Washington Post dẫn nội dung từ thỏa thuận mang tên "Hiệp định Tăng cường hợp tác quốc phòng" cho biết, Mỹ được quyền sử dụng 5 căn cứ của Philippines, bao gồm Căn cứ không quân Antonio Bautista, Căn cứ Không quân Basa, Fort Magsaysay, Căn cứ không quân Lumbia và căn cứ Mactan-Benito Ebuen.
Căn cứ Antonio Bautista trên đảo Palawan là nơi gần quần đảo Trường sa nhất, với khoảng cách chỉ vài chục km. Trong khi đó, Căn cứ không quân Basa giáp Biển Đông ở vùng ngoại ô Manila.
Lính thủy đánh bộ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận tấn công mục tiêu.
Căn cứ Fort Magsaysay ở bắc đảo Luzon là cơ sở quân sự lớn nhất ở Philippines và là khu vực huấn luyện chủ chốt của quân đội Philippines. Căn cứ không quân Lumbia ở phía nam đảo Mindanao và kết nối với một sân bay dân sự.
Căn cứ Mactan-Benito Ebuen nằm trên đảo Mactan, bờ biển Cebu. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ sớm xây dựng một cơ sở quân sự mới trong khu vực.
Mỹ đã từng hiện diện quân sự thường xuyên ở Philippines trong gần một thế kỷ cho tới năm 1991, khi quân Mỹ rời căn cứ hải quân tại Vịnh Subic bởi hai nước không đạt được thỏa thuận gia hạn thêm thời gian.
Thỏa thuận mới diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông. Song, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng, động thái trên "không mang ý nghĩa khiêu khích hay gây hấn".
"Việc triển khai binh sĩ Mỹ đến các căn cứ quân sự gần Trường Sa không nhằm vào Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào", ông Kirby nói. "Thỏa thuận là cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ đối với đồng minh Philippines.
Trong khi đó, Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại, nói rằng thỏa thuận hợp tác giữa Washington và Manila không nên làm ảnh hưởng đến chủ quyền hay lợi ích an ninh của bất kỳ nước nào.
"Mỹ luôn quan ngại về vấn đề quân sự hóa ở Biển Đông. Nhưng chính Washington lại là quốc gia tăng cường quân sự trong khu vực. Điều này có được coi là tương đương với quân sự hóa Biển Đông hay không?", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo, theo Tân Hoa Xã.
Đăng Nguyễn