Đây không phải là cuộc chiến trứng đầu tiên, Walter Willett, giáo sư dinh dưỡng tại trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan (trực thuộc Đại học Harvard) cho biết. Các nhà dinh dưỡng học đã tranh luận liệu hàm lượng cholesterol cao có trong trứng có vượt trội hơn lượng protein mà chúng cung cấp hay không.
Tiến sĩ Selvi Rajagopal, trợ lý giáo sư y khoa tại Trường Y Đại học Johns Hopkins - cho biết, những tuyên bố trôi nổi trên mạng xã hội rằng trứng có thể chữa khỏi COVID-19, hoặc dẫn đến việc xuất hiện những cục máu đông, là “không có cơ sở ”.
Theo tiến sĩ Willett, trong những năm 1960 và 1970, các bác sĩ đã đặt ra mối lo ngại về việc liệu thực phẩm giàu cholesterol có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu của bạn hay không. Họ nghi ngờ rằng mức độ cao của một số lipoprotein, vận chuyển cholesterol khắp cơ thể, có thể hình thành mảng bám trên thành mạch máu của bạn. Vì trứng rất giàu cholesterol - một lòng đỏ trứng có thể chứa khoảng 200 miligam - và mức lipid cao có liên quan đến sức khỏe tim mạch kém.
Nhưng trong khoảng một thập kỷ qua, tiến sĩ Rajagopal cho biết, các nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi liệu việc ăn thực phẩm giàu cholesterol có thực sự làm tăng mức lipid của bạn hay không. Bằng chứng hiện tại chưa chứng minh được rằng một người bình thường chắc chắn sẽ tăng cholesterol “xấu”, được gọi là LDL-C, dựa trên chế độ ăn uống của họ.
Samantha Heller, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng cấp cao tại N.Y.U, cho biết chất béo bão hòa là thủ phạm cấp bách hơn nhiều gây ra bệnh tim. Mặc dù trứng chứa lượng cholesterol cao, nhưng “nếu hôm nay bạn ăn món trứng tráng phô mai mà lâu rồi bạn không ăn, động mạch của bạn cũng sẽ không bị tắc ngay lập tức,” bà nói. Trứng cũng có hàm lượng protein cao, khiến chúng trở thành một lựa chọn thay thế cho thịt, vốn có xu hướng chứa nhiều chất béo bão hòa.
Năm 1968, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị người Mỹ không nên ăn quá ba quả trứng mỗi tuần. Tuy nhiên, đến năm 2015, nhận định này đã có phần thay đổi. Các hướng dẫn chế độ ăn uống hiện tại của Hoa Kỳ không còn sử dụng giới hạn hàng tuần đó nữa mà thay vào đó quảng bá trứng như một nguồn protein “đậm đặc chất dinh dưỡng”.
Trứng chứa vitamin B, E và D, đồng thời ít chất béo bão hòa. Bethany Doerfler, nhà nghiên cứu và chuyên gia dinh dưỡng tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern cho biết: “Bạn nhận được lượng protein cao với lượng calo thấp." Bên cạnh đó, bà Samantha Heller khẳng định trứng chứa các chất dinh dưỡng có lợi cho mắt và xương của bạn.
Beth Czerwony, một chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký với Trung tâm Dinh dưỡng Con người của Phòng khám Cleveland, chia sẻ: “Thực sự trứng có nhiều ưu điểm hơn là khuyết điểm", đồng thời cho biết thêm rằng một số loại trứng làm giàu axit béo omega-3, tùy thuộc vào chế độ ăn của gà mái.
Tuy nhiên, điều đó không làm cho trứng trở thành siêu thực phẩm không thể chê vào đâu được. Bà Doerfler cho biết, tiêu thụ quá nhiều trứng vẫn có một số nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nhưng ăn ở mức độ vừa phải, chẳng hạn như một quả trứng nguyên quả (bao gồm cả lòng đỏ) mỗi ngày, sẽ an toàn cho những người không mắc các bệnh tim mạch tiềm ẩn. Bạn cũng có thể không ăn trứng vài ngày và sau đó thỉnh thoảng ăn liền một lúc ba quả. Nếu lo lắng về cholesterol, bạn có thể chỉ ăn lòng trắng trứng, nhưng cần biết rằng lòng đỏ cũng là nơi chứa hầu hết các vitamin của trứng.
Bà Doerfler nói, điều quan trọng là phải kiểm tra lượng dinh dưỡng tổng thể của bạn. Ví dụ, một bữa sáng có trứng với bánh mì nướng và trái cây tươi sẽ tốt hơn nhiều cho sức khỏe tim mạch của bạn so với một chiếc bánh rán và cà phê có đường.
Các chuyên gia cho biết, không có bằng chứng đáng kể nào cho thấy trứng bảo vệ chống lại COVID-19 hoặc bất kỳ bệnh nào khác./.