“Hãy để tôi lựa chọn từ ngữ của mình thật cẩn thận", ông Biden nói trong một cuộc họp báo với Tổng thống Pháp Macron. "Tôi sẵn sàng nói chuyện với ông Putin nếu ông ấy quyết định tìm cách chấm dứt cuộc xung đột. Ông ấy vẫn chưa làm điều đó".
Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ tham khảo ý kiến với các đồng minh NATO và sẽ không làm gì có thể gây tổn hại đến lợi ích của Ukraine. "Tôi sẽ không làm điều đó một mình", nhà lãnh đạo 80 tuổi nói.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Macron cho biết sẽ tiếp tục giữ liên lạc với ông Putin để "cố gắng ngăn chặn leo thang (căng thẳng -ND) và đạt được một số kết quả rất cụ thể" như đảm bảo an toàn của các nhà máy hạt nhân.
Tổng thống Biden đang đón tiếp nhà lãnh đạo Pháp trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi lên lên nắm quyền vào đầu năm 2021. Bên cạnh cam kết ủng hộ Ukraine, hai nhà lãnh đạo đã tìm cách xoa dịu một số căng thẳng kinh tế trong các cuộc đàm phán tại Phòng Bầu dục.
Ông Biden đã cam kết sẽ thực hiện các thay đổi đối với những quy định hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ khiến giới làm ăn châu Âu cảm thấy bị đe dọa về mặt lợi ích. Tổng thống Mỹ cho biết các dự luật nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo của nước này và ngành công nghiệp bán dẫn có những "trục trặc" có thể được giải quyết.
Đáp lại, ông Macron nêu ra những lo ngại của Pháp và châu Âu về Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Biden, một dự luật mới trị giá 430 tỷ USD cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho các sản phẩm do Mỹ sản xuất và nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu và thúc đẩy năng lượng tái tạo.
"Pháp không đến đây để yêu cầu một số loại ngoại lệ cho nền kinh tế của mình. Chúng tôi đến để chia sẻ hậu quả của quy định này tác động đến chúng tôi như thế nào", ông Macron nói.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng gói luật do Tổng thống Biden ký vào tháng 8 là không công bằng đối với các công ty không phải của Mỹ và sẽ là một đòn giáng nghiêm trọng đối với nền kinh tế của họ khi châu Âu đối phó với hậu quả từ xung đột Nga-Ukraine.
Ông Macron cho biết điều quan trọng đối với Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu là "đồng bộ hóa lại" các cách tiếp cận của họ.
Trong một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục, hai nhà lãnh đạo đều chỉ trích những hoạt động của quân đội Nga tại Ukraine.
Họ cũng tuyên bố sẽ phối hợp giải quyết những lo ngại về "thách thức của Trung Quốc đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm tôn trọng nhân quyền và hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu quan trọng như biến đổi khí hậu".
Các bộ trưởng NATO đã gặp nhau tại Bucharest hôm thứ Năm và cam kết viện trợ nhiều hơn cho Ukraine để giúp chống lại các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng khi mùa đông đến.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết NATO cũng đang thảo luận về cách giải quyết các thách thức do việc xây dựng quân đội của Trung Quốc và sự hợp tác của nước này với Nga. Tổng thống Macron trước đây đã nói rằng Trung Quốc không nên là trọng tâm của NATO.