Mỹ đang soạn thảo lệnh trừng phạt nhằm chặn một số ngân hàng Trung Quốc tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu do phương Tây chi phối.
Theo đó, Washington hy vọng các lệnh trừng phạt này là đòn bẩy ngoại giao cho Ngoại trưởng Antony Blinken khi đến thăm Trung Quốc trong tuần này nhằm ngăn cản sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Moskva.
Tại cuộc họp của các ngoại trưởng G7 hôm 19/4, ông Blinken cho biết Trung Quốc là "nước đóng góp chính" cho tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga.
Hãng Reuters trước đó dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đang hỗ trợ Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách cung cấp máy móc, trang thiết bị và hình ảnh vệ tinh.
Trung Quốc cũng bị Mỹ cáo buộc đang cung cấp cho Nga chất bán dẫn và các công nghệ lưỡng dụng khác có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Max Bergmann, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Mỹ, nhận định: “Điều này đã cho phép Điện Kremlin tăng tốc sản xuất vũ khí, bao gồm áo giáp chống đạn, pháo, tên lửa và máy bay không người lái, đồng thời thiết lập một hệ thống phòng thủ hiệu quả trước cuộc phản công năm 2023 của Ukraine”.
Tuy nhiên theo WSJ, các quan chức Mỹ hy vọng áp lực ngoại giao sẽ ngăn cản việc phải thực hiện bất kỳ hành động nào có thể phá vỡ mối quan hệ mong manh giữa Trung Quốc và Mỹ.
“Việc ngăn chặn các ngân hàng tiếp cận với đồng USD, vốn được sử dụng trong hầu hết thương mại toàn cầu, có ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều so với các biện pháp trừng phạt thông thường nhắm vào các cá nhân và công ty, và do đó thường được coi là phương sách cuối cùng”, WSJ dẫn lời các quan chức trên cho biết.
Ngoại trưởng Blinken và các quan chức Mỹ khác trước đây đã cảnh báo Trung Quốc không cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Nga và kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Moskva để giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine.