Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 2: Hạ tầng Khu Cổ đại ì ạch, dang dở, bỏ hoang

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đã 6 năm trôi qua kể từ ngày khởi công (2018-2024), Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật nội bộ Khu Cổ đại (Khu I) trong Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc TP.HCM được thực hiện bằng hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) chỉ hoàn thành một phần khối lượng công việc, phần lớn còn lại dang dở, bỏ hoang.
Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 2: Hạ tầng Khu Cổ đại ì ạch, dang dở, bỏ hoang ảnh 1

Dự án Công viên Lịch sử Văn hoá Dân tộc TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiền khả thi vào năm 1997 rộng 408ha.

Hơn 25 năm chưa thành hình

Dự án Công viên Lịch sử Văn hoá Dân tộc TP.HCM (gọi tắt là Công viên) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiền khả thi vào năm 1997 với tổng diện tích khoảng 408ha và khởi động năm 2001. Theo Quyết định số 687 năm 2009 của UBND TP.HCM, Công viên có tổng diện tích đất xây dựng hơn 403ha, gồm hơn 376ha thuộc P.Long Bình, Q.9 (nay là TP.Thủ Đức) và gần 27ha thuộc xã Bình An, huyện Thuận An (nay là P.Bình Thắng, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Công viên là công trình cấp Quốc gia, một dự án lớn về quy mô sử dụng đất và mức vốn đầu tư, có nội dung phong phú và phức tạp nên Thủ tướng Chính phủ thời điểm đó yêu cầu TP.HCM trên cơ sở dự án tiền khả thi, cần triển khai xây dựng dự án khả thi chi tiết từng khu chức năng. Việc lựa chọn các mốc lịch sử và các công trình (mô hình) thể hiện phải tiếp tục được nghiên cứu kỹ hơn trước khi quyết định…

Theo quy hoạch, Công viên gồm 4 phân khu chức năng: Khu cổ đại (Khu I) với diện tích hơn 84ha tái hiện thời Hùng Vương cho đến Ngô Quyền (năm 938); Khu Trung đại (khu II) hơn 29ha tái hiện những sự kiện lịch sử thời Đinh, Lê, Lý, Trần đến thời Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn (Thế kỷ 10 - Thế kỷ 18); Khu Cận hiện đại (Khu III) gần 36ha tái hiện từ thời nhà Nguyễn đến thời đại Hồ Chí Minh; Khu sinh hoạt văn hóa (Khu IV) rộng hơn 245ha, bao gồm Cù lao Bà Sang (gần 40ha) xây dựng các khu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí theo chuyên đề.

Ngoài ra, dự án còn có các khu du lịch nghỉ dưỡng như Khu làng văn hóa du lịch suối khoáng, Khu công viên mạo hiểm và quảng trường, Khu nhà nghỉ thấp tầng ở phía Đông, Khu Du lịch sinh thái cù lao Bà Sang, Khu sinh hoạt thể dục thể thao ngoài trời và đất dự trù phát triển dịch vụ hạ tầng… Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ toàn dự án.

Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 2: Hạ tầng Khu Cổ đại ì ạch, dang dở, bỏ hoang ảnh 2

Khu thông tin giới thiệu chung thắng cảnh Việt Nam thu nhỏ.

UBND TP.HCM sau khi thực hiện các thủ tục cần thiết thì giao cho Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hoá Dân tộc làm chủ đầu tư. Năm 2002, một trong những dự án thành phần đầu tiên là khu Tưởng niệm các vua Hùng có quy mô 6ha (giai đoạn 1) chính thức được khởi công nhưng mãi đến 7 năm sau mới khánh thành và đưa vào sử dụng (2009). Đến 6/2016, Đền thờ Đức lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được hoàn tất sau 14 tháng thi công và 3 năm sau khánh thành tượng. Hai công trình này, khu thông tin giới thiệu chung và nhà điều hành là những dự án ít ỏi được hoàn tất tại Công viên, hàng trăm hecta đất còn lại dường như bỏ trống, các công trình khác chưa hoàn thành như dự kiến.

Trên phạm vi có cả nghìn hộ dân bị ảnh hưởng nhưng vấn đề đền bù giải toả diễn ra ì ạch, thời gian kéo dài làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Thông báo Kết luận Thanh tra của Thanh tra TP.HCM vào năm 2018 chỉ ra nhiều tồn tại liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và quản lý, sử dụng đất thuộc dự án. Tính đến thời điểm 2019, tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng đạt trên 90%, trong đó, TP.HCM đạt 91%, tỉnh Bình Dương đạt 85%.

