trong Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc là Khu Saigon Sport City (có diện tích 64ha, chia thành 2 khu) mới đây đã được chủ đầu tư là Công ty Keppel Land chuyển nhượng 70% cổ phần cho 2 đối tác với giá trị chuyển nhượng tối đa 7.440 tỷ đồng. Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của TP.Thủ Đức, phân khu này đã được bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao đất cho chủ đầu tư.
Bài 2: Khu Saigon Sports City chưa giao đất cho chủ đầu tư