Hơn một năm sau khi Mỹ, Anh và Australia phá vỡ hợp đồng tàu ngầm lớn của Pháp, đẩy quan hệ Pháp-Mỹ đến bờ vực rạn nứt, hai cường quốc phương Tây dự kiến sẽ thể hiện sự thống nhất trước các mối đe dọa chung từ Nga và Trung Quốc.
Nhưng cản trở giữa hai bên sẽ là Đạo luật Giảm Lạm phát Mỹ (IRA). Người châu Âu cho rằng gói trợ cấp khổng lồ dành cho các nhà sản xuất Mỹ có thể giáng một đòn chí tử vào các ngành công nghiệp của họ, vốn đang lao đao vì giá năng lượng cao do cuộc xung đột tại Ukraine.
Ông Macron sẽ cố gắng thuyết phục Mỹ rằng lợi ích của họ là không làm suy yếu các công ty châu Âu vào thời điểm các đồng minh phương Tây đang phải đối mặt với sự cạnh tranh kinh tế gay gắt từ Trung Quốc, quốc gia đang sử dụng sức mạnh kinh tế của mình làm đòn bẩy ngoại giao.
"Thông điệp sẽ là: rõ ràng có một thách thức từ Trung Quốc và chúng tôi có thể giúp những nước khác ở EU thoát khỏi sự ngây thơ của họ về điều này. Nhưng các ngài không thể yêu cầu chúng tôi giúp đỡ về vấn đề Trung Quốc và thực hiện đạo luật IRA đối với chúng tôi", một nhà ngoại giao Pháp nhận định.
Một cố vấn của Tổng thống Macron cho biết, nhà lãnh đạo Pháp sẽ cố gắng đàm phán quy định miễn trừ cho các công ty châu Âu theo mô hình mà Mexico và Canada đã có.
Tổng thống Pháp cho biết các nhà sản xuất ô tô Đức, mà Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn, là một trong những nạn nhân lớn nhất của gói IRA trợ cấp cho ô tô điện do Mỹ sản xuất. Các nhà sản xuất ô tô của Pháp không xuất khẩu sang Mỹ, nhưng Pháp có các nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn nằm trong tầm bị ảnh hưởng.
Vấn đề năng lượng cũng sẽ nằm trong các cuộc thảo luận tại Nhà Trắng, với việc Pháp hy vọng thúc đẩy hợp tác năng lượng hạt nhân. Ông Macron muốn Pháp xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân, nhưng nước này đang phải vật lộn với thực trạng xuống cấp tại các nhà máy cũ kỹ của mình.
Công ty điện lực EDF của Pháp đã huy động hàng trăm công nhân chuyên môn, bao gồm cả thợ hàn, từ nhà sản xuất nhà máy hạt nhân Westinghouse của Mỹ, để giúp khắc phục sự cố tại các nhà máy hạt nhân của Pháp nhằm tránh xảy ra tình trạng mất điện ở châu Âu vào mùa đông này.
Ông Macron cũng sẽ tới Louisiana, bề ngoài là để bày tỏ lòng kính trọng đối với di sản Pháp của bang này, nhưng cũng để thảo luận về các vấn đề năng lượng, cố vấn của Tổng thống Pháp cho biết.
Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ TotalEnergies của Pháp sở hữu một kho cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn ở bang này trên Vịnh Mexico và Macron dự kiến sẽ phàn nàn về giá xuất khẩu khí đốt cao của Mỹ.
"Người Mỹ sản xuất khí đốt giá rẻ nhưng bán cho chúng ta với giá cao", ông Macron nói với các doanh nghiệp Pháp vào ngày 8/11. "Và trên hết, họ có những khoản trợ cấp lớn trong một số lĩnh vực khiến các dự án của chúng ta không có tính cạnh tranh. Tôi nghĩ điều này không thân thiện và tôi sẽ đến Washington trên tinh thần hữu nghị chỉ đơn giản là kêu gọi một sân chơi bình đẳng".