Thanh tra cũng chỉ ra, Trung tâm Đầu tư và Phát triển Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc (tiền thân của Ban Quản lý hiện nay) ký kết 19 hợp đồng với 15 đơn vị, trong đó đa số là hợp đồng thuê mặt bằng với tổng diện tích hơn 35ha, thời hạn đa số từ 1-5 năm. Một số sử dụng vào kinh doanh cà phê, giải khát, quán ăn, bãi xe cơ giới chuyên dùng, xe container, garage sửa xe, xây trộn bê tông… trên diện tích đất đã thu hồi từ các hộ dân.

Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 2: Hạ tầng Khu Cổ đại ì ạch, dang dở, bỏ hoang ảnh 3

Đền Đức lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Trải qua ngần ấy năm, hàng trăm hộ dân đã di dời, nhường nơi ở nhưng dự án hiện nay vẫn để trống hàng trăm hecta. Hàng chục dự án thành phần chỉ nằm trên kế hoạch, còn ngoài thực địa thì không thấy đâu. Ngay cả cơ sở hạ tầng đường giao thông đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh, chỗ xây dựng, nơi chắp vá, ngổn ngang lộn xộn.

Dang dở dự án BT của Phát Đạt

Tháng 11/2015, UBND TP.HCM phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư Công ty Cổ phần Đức Khải thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật nội bộ Khu I (Khu cổ đại) thuộc Khu công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng mức đầu tư khoảng 936 tỷ đồng.

Dự án gồm các hạng mục: Xây dựng mới đường bê tông nhựa, đường đi bộ, bãi đậu xe, hệ thống cây xanh vỉa hè, cây xanh công viên, hệ thống tưới nước, hệ thống chiếu sáng…; Xây dựng cầu bê tông cốt thép bắt qua rạch Đồng Tròn; Xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải và trạm xử lý nước thải; Xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt; nạo vét rạch, bờ kè hồ và bờ kè rạch; hệ thống hào kỹ thuật nhiều ngăn (điện, nước, thông tin liên lạc...); hệ thống cấp điện (trung, hạ thế và trạm biến áp).

Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 2: Hạ tầng Khu Cổ đại ì ạch, dang dở, bỏ hoang ảnh 4

Thiết kế cảnh quan Khu Cổ đại (Khu I) thuộc dự án Công viên.

Theo quyết định của thành phố, dự án dự kiến được khởi công trong tháng 12/2015, hoàn thành trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, mãi đến tháng 10/2018, Lễ động thổ dự án mới được diễn ra, do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Kỹ thuật Coinin (Công ty Coinin) làm nhà đầu tư. Đây là doanh nghiệp dự án được thành lập vào năm 2016 trên cơ sở 270 tỷ đồng vốn điều lệ do Công ty Cổ phần Đức Khải (Công ty Đức Khải) góp 88% và Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải toả góp 12% - công ty này cũng thuộc Đức Khải.

Vài tháng trước ngày động thổ, 19/3/2018, HĐQT Công ty Phát Đạt công bố thông tin mua lại 68% vốn góp của Công ty Đức Khải và 12% của Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải toả tại Công ty Coinin. Sang tháng 4/2018, Phát Đạt có thông báo gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM việc Coinin là công ty con của doanh nghiệp địa ốc này với tỷ lệ sở hữu cổ phần là 80%.

Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật nội bộ Khu I (Khu cổ đại) được UBND TP.HCM chỉ định cho Công ty Đức Khải nhưng bằng việc mua bán cổ phần đã về tay Phát Đạt. Sau khi hoàn tất các hạng mục và nghiệm thu công trình, thành phố sẽ dùng khu đất rộng gần 24ha Cù lao Bà Sang (P.Long Bình, TP.Thủ Đức) để thanh toán cho hợp đồng BT. Đây là đất sạch, khoảng 60 hộ dân đã được đền bù giải toả xong từ những năm 2005-2006.

Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 2: Hạ tầng Khu Cổ đại ì ạch, dang dở, bỏ hoang ảnh 5

Một góc Cù lao Bà Sang, khu đất dự kiến sẽ thanh toán cho hợp đồng BT.

Nghị định số 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT nêu: “Trường hợp sử dụng quỹ đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT thì UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước khi quyết định chủ trương đầu tư dự án.... Và việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất thực hiện theo nguyên tắc ngang giá...”.

