Vào thứ 2 tuần trước (8/1) một cô gái 21 tuổi tên Gauri Kumari Bayak, sống tại ngôi làng xa xôi ở Nepal đã qua đời vì hít khói than sau khi đốt lửa sưởi ấm trong túp lều lạnh giá. Được biết, theo hủ tục hà khắc xa xưa của Nepal, người phụ nữ đang trong thời kì kinh nguyệt phải rời khỏi nhà và đến một nơi hẻo lánh để ở, sau khi chu kỳ kết thúc mới được quay về nhà. Và người phụ nữ trên đã qua đời vì phải trú ở một nơi lạnh giá, cô cố gắng thắp lửa để sưởi ấm nhưng chẳng may qua đời vì hít phải khói độc.
Để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, quan chức chính phủ Tul Bahadur Kawcha, Nepal cho biết truyền thống lưu vong của người phụ nữ trong thời kì kinh nguyệt sẽ bị cấm trong thời gian tới đây và chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2018. Luật mới quy định những ai cách ly phụ nữ có kinh nguyệt sẽ bị phạt 3 tháng tù giam hoặc 30 đô la Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số cộng đồng xa xôi hẻo lánh vẫn tiếp tục hủ tục hà khắc này.
Trên thực tế, hủ tục này có tên gọi là Chhaupadi, dùng để nói về quan điểm lạc hậu cho rằng phụ nữ trong giai đoạn kinh nguyệt sẽ không sạch sẽ và họ cần phải ra khỏi nhà để tránh làm ô uế cho căn nhà. Ở một số vùng nông thôn, nhiều người cho rằng nếu phụ nữ có kinh nguyệt không ra ngoài thì gia đình sẽ không may mắn, có người chết hoặc bị ốm. Vì vậy, bất chấp thời tiết giá rét hay khắc nghiệt thế nào, họ bằng mọi giá phải ra khỏi nhà, đợi khi nào kết thúc rồi quay trở về.
Cái chết của Gauri Kumari Bayak chỉ làm tăng thêm con số tử vong ở nữ giới của đất nước này. Trước đó, truyền thông cũng đưa tin rất nhiều phụ nữ qua đời vì phải ở một nơi hẻo lánh vắng vẻ, có người bị lên cơn đau tim, có người bị rắn độc cắn khi ngủ, thậm chí có người bị động vật hoang dã tấn công, tuy nhiên nguyên nhân phổ biến nhất là các cô gái hít phải khí độc do sưởi ấm trong thời tiết giá rét.
Hiện tại cảnh sát đang chờ đợi kết quả điều tra để xác nhận nguyên nhân dẫn đến cái chết của Gauri Kumari Bayak.
Tổng hợp