Những năm gần đây, doanh nghiệp do doanh nhân Nguyễn Văn Đạt làm Chủ tịch HĐQT còn đảm nhận vai trò nhà đầu tư tại nhiều dự án thực hiện bằng hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT, hợp đồng BT tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác với tổng vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các Sở ngành giải quyết dứt điểm vấn đề Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. |
Bài 1: “Tối hậu thư” cho Nhà thi đấu Phan Đình Phùng
Sau 14 năm kể từ lúc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án xây dựng mới Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng (còn gọi là Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, số 8 Võ Văn Tần, Q.3) vẫn là bãi đất trống được quây tôn trên đất vàng giữa lòng TP.HCM.
Cuối tháng 3/2024, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp với Tổ công tác giải quyết vướng mắc liên quan đến Nhà thi đấu này và ra “tối hậu thư”, giao các Sở ngành xử lý dứt điểm vấn đề tồn tại, rà soát cơ sở pháp lý, đề xuất hình thức thực hiện, trong đó có nội dung dừng dự án BT (xây dựng – chuyển giao) chuyển sang đầu tư công. Hạn chót trước ngày 10/4/2024 phải hoàn tất, không được chậm trễ.
Động thái cứng rắn của Lãnh đạo TP.HCM được đưa ra sau chuỗi các bất cập kéo dài tại dự án. Ngay phiên chất vấn kỳ họp HĐND cuối năm vừa qua, trước câu hỏi về sự lãng phí đất vàng của đại biểu, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng nhìn nhận thẳng thắn về thực trạng hoang phí trên. Còn người dân thành phố, các cơ quan truyền thông thì sử dụng không biết bao nhiêu mỹ từ để mô tả dự án, như: án binh bất động, chậm trễ, trì trệ, bỏ hoang....
Số phận long đong
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng toạ lạc trên phần diện tích đất rộng 1,4ha, nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố với 4 mặt tiền đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần là cổng chính (Q.3). Trước đây, Nhà thi đấu được gọi là Câu lạc bộ Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng, khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1985. Năm 2003, Câu lạc bộ được sửa chữa quy mô lớn để phục vụ một số môn của Đại hội Thể dục Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 22.
Trước khi được di dời vào năm 2017, Nhà thi đấu là nơi tổ chức nhiều sự kiện thể thao quan trọng. Bên ngoài, người dân có thể tập luyện, chơi các môn thể dục thể thao yêu thích. Ảnh: Phạm Hữu |
Những năm sau, nhiều sự kiện thể dục thể thao quan trọng trong nước và quốc tế do Việt Nam đăng cai được tổ chức tại đây, như: Giải bóng bàn Quốc tế Cây vợt vàng, Giải bóng chuyền quốc tế TP.HCM, Giải bóng chuyền sinh viên toàn quốc... và các môn khác như: bóng rổ, cầu lông, võ thuật, Billiards & Snooker... quy tụ nhiều vận động viên tên tuổi tham dự và thu hút sự chú ý từ công chúng.
Đến năm 2008, Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng trực thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hoá Thể thao) được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Câu lạc bộ. Trải qua hàng chục năm tuổi, Nhà thi đấu có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, nhiều hạng mục không còn đáp ứng chức năng tổ chức thi đấu nên UBND TP.HCM có công văn số 1203 ngày 20/3/2010 gửi Chính phủ xin chủ trương thực hiện thí điểm dự án đầu tư Nhà thi đấu mới. Hơn một tháng sau, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý chủ trương thí điểm đầu tư xây dựng theo hình thức BT.
Đến năm 2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi đó có văn bản chỉ đạo các vấn đề liên quan; Tổng Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) cho ý kiến thống nhất mục tiêu, chức năng, quy mô, các tiêu chí…. Tháng 9/2011, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư cho Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải toả (thuộc Công ty Cổ phần Đức Khải) làm chủ đầu tư dự án xây dựng Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức BT.
Trong quãng thời gian từ năm 2011-2013, Văn phòng UBND nhiều lần truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo UBND TP.HCM để đẩy nhanh tiến độ vì tính cấp bách của dự án, như: Năm 2011 giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm hướng dẫn Sở Văn hoá Thể thao Du lịch và nhà đầu tư tổ chức thi tuyển phương án thiết kế. Năm 2013, yêu cầu đơn vị đoạt giải cuộc thi hoàn thiện phương án thiết kế công trình…
Riêng năm 2012, UBND TP.HCM có chỉ đạo chấp thuận phương án xây dựng các nhà tiền chế để di dời tạm Nhà thi đấu về CLB Thể thao Phú Thọ, nêu: “Dự án xây mới Nhà thi đấu là công trình cấp bách trong chương trình hành động của Thành uỷ từ năm 2012-2015. Hiện nay, việc di dời để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư tiến hành khởi công xây dựng là cấp thiết”.