Dự án hạ tầng kỹ thuật nội bộ Khu Cổ đại được chia làm nhiều gói thầu, trong đó gói thầu lớn nhất trị giá hơn 770 tỷ đồng được nhà đầu tư chỉ định cho Công ty TNHH TMDV Vận tải Xây dựng Giao thông T&T. Thời gian thực hiện trong vòng 30 tháng. Gói thầu tư vấn giám sát 8,4 tỷ đồng do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư Idico đảm nhận; Gói thầu tư vấn quản lý 4 tỷ đồng chỉ định cho Ban quản lý dự án 8. Hai gói này có thời gian thực hiện theo tiến độ thi công.

Ghi nhận thực tế vào cuối tháng 3/2024, ngoài khu nhà chỉ huy có người trực thì trên toàn dự án không thấy có máy móc, nhân công làm việc. Một đoạn đường từ cổng chính đến Nhà điều hành Công viên, kéo sang khu vực Đền Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (thuộc Khu II) và nhánh rẽ lên Đền Hùng cơ bản hoàn chỉnh phần đường nhựa nhưng vỉa hè hai bên ngổn ngang gạch đá, ống cống, vật liệu xây dựng. Dọc đường cỏ lau um tùm, bị đốt cháy sém. Đáng chú ý, cầu bắt qua rạch Đồng Tròn đã xây dựng xong hai trụ cầu và hai dầm cầu nhưng bỏ hoang nhiều năm nay. Nhiều hạng mục khác chưa thấy thi công.

Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 2: Hạ tầng Khu Cổ đại ì ạch, dang dở, bỏ hoang ảnh 6

Cầu bắt qua rạch Đồng Tròn bỏ hoang nhiều năm nay. Ngoài ra, đường sá cũng chưa hoàn chỉnh. Tiến độ dự án đến nay đạt 35%.

Theo Báo cáo thường niên năm 2023 của Công ty Phát Đạt, dự án chỉ đạt 35% khối lượng. Số liệu này tự thân đã khẳng định, dù đã 6 năm kể từ ngày khởi công (2018-2024) nhưng dự án vẫn chưa thể về đích.

Ngoài dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng 14 năm chưa hoàn thành, dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật nội bộ Khu Cổ đại chậm tiến độ nhiều năm thì Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt còn tham gia thực hiện dự án Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình huyện Bình Chánh theo hình thức BT nhưng đến nay cũng “án binh bất động”. Bài 3: BV Chấn thương Chỉnh hình mới vẫn là đất trống

TIN LIÊN QUAN
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
(Ngày Nay) - Căng thẳng giữa Nga và phương Tây ở Bắc Cực đã gia tăng đáng kể, khi Moskva chỉ trích những tuyên bố của Washington về Bắc Cực cũng như việc Mỹ gia tăng hoạt động quân sự. Bất đồng đó có thể lên đến đỉnh điểm khi Lầu Năm Góc dự kiến ​​công bố Chiến lược Bắc Cực mới.
Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí
Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí
(Ngày Nay) - Vi nhựa được xem là chất gây ô nhiễm chính cho các đại dương và sự hiện diện của chúng trong không khí ít được biết đến hơn. Trong những năm gần đây ngày càng có nhiều lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe con người, nhưng những nghiên cứu về vấn đề này mới ở giai đoạn sơ khai.
Ảnh minh họa
Sự kế thừa, phát triển những giá trị của Quốc hiệu Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
(Ngày Nay) - Trải qua quá trình lao động sản xuất không ngưng nghỉ nhằm thích ứng với tự nhiên và ứng phó với những yếu tố bên ngoài, sự xuất hiện của quốc hiệu Việt Nam là thành quả nỗ lực lớn lao của cộng đồng người Việt, mở ra trang mới trong lịch sử dựng nước, giữ nước dân tộc ta.
Đoàn tàu của ngư dân Cảng Trần Đề (Sóc Trăng) đang di chuyển thỉnh Ông ngoài tại Lễ hội Nghinh Ông.
Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải thu hút du khách gần xa
(Ngày Nay) - Ngày 29/4, tại thị trấn Trần Đề, UBND huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải năm 2024. Đây là một trong những lễ hội lớn ở khu vực duyên hải Tây Nam Bộ, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, biển lặng, gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đối với người trẻ Trung Quốc, sự độc lập của cá nhân là nền tảng và ưu tiên hàng đầu của việc hẹn hò và các mối quan hệ. Ảnh: Weixin
Trung Quốc: Giới trẻ chuộng hẹn hò "độc thân"
(Ngày Nay) - Giới trẻ ở Trung Quốc đang ngày càng áp dụng những cách tiếp cận mới trong việc hẹn hò và xây dựng các mối quan hệ, sự thay đổi được phản ánh qua việc dân số độc thân ở nước này ngày càng gia tăng.