Cần thiết là vậy, cấp bách là vậy nhưng trải qua nhiều năm, diện mạo Nhà thi đấu cũ vẫn không có gì thay đổi, còn dự án xây mới như chìm vào lãng quên, chưa thấy di dời, động thổ, khởi công hay xây dựng. Mãi đến năm 2014, vấn đề xây dựng Nhà thi đấu mới được mang ra bàn bạc, mổ xẻ khẩn trương sau khi xảy ra một sự cố nghiêm trọng tại Giải Cầu lông quốc tế Việt Nam mở rộng năm đó.
Sự cố sập trần nhà vào năm 2014. Ảnh: Quốc Anh |
Khoảng 19 giờ 30 ngày 2/9/2014, khi tay vợt người Indonesia tranh tài cùng đối thủ đến từ Đài Loan (Trung Quốc) trên sân số 3 thì hàng trăm mảng trần Nhà thi đấu đổ sập. Các vận động viên, trọng tài nháo nhào chạy thoát thân, không gian hỗn loạn. May mắn trong vài khoảnh khắc trước sự cố, một số mảnh vỡ trần nhà rơi xuống sàn, các tay vợt kịp di chuyển ra khỏi sân đấu nên không có ai bị thương. Giải sau đó được chuyển sang Trung tâm Văn hoá Thể thao Q.Tân Bình để tiếp tục.
Phát Đạt âm thầm xuất hiện
Theo thiết kế, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng có 7 tầng nổi 3 tầng hầm bao gồm 2 khối: cụm nhà thi đấu chính và khu vực nhà tập luyện đa năng, điểm nhấn là sân thi đấu với khán đài có sức chứa 4.000 chỗ ngồi. Ngoài ra, dự án còn xây khối văn phòng, phòng chức năng dành cho ban tổ chức, trọng tài, vận động viên, họp báo, kỹ thuật và hầm để xe… bảo đảm tiêu chuẩn tổ chức tất cả các môn thể thao trong nhà.
Ban đầu, khi Tổng Công ty Cổ phần Đền bù giải toả được chỉ định làm nhà đầu tư, dự án có giá trị 988 tỷ đồng được thực hiện trong thời gian từ 2010-2012. Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư bàn giao Nhà thi đấu cho TP.HCM quản lý, khai thác, sử dụng. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ nhận được toàn bộ mặt bằng nhà, đất ở số 257 đường Trần Hưng Đạo (Q.1) với diện tích 2.350m2. Do thời gian thực hiện kéo dài nên dự án bị đội vốn lên hơn 1.352 tỷ đồng buộc thành phố phải bổ sung thêm khu đất số 3 - 3bis đường Phan Văn Đạt (Q.1) rộng 902m2 vào quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư.
Dự án từ năm 2018 do Liên danh Công ty Phát Đạt và Tổng Công ty Cổ phần Đền bù giải toả làm nhà đầu tư. |
Sau khi sự cố sập trần nhà (như đã nói ở phần đầu) xảy ra, UBND TP.HCM và các Sở ngành có nhiều văn bản chỉ đạo, nêu ý kiến về kế hoạch triển khai nhưng dự án vẫn giậm chân tại chỗ, toà nhà cũ vẫn chưa được di dời. Theo tài liệu mà phóng viên thu thập được, ngày 14/12/2014, Tổng Công ty Cổ phần Đền bù giải toả ký kết hợp đồng hợp tác phát triển bất động sản số 69-69/HĐHTĐT/TCT-PĐC với Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Công ty Phát Đạt) để xây dựng Nhà thi đấu Phan Đình Phùng.
“Hai bên sẽ thành lập một công ty chung gọi là công ty BT để thực hiện dự án và tiếp nhận tất cả các khu đất theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền…. Sau khi công ty BT được cơ quan có thẩm quyền cho phép ký hợp đồng nguyên tắc và/hoặc hợp đồng BT, thì Công ty ĐBGT (Đền bù Giải toả - PV) sẽ chuyển giao quyền thực hiện dự án cho công ty BT… Từ những quỹ đất nhận được, căn cứ vào tình hình thị trường và khả năng tài chính, Phát Đạt có thể chuyển nhượng hoặc phát triển thành dự án căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ”.
Từ cuối năm 2014, dù chưa công khai xuất hiện nhưng Phát Đạt đã âm thầm có mặt trong Liên danh nhà đầu tư. Hai năm tiếp theo trôi qua, dự án vẫn chưa triển khai làm tổng vốn đầu tư một lần nữa đội lên 1.953 tỷ đồng (bao gồm chi phí thiết bị và lãi vay trong thời gian xây dựng). Lúc này, TP.HCM lại kiến nghị bổ sung thêm khu đất rộng 3ha tại Trường đua Phú Thọ (Q.11) vào quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư.
Dự án này chỉ định nhà đầu tư cho Tổng Công ty Cổ phần Đền bù giải toả nhưng đến ngày 2/1/2018, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 01 duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, lúc này, Công ty Phát Đạt chính thức hiện diện trong Liên danh. Sáu tháng sau, Liên danh nhà đầu tư góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Công trình PĐP để thực hiện, trong đó, Phát Đạt góp 147 tỷ đồng (chiếm 49% vốn điều lệ 300 tỷ đồng).
Theo hợp đồng đã ký, Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải toả sẽ chuyển giao quyền thực hiện dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Công trình PĐP, hiện do ông Nguyễn Khắc Sinh làm Tổng Giám đốc. Ông Sinh cũng là Phó Tổng giám đốc của Công ty Phát Đạt.
Theo tài liệu của Sở Văn hoá Thể thao TP.HCM, chỉ có khu đất số 257 Trần Hưng Đạo được Thủ tướng chấp thuận, các khu đất còn lại đang tính toán. |
Như vậy, kể từ lúc được Thủ tướng chấp thuận chủ trương và TP.HCM chỉ định nhà đầu tư ban đầu với số vốn 988 tỷ đồng, thanh toán bằng khu đất số 257 đường Trần Hưng Đạo (Q.1) rộng 2.350m2, đến khi có sự xuất hiện của Công ty Phát Đạt, tổng vốn đầu tư đã tăng lên gần gấp đôi 1.953 tỷ đồng kéo theo quỹ đất dự kiến dùng để thanh toán cho hợp đồng BT phải bổ sung thêm khu đất số 3 - 3bis đường Phan Văn Đạt (Q.1) rộng 902m2 và khu đất 3ha tại trường đua Phú Thọ (Q.11) - đều là những khu đất vàng của thành phố với giá trị ước tính hàng nghìn tỷ đồng.
UBND TP.HCM vào tháng 1/2024 đã có văn bản chuyển nội dung đến Sở Văn hoá Thể thao xử lý thông tin trao đổi của phóng viên liên quan dự án này nhưng đến nay Sở vẫn chưa có phản hồi.
Khắc Thành
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng là một trong số ít các dự án được Thủ tướng đồng ý cho tiếp tục triển khai xây dựng theo hợp đồng BT sau khi phương thức hợp tác công tư này chính thức dừng lại năm 2019. Cuối năm 2022, UBND TP.HCM cũng thành lập Tổ công tác giải quyết vướng mắc liên quan đến dự án do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng, cùng các sở liên quan như Sở Văn hóa Thể thao, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính. Theo tài liệu của Sở Văn hoá Thể thao TP.HCM, chỉ có khu đất số 257 Trần Hưng Đạo được Thủ tướng chấp thuận, các khu đất còn lại đang tính toán.
Nhà thi đấu có 4 mặt tiền, nằm giữa trung tâm TP.HCM bị bỏ hoang nhiều năm qua. |
Từ ngày đó đến hôm nay, dự án vẫn chưa nhúc nhích, xác lập mốc 14 năm “trùm mền”; trong đó, kể từ lúc Công ty Phát Đạt xuất hiện chính thức (từ 2018) đến nay đã 6 năm mà dự án vẫn “án binh bất động”, bốn mặt quây tôn, bên trong cỏ cây rậm rạp. Vì những vấn đề trên mà UBND TP.HCM yêu cầu các Sở ngành giải quyết dứt điểm trước ngày 10/4/2024 tới đây.
Không chỉ góp mặt tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt còn được ưu ái tham gia nhiều dự án BT khác tại TP.HCM trong những năm qua nhưng đều dang dở. Bài 2: Hạ tầng Khu Cổ đại ì ạch, dang dở, bỏ hoang